|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ dự kiến nâng giá trần với dầu Nga vì lo sợ biến động thị trường

16:49 | 27/10/2022
Chia sẻ
Theo Bloomberg, các quan chức Mỹ đã buộc phải nới lỏng đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga do lo sợ nguy cơ gây biến động thị trường. Trần mới có thể sẽ cao hơn 60 USD/thùng, gần bằng mức giá trung bình mà Nga đã bán dầu trong 5 năm qua.

Nâng giá trần

Ban đầu, Nhà Trắng có ý định bóp nghẹt doanh thu từ dầu của Điện Kremlin bằng cách áp đặt mức giá trần nghiêm ngặt thông qua một “liên minh người mua”. Hiện tại, theo nguồn tin của Bloomberg, nhiều khả năng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấp nhận mức giá trần cao hơn, và với chỉ G7 và Australia tham gia kế hoạch.

Nguồn tin trên cho biết Hàn Quốc cũng đã thông báo riêng với các quốc gia G7 về ý định tham gia. Các quan chức G7 đang tìm cách đưa New Zealand và Na Uy tham gia kế hoạch này. Tuy nhiên, hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không tuân thủ kế hoạch giá trần.

Vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề xuất xem xét đặt giá dầu Nga trong khoảng từ 40 đến 60 USD/thùng. Một số quan chức còn mong muốn giữ mức trần gần giới hạn dưới (40 USD/thùng) để hạn chế dòng tiền của Nga.

Hiện giờ, các quan chức tham gia kế hoạch đang thỏa luận việc để mức trần ở giới hạn trên (60 USD/thùng), và thậm chí là cao hơn nữa. Một vài quan chức EU cho rằng quyết định này sẽ cho phép Điện Kremlin tiếp tục thu lợi đáng kể từ hoạt động bán dầu.

 Nếu Mỹ áp giá trần cao hơn 60 USD/thùng, mức trần có thể còn cao hơn giá bán trung bình của dầu Urals trong 5 năm qua. 

“Nhà Trắng và chính quyền đang đi đúng hướng trong việc triển khai một mức giá trần hiệu quả, mạnh mẽ đối với dầu Nga cùng G7 và các đối tác khác”, người phát ngôn Hội đông An ninh Mỹ, bà Adrienne Watson cho biết.

“[Giá trần] là cách hiệu quả nhất nhằm đảm bảo rằng dầu sẽ tiếp tục chảy vào thị trường với mức giá thấp hơn và tấn công mạnh vào doanh thu của Moscow dùng để tài trợ cho cuộc chiến”, bà nói thêm.

Trả lời Bloomberg, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính cho biết Mỹ chưa từng thảo luận khoảng giới hạn giá trần với các đồng minh.

Lo về nguồn cung hơn là trừng phạt Nga

Nga ước tính thu được 15 tỷ USD từ bán dầu trong tháng 9, giúp nước này tài trợ cho cuộc xung đột tại Ukraine. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã cố gắng ngăn chặn khoản tiền này ngay từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự.

Trong một thị trường toàn cầu được thống trị bởi OPEC+, dẫn đầu là Arab Saudi, cơ chế giá trần nhằm hạ chi phí năng lượng, nhắm vào một nhà sản xuất có thể quá phức tạp để triển khai.

Giá dầu Brent vào hôm 26/10 đã giao dịch ở mức 96 USD/thùng. Vào đầu tháng 3, nhiên liệu này đã có lúc chạm ngưỡng 139 USD/thùng. Sự biến động giá mạnh trong năm nay đã làm giảm tính thanh khoản trên thị trường hàng hóa, và lại khiến giá cả biến động mạnh hơn.

Trong khi đó, dầu thô Urals, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, có giá trung bình khoảng 63 USD/thùng trong ba năm qua. Vào tháng 9, mức giá trung bình của một thùng Urals là 74 USD.

Dầu Urals đang rẻ hơn khoảng 20-30 USD/thùng so với dầu Brent. 

Washington đã dành nhiều tháng để yêu cầu châu Âu sửa đổi biện pháp trừng phạt với dầu Nga. EU dự kiến sẽ cấm nhập khẩu cũng như dừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm, tài chính cho dầu Nga vào cuối năm nay.

Một số quan chức EU tin rằng sự thay đổi trong mức giá trần của Mỹ cho thấy Washington chú trọng nhiều vào việc tăng nguồn cung dầu và không sẵn sàng chịu ảnh hưởng kinh tế như EU để trừng phạt Nga.

Bộ Tài chính Mỹ lập luận rằng đặt giá trần cao có thể giúp sáng kiến dễ đạt được mục tiêu là duy trì dòng chảy của dầu Nga và hạn chế doanh thu của Moscow.

Nguy cơ phản tác dụng

Các quan chức Mỹ từng cho rằng ông Putin chỉ đe dọa khi tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất cứ ai tham gia vào kế hoạch giá trần. Hiện tại, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính cho rằng chính quyền đã luôn biết về khả năng Moscow sẽ trả đũa thật sự.

Giá nhiên liệu, nhất là dầu và xăng, đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào hôm 8/11.

Những nghi ngại về kế hoạch giá trần của bà Yellen đã tăng lên sau khi OPEC+ tuyên bố hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào hôm 5/10. Nga là một thành viên quan trọng của OPEC+.

Một số quan chức tham gia vào việc phác thảo kế hoạch giá trần đã lo lắng về nguy cơ phản tác dụng, gây ra nhiều bất ổn hơn trên thị trường quốc tế.

Bà Yellen hôm 24/10 đã cảnh báo về một “môi trường nguy hiểm và biến động” đang nhen nhóm trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm giá năng lượng tăng và hỗn loạn tại thị trường tài chính. Trong những tình huống trên, “rủi ro bất ổn tài chính có thể thành hiện thực” tại Mỹ.

Theo RT, đầu tháng 10, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak đã cho biết áp giá trần với dầu thô sẽ không hiệu quả bởi giá được quyết định dựa trên cân bằng cung-cầu trên thị trường toàn cầu.

Và sau ngày 5/12, khi lệnh cấm của EU có hiệu lực, Moscow có thể vận chuyển đa phần lượng dầu xuất khẩu ở giá thị trường do vẫn tiếp cận được với đội tàu và các dịch vụ khác, Reuters cho hay. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết 80 đến 90% dầu Nga vẫn sẽ tiếp tục chảy tới những người mua không tham gia kế hoạch áp giá trần. 

Nga có thể tiếp cận không chỉ đội tàu của mình mà còn cả của Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà giao dịch và công ty bảo hiểm ở Nga, châu Á và Trung Đông sẽ cung cấp các dịch vụ cần thiết để vận chuyển mặt hàng này.

Châu Á đã thay thế châu Âu trở thành khách hàng quan trọng nhất của Nga.

Kế hoạch lỏng lẻo

Nếu G7 thất bại trong việc thống nhất giá trần, lệnh cấm hoàn toàn đối dầu Nga mà EU đã thông qua hồi tháng 6 sẽ sớm có hiệu lực. Mỹ đã thúc đẩy EU tham gia kế hoạch giá trần vì lo ngại biện pháp trừng phạt của liên minh này có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng vọt.

Mỹ cũng đã thảo luận riêng với đồng minh về việc sử dụng kết hợp thêm các công cụ khác, chẳng hạn như trừng phạt thứ cấp. Tuy vậy, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã công khai loại bỏ khả năng trên, làm tăng thêm sự hoài nghi với tính hiệu quả của kế hoạch áp giá trần.

Một quan chức EU cho biết giá trần sẽ khó lòng hoạt động mà không có cơ chế thực thi. Những người mua dầu chủ chốt của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với phương Tây.

G7 và EU không đủ sức để áp giá trần với dầu Nga nếu thiếu sự trợ giúp của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.

RT trích dẫn báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa 10/2022 của World Bank, cho biết kế hoạch áp trần giá dầu của Mỹ chỉ có tác dụng nếu các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển cùng tham gia.

"Giá trần của G7 có thể ảnh hưởng tới dòng chảy dầu từ Nga. Nhưng kế hoạch này là cơ chế chưa được thử nghiệm và sẽ cần sự hợp sức của các thị trường mới nổi lớn cũng như các nước đang phát triển để đạt mục tiêu", báo cáo cho biết.

Trong ngắn hạn, World Bank cho biết thêm rằng đứt gãy lớn có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Nga khi các tuyến vận tải bị gián đoạn. Trong dài hạn, "những người tham gia thị trường có thể tìm cách để lách các lệnh trừng phạt, như thường xảy ra trong quá khứ".

Theo Bloomberg, sẽ không có quyết định nào được thông qua trước kỳ bầu cử tại Mỹ. EU đặt mục tiêu thông qua kế hoạch áp giá trần vào 25/11, tức là 10 ngày trước khi các biện pháp trừng phạt hoàn toàn dầu Nga dự kiến có hiệu lực. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.