Khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ tồi tệ đến đâu trong mùa đông này?
Điều gì đang xảy ra?
“Lục địa già” đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine. Trong nhiều năm, châu Âu đã sử dụng nguồn cung khí đốt từ Nga để vận hành các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU) qua hệ thống đường ống. Song, khối lượng xuất khẩu này đã giảm 75% so với công suất thiết kế.
Hiện Nga vẫn chuyển khí đốt đến châu Âu qua Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Biển Đen bằng đường ống TurkStream, song viễn cảnh ngừng hoàn toàn nguồn cung đã đến sớm hơn nhiều người dự kiến. Nga cảnh báo đây là hậu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Moscow.
Hồi tháng 9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lệnh trừng phạt đã gây khó khăn cho công tác bảo trì đường ống.
Trước tình hình trên, các chính phủ châu Âu đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung bằng cách mua thêm khí đốt từ nguồn khác, cũng như áp dụng biện pháp giảm nhu cầu và tiết kiệm nhiên liệu.
Trả lời Al Jazeera, ông Adam Pankratz, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Sauder của Đại học British Columbia, nói: "Châu Âu không có bất kỳ nguồn cung tài nguyên thiên nhiên nào. Họ quyết định sẽ rời xa nhiên liệu hóa thạch và không khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính họ. Châu Âu thực sự có trữ lượng khí đốt dồi dào, nhưng khối này không muốn khai thác và trở nên phụ thuộc vào khí đốt và dầu thô nhập khẩu của Nga. Khi Nga cắt giảm nguồn cung, châu Âu không có kế hoạch dự phòng”.
EU đã nhập khẩu để đáp ứng khoảng 80% nhu cầu khí đốt, khi sản lượng nội khối giảm một nửa trong 10 năm qua. Đức, Pháp và các nước khác đều đã cấm khai thác.
Những ảnh hưởng nặng nề
Một loạt các hoạt động kinh tế bao gồm giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp... đều cần sử dụng năng lượng. Ngành công nghiệp sữa và bánh mì là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do tiêu thụ nhiều năng lượng.
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), trong tháng 8, giá bơ tăng 80% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá pho mai tăng 43%, và giá sữa bột tăng hơn 50%.
Khi giá khí đốt và điện tăng cao, hàng triệu người châu Âu đang phải dành số tiền kỷ lục trong thu nhập của họ để chi trả hóa đơn năng lượng. Các chuyên gia cũng cảnh báo về tình trạng "nghèo đói" nhiên liệu.
Trả lời Al Jazeera, ông Simon Francis, điều phối viên của Liên minh Chấm dứt Đói nghèo Nhiên liệu, nhận định nghèo về nhiên liệu sẽ khiến người dân không thể sưởi ấm cho ngôi nhà của họ và điều này gây ra nhiều vấn đề lớn. Ông nói: “Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc nếu bạn là người già, người tàn tật và phải sống trong ngôi nhà lãnh lẽo, tình trạng sức khỏe của bạn sẽ xấu đi.”
Một số gia đình còn cân nhắc về phương án bố mẹ và con cái sẽ ngủ chung một phòng để tiết kiệm nhiên liệu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các gia đình tại Italy và Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do giá khí đốt tăng cao.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có trở nên tồi tệ hơn?
Theo báo cáo, châu Âu đã hoàn thành mục tiêu lấp đầy 80% các kho dự trữ khí đốt vào tháng 11, nhờ vậy, lục địa này có thể sẽ đủ nhiên liệu để sản xuất điện vào mùa đông này.
EU cũng tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt, như mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và bổ sung khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan. Các chính phủ cũng đã thông qua biện pháp để hỗ trợ người dân giảm bớt gánh nặng của lạm phát.
Tuy nhiên, sự ổn định sẽ phụ thuộc vào nền nhiệt của mùa đông sắp tới. Nếu nhiệt độ giảm bất thường, nhu cầu có thể gia tăng đến mức mà nguồn dự trữ của châu Âu không đáp ứng được.
Ông Pankratz nói: "Kịch bản xấu nhất là châu Âu phải trải qua một mùa đông siêu lạnh. Trong trường hợp này, kinh tế châu Âu sẽ rơi tự do khi không thể sản xuất bất cứ thứ gì, vì chi phí quá đắt và chính phủ sẽ ưu tiên cấp khí đốt phục vụ nhu cầu sưởi ấm hơn là sản xuất công nghiệp”.
Nhiều chuyên gia đều nhất trí rằng trong mùa đông sắp tới châu Âu sẽ gặp khó khăn song khối này vẫn có thể vượt qua. Câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra vào năm tới.
Ông Carlos Torres Diaz, chuyên gia của công ty nghiên cứu về năng lượng Rystad Energy lưu ý nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ không được nối lại, do đó sẽ rất khó để lấp đầy kho chứa một lần nữa cho mùa đông năm tới. Hai hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 từ Nga đến Đức đều đã bị hư hỏng nặng và quá trình sửa chữa nhiều khả năng sẽ mất hơn một năm với chi phí hàng tỷ USD.
EU đang nỗ lực tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và một trong những thách thức lớn nhất của khối này là thời gian cần thiết để thực hiện các giải pháp. Theo ông Pankratz, tất cả các giải pháp mà châu Âu dự kiến thực hiện như xây dựng đường ống, lò phản ứng hạt nhân, cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG, đều cần thời gian.