|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đặt cược vào năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch: Chính sách đẩy châu Âu vào khủng hoảng

12:18 | 05/10/2022
Chia sẻ
Châu Âu sẽ khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng chừng nào còn không chịu chấp nhận hiện thực và thay đổi những chính sách đã tạo nên cuộc khủng hoảng ấy.

Theo Foreign Policy, châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II. Thế nhưng, những chính sách mà châu Âu áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng này cũng không khác biệt đáng kể so với các quyết định đã đẩy châu lục già vào cảnh thiếu năng lượng.

Vấn đề cốt lõi là châu Âu vẫn không dám đối mặt với nguyên nhân thật sự của cuộc khủng hoảng năng lượng mà chọn cách đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Nga và cuộc xung đột Ukraine chính là nguồn cơn.

Rõ ràng, việc Moscow siết chặt dòng khí đốt đang làm tình hình xấu đi. Nhưng thực tế, châu Âu đã rơi vào khủng hoảng tới mùa đông thứ ba.

Vào mùa đông năm 2020-2021 và 2021-2022, giá điện và khí đốt tại châu lục già đã tăng mạnh, đồng thời tình trạng thiếu hụt khí đốt dẫn đến việc phải tăng cường sử dụng than và dầu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu lại đang không chú ý hoặc không muốn thay đổi.

 

Hai thập kỷ hình thành khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã kéo dài hai thập kỷ. Với mục tiêu nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân sang các nguồn tái tạo, các nhà hoạch định chính sách đã áp đặt những thay đổi trong cơ cấu ngành năng lượng.

Đồng thời, các lãnh đạo châu Âu đã bỏ ngoài tai những dự báo về nhu cầu dầu và khí đốt, cũng như sự cần thiết của các nguồn nhiên liệu phụ tải nền (để hỗ trợ khi các nguồn năng lượng tái tạo không đủ công suất, chẳng hạn như vào buổi đêm hoặc trời lặng gió).

Nhiều quốc gia châu Âu đã hạn chế sản xuất nguyên liệu hóa thạch trong nước và cũng ít nhập khẩu thêm, ngoại trừ khí đốt từ Nga.

Đức và Pháp, hai quốc gia sở hữu nhiều mỏ khí đốt đã cấm hoạt động khai thác bằng phương pháp thủy lực cắt phá (fracking). Trong thập kỷ qua, nguồn khí đốt sản xuất trong nước của châu Âu đã giảm một nửa. 83% lượng khí đốt tiêu thụ của châu lục này đang được nhập khẩu.

 

Dưới áp lực của các nhà hoạt động và đảng phái bảo vệ môi trường, Đức cùng nhiều quốc gia khác cũng đã từ bỏ năng lượng hạt nhân, bất chấp việc chưa từng xảy ra bất cứ tai nạn nào.

Quay lại thời điểm hiện nay, chính sách giá trần khí đốt và điện, cùng việc áp thuế doanh nghiệp sản xuất năng lượng sẽ khiến nguồn cung thêm hạn chế. Các chính sách trợ giá sẽ làm người tiêu dùng không còn nhu cầu phải hạ nhiệt độ sưởi hay tắt đèn để tiết kiệm điện, khí đốt.

Do tự tin rằng châu Âu sẽ sớm không còn cần đến khí đốt, các nhà lãnh đạo đã không ký kết thêm các hợp đồng dài hạn. Kết quả là châu Âu thiếu khí đốt, bất chấp việc xung quanh đầy các nhà cung ứng lớn, như Nga, Bắc Phi và Trung Á.

EU đáng lẽ đã có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn cung khí đốt ổn định và giá cả phải chăng. Thế nhưng giờ đây châu Âu lại phụ thuộc vào thị trường giao ngay đắt đỏ.

Và ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải đi khắp thế giới để tìm nguồn khí đốt bổ sung, họ vẫn tiếp tục từ chối ký kết các hợp đồng dài hạn.

Tuần trước, sau chuyến công du tới Qatar và UAE, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ mang về duy nhất một tàu chở khí hóa lỏng (LNG) và không có bất cứ hợp đồng dài hạn nào.

Châu Âu hiện vẫn chưa nhận thấy tác động của quyết định từ bỏ khí đốt vào đầu thập kỷ trước. Vào những năm 1990 và 2000, khí đốt là nguồn nhiên liệu có tốc độ phát triển nhanh nhất ở cả châu Âu và toàn cầu. Khí đốt từng được săn đón do lượng phát thải thấp và giá cả phải chăng trước khi xung đột Ukraine nổ ra.

Chuyển đổi từ than sang khí đốt là cách nhanh và rẻ nhất để giảm phát thải carbon. Nhờ cuộc cách mạng khí đốt đá phiến, Mỹ đã có thể giảm mạnh phát thải carbon mà không cần đến sự can thiệp của chính phủ.

Tuy nhiên, vào thập kỷ trước, phe phản đối nhiên liệu hóa thạch đã đẩy mạnh chiến dịch chống lại khí đốt tại châu lục già. Kết quả là châu Âu loại bỏ dần các hợp đồng khí đốt dài hạn. 

Những năm 1990, cuộc cách mạng khí đốt đã phiến đã giúp sản lượng khí đốt của Mỹ tăng mạnh. 

Lý tưởng làm lu mờ lý trí

Theo Foreign Policy, lý tưởng làm lu mờ lý trí trong chính sách năng lượng của châu Âu. Việc loại bỏ năng lượng hạt nhân, than và giảm khí đốt, nhưng đồng thời bổ sung ít năng lượng tái tạo hơn đã tạo ra sự thiếu hụt.

Tất cả nỗ lực để tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng gió và mặt trời đã bỏ quên các hạn chế về tài nguyên và năng lượng. Những nguồn điện tái tạo yêu cầu đất đai rộng lớn, vật liệu và trang thiết bị (bao gồm cả từ Trung Quốc) cũng như biện pháp dự phòng và lưu trữ.

Và cuối cùng, châu Âu đã bỏ qua những dự báo về nhu cầu của nhiên liệu hóa thạch cho giao thông, công nghiệp, sưởi ấm và nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo không ổn định.

 

Bất chấp những dự báo, dữ liệu và cuộc khủng hoảng năng lượng đã kéo dài hai mùa đông, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục chính sách cũ.

Tuần trước, Hà Lan tuyên bố sẽ tiếp tục giảm sản lượng khí đốt tại mỏ khí đốt khổng lồ Groningen. Đức vẫn tuân thủ lệnh cấm khai thác bằng thủy lực cắt phá và từ bỏ năng lượng hạt nhân. Khi người dân Bỉ xuống đường biểu tình, chính phủ vẫn tiếp tục đóng cửa thêm nhà máy điện hạt nhân.

Foreign Policy cho rằng EU nên học theo chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss. Ngay sau khi nhậm chức, bà đã cho mở rộng hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu khí ngoài khơi cũng như xóa bỏ lệnh cấm khai thác bằng thủy lực cắt phá (fracking).

Thay vì điều chỉnh chính sách, các nhà lãnh đạo châu Âu lại đang tăng cường đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời và EV.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn không thể nào vận hành năng lượng tái tạo một cách độc lập mà không cần tới nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng xanh cũng cần đến một chuỗi cung ứng yêu cầu nhiều tài nguyên, cùng với những thách thức địa chính trị, tương tự như nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nhận ra rằng cấu trúc thị trường năng lượng không chống chịu được khủng hoảng, và phải cứu trợ hoặc quốc hữu hóa các doanh nghiệp điện lực đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

Chủ tịch von der Leyen đã đúng khi chỉ ra rằng giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đang dựa trên LNG chi phí cao chứ không phải khí đốt qua đường ống giá rẻ, và hệ thống này phải được điều chỉnh. Tuy nhiên, châu Âu lại chưa đánh giá được tác động kinh tế khi thị trường chuyển sang tiêu thụ lượng lớn LNG đắt đỏ.

Thay vì tập trung giải quyết các vấn đề trên một cách nhanh chóng và chính xác, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục theo đuổi các dự án chưa được thử nghiệm và còn lâu mới khả thi về mặt thương mại.

Gần đây, bà von der Leyen đã công bố kế hoạch xây dựng "Ngân hàng Hydro Châu Âu". Nhiên liệu hydro vẫn chưa khả thi về mặt thương mại, còn nhiều lo ngại về mặt an toàn trong vấn đề vận chuyển, những ảnh hưởng đến môi trường có thể xảy ra khi sản xuất và nguy cơ rò rỉ không thể tránh khỏi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố xây dựng "Ngân hàng Hydro Châu Âu" trị giá 3 tỷ EUR. (Ảnh: Christope Petit Tesson/EPA).

Đối diện sự thật

Foreign Policy cho rằng nếu các nhà hoạch định chính sách của châu Âu dám đối mặt với nguyên nhân thật sự của cuộc khủng hoảng, thì các biện pháp giải quyết sẽ rõ ràng.

Trước hết, EU cần cho phép và ủng hộ việc ký kết các hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn, với thời gian thường kéo dài hơn một thập kỷ. Các hợp đồng này sẽ giúp phía nhà khai thác có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển năng lượng tới châu Âu. Quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân cũng cần phải được xem xét lại. 

Tiếp theo, EU cần trở nên trung lập về mặt công nghệ trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo và phát thải thấp, thay vì chỉ tập trung vào một số công nghệ cụ thể, do các chính trị gia và quan chức lựa chọn.

Brussels và các chính quyền châu Âu nên quan tâm hơn đến khí đốt, bao gồm cả nguồn cung trong nước, tương tự như những gì mà Anh đang làm.

Châu Âu cũng cần một kế hoạch dài hạn cho các nhiên liệu phụ tải nền. Vì không thể sản sinh điện năng một cách ổn định và có thể đoán trước, năng lượng mặt trời và gió sẽ cần sự bổ trợ của hạt nhân hay khí đốt. Châu Âu cũng cần một cách tiếp cận mới với thị trường năng lượng.

Châu lục già cần phải thay thế lý tưởng bằng hiện thực. Bằng không, châu Âu sẽ đối mặt với nhiều mùa đông khó khăn, bất kể Nga có cắt khí đốt hay không.

Minh Quang