Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu để phục vụ nhu cầu của châu Âu
Theo OilPrice.com, hoạt động nhập khẩu dầu của châu Á đã tăng vọt trong tháng 9. Thông thường, những tin tức trên sẽ làm lóe lên tia hy vọng cho nhu cầu và đẩy giá tăng. Nhưng lần này, tình hình dường như đang phức tạp hơn. Việc châu Á tăng nhập khẩu dầu không liên quan đến nhu cầu của phương Đông, mà thực chất là của châu Âu.
Theo Reuters, châu Á đã nhập thêm 2 triệu thùng đầu vào tháng trước, và đa số lượng nhiên liệu này được chuyển tới Trung Quốc và Singapore. Trong tháng 8, cả Trung Quốc và Singapore đều đang trong quá trình bảo trì nhà máy lọc dầu. Vào tháng 9, tỷ lệ công suất hiệu dụng đã tăng trở lại.
Một mặt, bảo trì vào tháng 8 là hoạt động thường niên nhằm chuẩn bị cho mùa đông. Mặt khác, Liên minh châu Âu đang có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, chuẩn bị có hiệu lực trong chưa đầy hai tháng và một lệnh cấm nhập nhiên liệu hai tháng sau đó.
Châu Âu đã đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel khi xa lánh nhiên liệu từ Nga và do nguồn cung toàn cầu hạn chế. Tình trạng này đã tạo ra nỗi lo rằng nhu cầu sẽ biến mất nếu giá quá cao, đồng thời làm dấy lên nguy cơ suy thoái do thiếu nhiên liệu.
Dầu Nga tìm đường tới châu Âu
Theo một số giám đốc của những sàn giao dịch hàng hóa lớn, Mỹ có thể tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu khi sản phẩm của Nga sẽ được chuyển hướng sang những thị trường khác, bao gồm châu Á và Nam Mỹ. Và một số nhiên liệu từ Nga cũng sẽ tới châu Âu, nhưng thông qua Trung Quốc.
Nghịch lý ở đây là dầu của Nga sẽ không ngừng tới châu Âu, kể cả khi Brussels làm mọi thứ để ngăn dòng chảy này hay thậm chí trả giá rất cao. Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tăng cường nhập khẩu dầu Nga với giá rẻ sau khi phương Tây tẩy chay loại nhiên liệu này.
Châu Âu cũng đã nhập từng gián tiếp mua hàng của Nga thông qua Ấn Độ. Dường như Brussels không có vấn đề gì với dầu thô đã được tinh chế của Moscow, miễn là những nhiên liệu này không tới trực tiếp từ Nga.
Tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn bởi nhu cầu cho các sản phẩm từ dầu sẽ vẫn cao cho đến khi giá trở nên quá đắt đỏ, bất kể tình hình địa chính trị.
Và ngay cả khi giá quá đắt, nhu cầu cũng sẽ không tụt dốc ngay lập tức. Ví dụ như tại Pháp, nơi các cuộc đình công đã làm tê liệt hơn một nửa công suất lọc dầu, người dân vẫn tiếp tục xếp hàng để đổ đầy bình xăng.
Châu Âu có thể sẽ phải dựa vào Trung Quốc để có đủ nhiên liệu trong mùa đông. Theo sau Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đã có những phát biểu chống lại sự thống trị của Bắc Kinh ở nhiều thị trường quốc tế. Brussels không coi Bắc Kinh là bạn, nhưng lại là nhà cung ứng hàng hóa thiết yếu giúp giữ cho châu Âu không sụt đổ.
- TIN LIÊN QUAN
-
'Nhiên liệu của động cơ kinh tế toàn cầu' đang rơi vào hỗn loạn 17/10/2022 - 15:22
Các nước châu Âu có thể còn phải tìm tới chiếc phao cứu sinh Trung Quốc sớm hơn dự tính. Các cuộc đình công trên khắp nước Pháp không chỉ là thách thức duy nhất đối với nguồn cung. Vào tháng này, tình trạng thiếu hụt dầu diesel tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn khi các nhà máy lọc dầu bảo trì định kỳ, khiến công suất lọc dầu giảm đi khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Brussels sẽ khó kiếm được nhiên liệu từ những nơi khác, ngoại trừ Trung Quốc. Bloomberg gần đây cho biết các nhà máy lọc dầu của Bắc Kinh đã được cấp cho hạn ngạch xuất khẩu lớn nhất kể từ đầu năm. Một lý do là nhu cầu trong nước vẫn thấp sau những đợt phong tỏa. Một giải thích khả dĩ khác là triển vọng nhu cầu lớn của thị trường châu Âu.
Một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: “Chừng nào nền kinh tế Trung Quốc vẫn yếu và tồn kho cao, các nhà máy lọc dầu sẽ có động lực để giảm lượng tồn kho và xuất khẩu”.