|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao dân Pháp phải xếp hàng dài để mua xăng?

17:04 | 13/10/2022
Chia sẻ
Pháp đang rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu khi công nhân ngành dầu khí đình công nhằm yêu cầu tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt lên cao.

Xếp hàng dài để đổ xăng

Theo Financial Times, trong những tuần gần đây, các cuộc đình công của lao động ngành năng lượng Pháp đã ảnh hưởng tới với nguồn cung nhiên liệu và điện. Các trạm xăng đang gặp khó khăn khi nhu cầu tăng vọt và nguồn dự trữ khan hiếm.

Tình trạng thiếu nhiên liệu diễn ra trầm trọng nhất tại miền bắc nước Pháp, nơi có kho lưu trữ lớn của TotalEnergies. Cơ sở này bị ngừng hoạt động khi công nhân đình công, yêu cầu lương cao hơn nhằm đối phó với lạm phát.

Hàng dài tài xế đang chờ để đổ xăng tại miền bắc nước Pháp. (Ảnh: sameer Al-Doumy/AFP/Getty Images).

Các tài xế đang cố gắng đổ nhiên liệu ở các trạm xăng của TotalEnergies, gây ra tình trạng tắc nghẽn lớn tại các con đường của Paris cho đến đông bắc nước Pháp, gần biên giới Bỉ. Người dân đã chạy qua biên giới để mua được xăng giá rẻ hơn.

Văn phòng Tỉnh trưởng vùng Hauts-de-France đã yêu cầu mọi người tránh đổ xô đi mua nhiên liệu. Ông Bruno Vandeville, Thị trưởng của Arleux, nói với France 3 TV: “Tôi đã nhận được một số cuộc gọi từ các y tá hỏi xem liệu [chính quyền] có thể cấp cho bệnh viện quyền ưu tiên tiếp cận nhiên liệu hay không".

Trạm xăng tại Port-Jerome-sur-Seine, miền bắc nước Pháp, đóng cửa hôm 12/10. (Ảnh: Pascal Rossignol/Reuters).

Công nhân tại nhiều ngành công nghiệp Pháp, bao gồm cả lọc dầu và điện hạt nhân cũng đang yêu cầu mức lương cao hơn. Trong khi đó, chính phủ tìm cách bảo vệ người tiêu dùng khỏi chi phí sinh hoạt tăng cao bằng cách chi ra 7,5 tỷ USD trợ cấp nhiên liệu trong năm nay. Paris cũng mong đợi TotalEnergies cùng hỗ trợ hạ giá.

Lạm phát của nước này đã đạt đỉnh 6,8% vào tháng 7 sau đó đã giảm hai tháng liên tục xuống còn 6,2% vào tháng 9/2022. Chi phí sinh hoạt tại Pháp đang tăng chậm hơn so với những người hàng xóm châu Âu.

Tỷ lệ lạm phát của Pháp tương đối thấp so với những người hàng xóm châu Âu do trợ cấp nhiên liệu và có tỷ lệ điện hạt nhân cao.

Buộc quay lại làm việc

Theo Reuters, vào hôm 12/10, Pháp đã yêu cầu nhân viên tại một kho nhiên liệu của Exxon Mobil quay trở lại làm việc, đồng thời cảnh báo một kho lưu trữ khác của TotalEnergies.

Bộ Năng lượng Pháp đã ra lệnh cho một vài nhân viên ở kho nhiên liệu Gravenchon-Port Jerome quay lại làm việc. Kho nhiên liệu trên được Esso France vận hành, nơi công đoàn lao động CGT tiếp tục đình công, bất chấp các công đoàn khác đã thỏa hiệp.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết các thủ tục buộc nhân viên quay lại làm việc sẽ được tiến hành nếu tranh chấp lao động không được giải quyết “trong những giờ tiếp theo”. Ông Macron cho biết 1/3 số trạm xăng trên cả nước vẫn không có nhiên liệu.

Tổng thống Pháp cho biết cả CGT và doanh nghiệp đều có trách nhiệm phải ngừng vụ đối đầu.

Công đoàn CGT biểu tình ở bên ngoài nhà máy của TotalEnergies. (Ảnh: Eric Gaillard/Reuters).

Các công đoàn lao động đang yêu cầu tăng lương để giúp công nhân đối phó với lạm phát tăng cao khi châu Âu đang rời vào một trong những cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Hiến pháp của Pháp ghi nhận quyền được đình công. Tuy nhiên, chính phủ có quyền buộc một lượng công nhân tối thiểu quay lại làm việc để duy trì hoạt động trong một số trường hợp.

CGT tuyên bố sẽ chống lại lệnh làm việc bắt buộc tại tòa án khi nhận được thông báo. Vào năm 2010, một nỗ lực của chính phủ nhằm buộc công nhân lọc dầu làm việc đã bị một thẩm phán đình chỉ.

Người phát ngôn của chính phủ Pháp Oliver Veran cho biết tình hình đã trở nên “không thể chấp nhận” và yêu cầu làm việc bắt buộc sẽ dẫn đến “sự cải thiện rõ rệt … trong những ngày tới”.

Ông cảnh báo rằng chính phủ có thể buộc nhân viên ở kho dầu Dunkirk, miền bắc nước Pháp của TotalEnergies quay trở lại làm việc. Công đoàn CGT cũng đang đình công tại khu vực này.

Ông Veran cho biết lệnh làm việc bắt buộc sẽ chỉ được thông qua khi không có đối thoại giữa công đoàn và doanh nghiệp. Các nguồn tin của chính phủ Pháp cho biết chỉ cần 15 đến 20 người lao động quay trở lại làm việc là kho nhiên liệu có thể hoạt động.

Người dân Paris xếp hàng dài chờ đổ xăng. (Ảnh: Christophe Ena/Associated Press).

Sau buổi họp với doanh nghiệp, đại diện công đoàn CGT, ông Thiery Defresne tuyên bố người lao động tại kho nhiên liệu Gravenchon-Port Jerome ở miền bắc nước Pháp sẽ tiếp tục đình công.

“Phía quản lý đã yêu cầu chúng tôi ít nhất tiếp tục vận chuyển nhiên liệu tồn kho, ngay cả khi các nhà máy lọc dầu vẫn ngừng hoạt động”, ông nói và cho biết CGT sẽ thảo luận các bước tiếp theo với công nhân.

TotalEnergies cho biết công ty đang thảo luận với những công đoàn khác.

Lan tới ngành điện hạt nhân?

Công đoàn CGT cũng đã kêu gọi sự ủng hộ của công nhân từ những lĩnh vực khác. Đã có những dấu hiệu cho thấy một vài công nhân tại nhà máy điện hạt nhân của EDF sẽ tiếp tục đình công, làm trì hoãn hoạt động bảo trì của ít nhất 5 lò phản ứng.

Đại diện của công đoàn FNME, bà Viginie Neumayer tuyên bố động thái này đã gửi một thông điệp nhằm ủng hộ những người công nhân tại TotalEnergies và Exxon Mobil.

“Lời đe dọa yêu cầu làm việc bắt buộc là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang sốt sắng và chưa bao giờ chứng tỏ hiệu quả trong việc giải quyết xung đột”, bà Neumayer nói. Các cuộc đình công hiện đã khiến Pháp mất đi 60% năng lực lọc dầu.

Exxon Mobil hiện đã thống nhất với hai công đoàn hàng đầu về mức tăng lương 6,5% vào năm 2023. Tuy nhiên, CGT lại yêu cầu mức tăng 10% và từ chối lời đề nghị. TotalEnergies vẫn đang trong tình trạng bế tắc với các công đoàn.

“Dường như doanh nghiệp không sẵn sàng đưa ra những lời đề nghị đủ để khiến cuộc đình công của chúng tôi dừng lại”, ông Defresne của công đoàn CGT cho biết.

Ông Sylvain Bersinger, một nhà kinh tế tại công ty tư vấn Asteres, cho biết tác động kinh tế trong quý này sẽ không quá lớn: “Sự sụt giảm trong hoạt động [kinh tế] do đình công thường sẽ được bù đắp vào quý sau”.

Minh Quang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.