|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điện hạt nhân: Một thời là 'niềm tự hào', giờ đây trở thành cơn đau đầu của Pháp

16:32 | 09/10/2022
Chia sẻ
Các nhà phân tích dự báo rằng Pháp sắp phải đối mặt với một mùa đông khó khăn khi các vấn đề “thâm căn cố đế” trong chiến lược năng lượng phụ thuộc nhiều vào điện hạt nhân của nước này trở nên xấu đi.

Niềm tự hào sụp đổ?

Từ lâu, điện hạt nhân đã là niềm tự hào dân tộc của Pháp. Quốc gia châu Âu này sản xuất khoảng 70% điện năng từ 56 lò phản ứng hạt nhân, tất cả đều do tập đoàn nhà nước Électricité de France (EDF) vận hành.

Theo CNBC, Pháp hiện là nước có số lượng lò phản ứng hạt nhân lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Điều đó đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước láng giềng khi Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt.

Tuy nhiên, trong các tháng gần đây, hơn 50% số lò phản ứng hạt nhân của EDF đã phải ngừng hoạt động vì bị ăn mòn hoặc gặp trục trặc kỹ thuật. Các nguyên nhân sâu xa hơn là do nắng nóng khắc nghiệt và sửa chữa chậm trễ vì đại dịch.

Vụ việc đã khiến sản lượng điện năng của Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm, cùng thời điểm Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

 

 

Ông Norbert Ruecker - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Julius Baer, nhận xét: “Tôi thấy mối quan hệ giữa nước Pháp và điện hạt nhân thực sự rất thú vị, vì nó chỉ thẳng ra tất cả những ưu và nhược điểm của hạt nhân”.

Tháng trước, tờ Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết EDF đã cam kết sẽ khởi động lại toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân trong mùa đông này, bắt đầu từ tháng 10.

Ở diễn biến khác, nhà điều hành lưới điện của Pháp - RTE thông báo nước này không có nguy cơ bị mất điện hoàn toàn trong mùa đông nhưng không loại trừ một số trường hợp cắt điện khi nhu cầu lên cao điểm.

“Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân sẽ hoạt động trở lại trước mùa đông, vào khoảng tháng 11 hoặc 12. Vì vậy, nếu bạn tin tưởng công ty điều hành lưới điện của Pháp, mọi thứ sẽ ổn thôi”, ông Ruecker nhận định.

“Chúng ta nên thận trọng về khả năng vận hành lại hệ thống lò phản ứng của Pháp, nhưng cũng không nên quá bi quan. Dữ liệu từ trước đến nay cho thấy các nhà máy điện hạt nhân thường hoạt động đúng kế hoạch”, vị chuyên gia nói thêm.

Phụ thuộc hai yếu tố

Trong mùa hè năm nay, giá điện tại Pháp liên tục xô đổ kỷ lục và đạt đỉnh lịch sử 1.100 euro (tương đương 1.073 USD)/MWh vào cuối tháng 8.

Các nhà phân tích lo ngại Pháp có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu của chính mình cũng như của các nước láng giềng trong những tháng tới.

Do các vấn đề về hệ thống lò phản ứng hạt nhân trong nước, Pháp đã đánh mất vị thế là nhà xuất khẩu điện lớn nhất của châu Âu trong năm nay, đồng thời còn phải nhập khẩu nhiều điện hơn so với lượng xuất khẩu.

Dữ liệu từ các nhà phân tích năng lượng tại nền tảng EnAppSys cho thấy Thuỵ Điển là nước xuất khẩu điện ròng lớn nhất châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trục trặc kéo dài liên quan tới các lò phản ứng hạt nhân đã khiến lượng điện xuất khẩu của Pháp giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia của EnAppSys nhận định rằng tình hình “khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều”.

Để bù đắp lượng thiếu hụt trong nước, Pháp đã phải nhập khẩu điện đắt đỏ từ Anh, Đức, Tây Ban Nha và một số nước khác.

Nhà máy điện hạt nhân Belleville ở Belleville-sur-Loire, Pháp. (Ảnh: Getty Images).

Ông Rueker của Julius Baer đánh giá: “Nhờ vào thị trường và hệ thống lưới điện trong khu vực, châu Âu đã cứu Pháp khỏi nguy cơ mất điện nghiêm trọng vào mùa hè này”.

Nhằm bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong những tháng tới, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng trước đã công bố kế hoạch giới hạn mức tăng giá điện và khí đốt trong năm 2023 ở mức 15%.

Con số trên đánh dấu một bước nhảy vọt so với năm nay, khi mà chính phủ quy định giá điện không được tăng quá 4% và không can thiệp đến giá khí đốt.

Ông Mujtaba Rahman - Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của hãng tư vấn Eurasia Group, cho rằng các khoản trợ cấp mở rộng có thể làm gia tăng gánh nặng ngân sách của chính phủ Pháp.

“Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố”, ông Rahman cho hay. “Đầu tiên là liệu chương trình thắt lưng buộc bụng về năng lượng của chính phủ có thành công hay không. Chương trình này mang tính tự nguyện với người dân nhưng bắt buộc với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”.

“Thứ hai là liệu thời tiết có chiều lòng Pháp hay không. Một mùa đông lạnh giá khắc nghiệt sau một mùa hè khô hạn sẽ là một bài kiểm tra hà khắc cho hệ thống cung cấp điện của Pháp”, vị chuyên gia tiếp tục.

Hàm ý gì cho châu Âu?

Sản lượng điện teo tóp của Pháp đã khơi lại những chỉ trích về chiến lược năng lượng nặng về điện hạt nhân của nước này, ngay tại thời điểm nhiều quốc gia châu Âu đang chuyển sang năng lượng nguyên tử để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt của Nga.

Đức - quốc gia ban đầu dự tính sẽ đóng cửa ba lò phản ứng hạt nhân còn lại vào cuối năm nay, đã quyết định trì hoãn kế hoạch trên nhằm tăng cường nguồn cung năng lượng cho mùa đông năm nay.

Mặt khác, Anh cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng điện hạt nhân và EU đã liệt kê năng lượng hạt nhân vào danh sách các khoản đầu tư “xanh” của khối.

Ông Alexandre Danthine - chuyên gia cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Aurora Energy Research, nhận định: “Điều quan trọng cần lưu ý là nếu Pháp gặp vấn đề về điện hạt nhân thì châu Âu cũng sẽ gặp trục trặc”.

Vị chuyên gia nêu lý do với CNBC: “Nhìn chung, Pháp là một nhà xuất khẩu điện năng lớn nhưng vào mùa đông họ lại cần nguồn điện từ các nước láng giềng để đáp ứng nhu cầu của riêng mình…”

Nhận xét về chiến lược điện hạt nhân của Pháp, những người ủng hộ cho rằng loại hình năng lượng này có tiềm năng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Pháp sản xuất đủ điện năng, đồng thời cắt giảm lượng khí thải nhà kinh và bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.

Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích, điện hạt nhân là một lựa chọn đắt đỏ và đang giành giật sự quan tâm với các nguồn năng lượng rẻ hơn, sạch hơn. Các nhóm vận động môi trường cho rằng các công nghệ như điện gió và điện mặt trời nên được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.