|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung không thiếu, sao hàng trăm cửa hàng xăng dầu ở miền Nam lại đóng cửa?

16:29 | 12/10/2022
Chia sẻ
Nguồn cung xăng dầu cho thị trường không thiếu nhưng vài ngày qua hàng trăm cây xăng ở phía Nam đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Phía doanh nghiệp cho rằng bất cập trong công thức tính giá cơ sở là mấu chốt vấn đề, còn cơ quan quản lý nói có nhiều yếu tố tác động.

Nguồn cung không thiếu nhưng hàng trăm cửa hàng ở miền Nam phải đóng cửa

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hơn 20-21 triệu m3/năm, trong đó nguồn nhập khẩu chỉ chiếm 30%, còn lại là từ nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn.

Trong nhiều văn bản gần đây, Bộ Công Thương liên tục khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu. Tuy nhiên ngày 8 – 11/10, tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường chủ yếu xảy ra ở nhiều tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP HCM, người dân “gõ cửa” nhiều cây xăng nhưng không được phục vụ vì luôn trong tình trạng hết hàng.

Tính đến 17h ngày 11/10, TP HCM có 137/550 cửa hàng tạm thời hết xăng dầu. Còn tính đến ngày 10/10, tỉnh An Giang có 27/415; Hậu Giang có 21/211; Ninh Thuận có 5/128; Bình Dương có 16/445 cửa hàng xăng dầu tạm dừng hoạt động, đóng cửa vì hết xăng dầu, chưa kể một số cửa hàng có tình trạng hết xăng còn dầu, hết dầu còn xăng...

Trong khi đó Hà Nội chưa ghi nhận tình trạng cây xăng đóng cửa nhưng lượng khách hàng đến các cây xăng lớn đông hơn ngày thường, khách phải chờ 20-30 phút mới đến lượt.

Người dân đổ xăng tại cây xăng Petrolimex TP HCM (trái) và Hà Nội (phải). (Ảnh: Huy Nguyễn, Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết về sự khác biệt này, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc tại Trà Vinh cho biết các doanh nghiệp phía Bắc chủ yếu nhập hàng ở nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn nên ít chịu ảnh hưởng bởi chi phí nhập khẩu, vận chuyển.

Còn các doanh nghiệp miền Nam chủ yếu lấy hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, việc phân phối lợi nhuận và rủi ro giữa doanh nghiệp đầu mối và hệ thống bán lẻ có nhiều bất cập.

Nghị định 95 quy định “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”.

Tuy nhiên theo ông Tây các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách lách quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng).

Khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định, tức là chiết khấu âm dẫn đến tình trạng doanh nghiệp càng bán càng lỗ, doanh nghiệp âm vốn nhưng không được phép tạm dừng hoạt động.

Các cửa hàng khác đóng cửa, lượng khách đến cây xăng của chúng tôi tăng 2-3 lần. Tuy nhiên 5/6 cửa hàng của chúng tôi cũng tạm dừng hoạt động vì hết xăng dầu, còn lại một cửa hàng sắp đóng cửa. Petrolimex đã thông báo khóa sổ, không còn hàng cho doanh nghiệp nhập nữa.

Kinh doanh trong cơ chế thị trường mà nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Nếu doanh nghiệp có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung như những ngày đã qua, doanh nghiệp sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận”, ông Tây nói.

Công thức tính giá cơ sở có gây xáo trộn thị trường xăng dầu?

Nói về sự biến động biến động thị trường xăng dầu phía Nam, ông Giang Chấn Tây cho rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở công thức tính giá cơ sở của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, công thức hiện nay chỉ đúng khi giá xăng dầu tăng.

Ông Tây phân tích theo Nghị định 95, giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế, nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở. Trong khi đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu phải hệ thống phân phối có mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng.

Điều này có nghĩa doanh nghiệp mua xăng dầu lại chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy, nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như doanh nghiệp lỗ 10 ngày của giai đoạn trước nếu chu kỳ điều hành giá bán lẻ kỳ này giảm.

“Nếu các kỳ điều hành xăng dầu liên tục giảm thì doanh nghiệp đầu mối lỗ lớn dẫn đến biện pháp cắt lỗ là bóp chiết khấu và cộng thêm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp bán lẻ”, ông Giang Chấn Tây nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu Bội Ngọc cho rằng nếu Bộ Tài chính không thay đổi cách tính giá cơ sở thì vào mùa khô sắp tới nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, giá xăng dầu thế giới cũng sẽ tăng như hàng năm.

“Khi doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn thì Bộ có thể sẽ điều tiết, giảm lãi của doanh nghiệp bằng các loại thuế phí... Và bất ổn có thể lại tiếp tục”, ông Tây nhận định.

Về phía Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch cũng cho rằng: “Một trong những nguyên nhân gây ra sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước vừa qua là khiếm khuyết của Nghị định 95. Chúng ta chưa lường trước được kịch bản giá xăng thế giới giảm, doanh nghiệp mua cao bán thấp, càng bán càng lỗ nên họ không muốn nhập về nữa”.

Bên cạnh đó theo đại diện VINPA, chi phí kinh doanh định mức từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thay đổi, doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn khi giá thế giới biến động mạnh, chi phí đầu vào tăng.

Mặt khác, trong hệ thống kinh doanh xăng dầu chưa nhiều doanh nghiệp trích lập được quỹ dự phòng rủi ro. Bản thân hiệp hội đã kiến nghị với Bộ Tài chính nên có một quỹ này hoặc thêm bảo hiểm giá trong kết cấu giá cơ sở để chia sẻ với doanh nghiệp những lúc thị trường biến động mạnh.

Liên quan đến về vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, 36 doanh nghiệp vừa gửi lên Chính phủ công thức tính giá cơ sở như sau.

 Công thức tính giá cơ sở 36 doanh nghiệp xăng dầu phía Nam đề xuất.

Lấy giá thành thực tế bình quân của 37 doanh nghiệp đầu mối báo cáo về liên bộ trước khi chuẩn bị điều chỉnh giá bán lẻ, sau đó liên bộ chọn 15 doanh nghiệp hoạt động ổn định và thường xuyên nhất cộng chung lại và chia cho 15 sẽ ra giá thành bình quân chung của một lít xăng cơ bản nhất.

Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho phải được tính theo bình quân gia quyền để đưa vào giá vốn, bởi vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có lượng hàng tồn kho cần được tính đúng, tính đủ giá trị khi kết chuyển vào giá vốn theo đúng nguyên tắc và Luật kế toán, nếu không sẽ lời giả mà lỗ thật.

Tiếp theo là cộng lợi nhuận định mức cho công ty đầu mối. Sau đó là tính chiết khấu cho đại lý bán lẻ bằng cách cộng thêm (+) 7% của giá bán được tính theo kết quả trên để tính chiết khấu cho đại lý bán lẻ thì sẽ ra giá bán lẻ hiện hành tại thời điểm đó.

Nếu công bố giá bán lẻ theo phương pháp tính này thì tôi tin rằng thị trường sẽ ổn định ngay lập tức và sẽ ổn định lâu dài với điều kiện là quy định chiết khấu đại lý không nhỏ hơn 7%/ trên giá bán lẻ.

Doanh nghiệp đầu mối không được "rớ" vào và xem như là lãi định mức của đơn vị bán lẻ và là công cụ đặc biệt để ổn định thị trường, không để cho doanh nghiệp đầu mối ép đại lý bán lẻ.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính nói gì?

Lý giải về hiện tượng thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm, Bộ Tài chính cho rằng do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong quý III các thương nhân đầu mối đã giảm mạnh lượng xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam. Cụ thể sản lượng nhập khẩu xăng về Việt Nam trong quý III (20/9/2022) giảm khoảng 40%, dầu DO giảm 35% so với Quý II.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III như Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, CTCP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, CTCP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

“Trong bối khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7), có thể dẫn đến tâm lý e ngại nhập khẩu xăng dầu”, Bộ Tài chính cho biết.

Còn về phía Bộ Công Thương, Bộ cho rằng việc hơn 100 cửa hàng xăng dầu tạm đóng cửa, ngừng bán hàng là không phổ biến do số lượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

 Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước tại họp báo Bộ Công Thương chiều 12/10. (Ảnh: H.Mĩ)

Ngoài nguyên nhân Bộ Tài chính đưa ra, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết nguyên nhân của hiện tượng trên là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu bị tước giấy phép này.

Mặt khác, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); nâng mức chi phí vận chuyển xăng dầu và premium phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường. 

Đồng thời yêu cầu các nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phủ hợp với nhu cầu của thị trường.

Bộ Công Thương khẳng định lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.

Tính đến ngày 8/10, tồn kho xăng dầu của Petrolimex khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); PVOIL còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...

Phạm Mơ