'Nhiên liệu của động cơ kinh tế toàn cầu' đang rơi vào hỗn loạn
Theo Bloomberg, thị trường dầu diesel lại một lần nữa phát đi những cảnh báo về sự hỗn loạn, tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu thông qua áp lực lạm phát.
Dầu diesel là nhiên liệu cho xe tải, tàu hỏa và tàu thủy, những bánh răng giúp vận hành ngành công nghiệp. Ở châu Âu, giá giao ngay của nhiên liệu này đang rất cao.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vì sao dân Pháp phải xếp hàng dài để mua xăng? 13/10/2022 - 17:04
Châu Âu đang gặp khó bởi cuộc đình công của các công nhân lọc dầu tại Pháp đã kéo dài ba tuần, cũng như lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga sắp đi vào hiệu lực trong 3,5 tháng nữa. Mỹ hiện cũng đang có nguồn dự trữ thấp nhất kể từ năm 1982 khi mùa đông sắp tới.
Sự hỗn loạn tại thị trường diesel là ác mộng đối với châu Âu khi giá năng lượng đã cao chót vót. Tuy nhiên, có thể còn nhiều điều tồi tệ hơn sắp tới. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ép các nhà sản xuất nhiên liệu cắt giảm xuất khẩu và khiển trách các doanh nghiệp này vì nguồn dự trữ thấp.
“Thị trường đang rất căng thẳng, nguồn dự trữ đang cực thấp”, ông Gary Ross, quản lý quỹ đầu cơ tại Black Gold Investor nói. “Tôi không biết nguồn cung bổ sung sẽ tới từ đâu. Diesel là nhiên liệu công nghiệp của toàn thế giới, vì vậy [thiếu hụt nguồn cung] sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh tế vốn đã suy yếu”.
Chênh lệch giá lớn
Trong tuần trước, có lúc các nhà giao dịch đã phải trả thêm 160 USD/tấn (hơn 20 USD/thùng) để có được một xà lan chở diesel. Vào một tháng trước, mức chênh lệch chỉ là 24 USD/tấn.
Ở New York, thị trường thực tế cũng đang thiếu hụt nguồn cung và giá chênh lệch cũng tăng vọt. Kể từ tháng 8 vừa qua, thị trường đã trong tình trạng bù hoãn bán, tức người bán sẽ mất tiền nếu nắm giữ nhiên liệu. Bù hoãn bán xảy ra khi giá thực tế cao hơn so với giá trên thị trường tương lai. Ngược lại với trạng thái bù hoãn bán là bù hoãn mua.
Thị trường thường sẽ chuyển sang tình trạng bù hoãn mua vào giữa năm, thúc đẩy nhà cung ứng tăng dự trữ vào mùa hè để chuẩn bị cho vụ thu hoạch và mùa đông.
Diesel là động cơ của nền kinh tế toàn cầu, được sử dụng trong giao thông, sưởi ấm và hoạt động công nghiệp. Giá diesel tăng sẽ khiến chi phí của mọi thứ, từ sưởi ấm căn hộ cho tới các loại hàng hóa, cùng đi lên.
“Ở tầm vĩ mô, giá dầu cao làm lạm phát gia tăng và hạn chế phát triển kinh tế”, ông Mark Williams, Giám đốc nghiên cứu tại WoodMackenzie cho biết.
“Giá nhiên liệu diesel sẽ ảnh hưởng tới mọi người, bởi diesel tác động trực tiếp tới sản xuất, vận tải và chi phí sưởi ấm. Khi giá nhiên liệu này tăng, chi phí thường được chuyển sang người tiêu dùng”, ông nói.
Báo động
Tình trạng thị trường có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Berlin, Paris và cả Moscow. Ngay tháng trước, châu Âu nhập khẩu 2/5 nhu cầu diesel từ Nga. Moscow vẫn tiếp tục gửi 80% lượng diesel xuất khẩu của mình tới châu Âu.
Sự thiếu hụt các tàu chở hàng được gia cố để chống băng, có thể chở nhiên liệu từ các cảng vùng Baltic của Nga vào mùa đông, cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu nguồn cung của Nga có thể được đưa tới những thị trường thay thế hay không.
Thị trường đã rơi vào trạng thái hỗn loạn kể từ khi cuộc xung đột Ukraine tạo ra sự không chắc chắn về dòng chảy diesel. Khi thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của EU có hiệu lực càng tới gần, các cuộc đình công tại Pháp càng làm thị trường khó khăn hơn.
Tình hình tồi tệ tới mức chính phủ Pháp đã buộc các công nhân đình công phải quay lại làm việc để phân phối nhiên liệu. Gần 1/3 các cây xăng tại Pháp đã rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu trong tuần trước.
Paris đã có thể thở phào nhẹ nhõm chút ít vào hôm 14/10 khi hoạt động đình công đã phần nào giảm bớt. Công nhân tại các nhà máy ở Pháp của Exxon Mobil đã tạm dừng đình công, còn nhà máy lọc dầu của TotalEnergies SE ở Normandy vẫn tiếp tục ngừng hoạt động.
Ông Helge Andre Martinsen, nhà phân tích dầu DNB Bank ASA, cho biết: “Dầu diesel đang rất khan hiếm. Chúng tôi có thể dễ dàng rơi vào tình trạng thiếu hụt khi mùa đông”.