Cuộc khủng hoảng dầu diesel toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn
Theo thông tin của oilprice.com, tồn kho nhiên liệu đã qua chưng cất tại Mỹ và châu Âu đang ở mức khá thấp. Mùa hè năm nay, các kho dự trữ của Mỹ cũng không tăng lên như thường lệ.
Hơn nữa, trong vòng một tháng kể từ cuối tháng 6, tồn kho nhiên liệu tại Mỹ thậm chí đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất cho thời điểm này trong năm, ít nhất là khi so với 32 năm qua.
Tồn kho của châu Âu còn eo hẹp hơn bởi nhiều ngành công nghiệp đã chuyển từ tiêu thụ khí đốt tự nhiên sang dầu mỏ. Nga - nhà cung ứng năng lượng lớn của châu Âu, đã giảm lượng khí đốt xuất sang lục địa già, khiến giá mặt hàng này tăng chóng mặt và đẩy châu Âu vào tình thế ngặt nghèo.
Trong vài tháng tới, tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể trở nên tồi tệ hơn khi mùa lạnh bắt đầu và Liên minh châu Âu (EU) chính thức cấm nhập khẩu nhiên liệu qua đường biển từ Nga vào đầu năm 2023.
Mỹ không đủ sức cung ứng cho châu Âu
Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), tồn kho nhiên liệu chưng cất tại Mỹ đã giảm 2,4 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 29/7 và thấp hơn 25% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm.
Còn nhà phân tích thị trường John Kemp ước tính, ở mức 109,3 triệu thùng vào ngày 29/7, tồn kho dầu diesel, dầu sưởi và các loại dầu chưng cất khác của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất cho giai đoạn này trong năm kể từ năm 1996.
Thông thường, dự trữ nhiên liệu của Mỹ sẽ tăng vào mùa hè khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu trong mùa cao điểm lái xe trên cả nước. Song, điều này đã không xảy ra trong năm nay.
Trên thực tế, các kho dự trữ sản phẩm chưng cất đã sụt tới 3 triệu thùng trong tháng 7, mức giảm theo mùa lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1990, ông Kemp lưu ý.
Tại châu Âu, lệnh cấm vận sắp có hiệu lực của EU đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga đang khuyến khích giới thương nhân tìm kiếm các nguồn cung ứng khác.
Mỹ là một trong các nhà cung ứng như vậy và xuất khẩu nhiên liệu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chạm mức 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 7 - xác lập mức cao nhất trong 5 năm qua. Phần lớn mức tăng là đến từ thị trường châu Âu.
Mặt khác, châu Âu chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc cắt giảm nhập khẩu dầu diesel từ Nga. Dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Vortexa cho thấy, nhập khẩu dầu diesel từ Nga thực chất đã tăng trong tháng 7.
Cụ thể, tháng 7 vừa qua, châu Âu đã nhập 680.000 thùng dầu diesel từ Nga mỗi ngày, tăng 13% so với tháng trước và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt mức cung ứng của các nước khác khoảng 200.000 thùng/ngày và cũng cao bất thường nếu tính theo mùa.
Kinh tế trưởng David Wech của Vortexa bình luận: “Nhìn chung, chúng tôi rất nghi ngờ rằng liệu châu Âu có thể thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu diesel đã công bố hay không…
….trong bối cảnh giá dầu diesel tăng cao kỷ lục trong suốt 5 tháng qua, châu Âu không giảm mà còn phụ thuộc hơn vào nguồn hàng của Nga, hệ thống lọc dầu toàn cầu gặp nhiều hạn chế và châu Âu nhiều khả năng sẽ sử dụng dầu diesel thay thế cho khí đốt tự nhiên”.
Câu hỏi quan trọng trong thời gian tới
Trong tương lai, yếu tố đáng lưu tâm là liệu các nhà máy lọc dầu của Mỹ có sản xuất thêm dầu diesel để xuất khẩu sang châu Âu hay không, khi mà biên lợi nhuận chế biến dầu cho thị trường này đang rất khả quan, ông Wech nói với tờ Financial Times.
Trong khi đó, các cơ sở lọc dầu tại Mỹ cho biết họ khó có thể tăng thêm các chuyến hàng diesel đến châu Âu.
Tại buổi công bố kết quả kinh doanh quý II hồi tuần trước, ông Gary Simmons - Phó Chủ tịch tại hãng năng lượng Valero Energy, cho hay: “Chúng tôi sẽ đối mặt với thách thức rất lớn để có thể nâng nguồn cung dầu diesel cho châu Âu”.
Giữa lúc tồn kho tại Mỹ đang rất thấp và “ngành công nghiệp lọc dầu về cơ bản đã cạn kiệt công suất”, rất khó để tăng cường dòng chảy nhiên liệu từ Mỹ sang thị trường châu Âu, vị phó chủ tịch nhấn mạnh.
Nguồn cung cấp nhiên liệu trên khắp châu Âu đang bị gián đoạn hơn nữa do mực nước cực kỳ thấp của sống Rhine, một hành lang vận chuyển sản phẩm dầu mỏ chính của lục địa già.