Hai quốc gia châu Âu nối đường ống 'Tình bạn' để vận chuyển dầu của Nga
Theo Al Jazeera, hiện nay, Serbia đang mua dầu của Nga trên biển Adriatic qua đường ống JANAF và lãnh thổ Croatia. Nhưng vào tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra giá trần đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga tới các quốc gia thứ ba.
Người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs tuyên bố hôm 10/10: “Đường ống mới kết nối với tuyến 'Tình bạn' sẽ giúp Serbia nhận được dầu thô của Nga với giá rẻ hơn”.
Ông cho biết nguồn cung dầu của Serbia đa số đến từ một đường ống chảy qua lãnh thổ Croatia nhưng "đường ống này nhiều khả năng sẽ không còn có thể vận chuyển trong tương lai do những lệnh trừng phạt đã được thông qua”.
Hungary vẫn có thể nhận được dầu mỏ của Nga thông qua đường ống Druzhba do có được sự miễn trừ với các lệnh cấm vận của EU.
Theo Financial Times, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cho biết hai nước có kế hoạch kết nối đường ống trong vòng hai năm tới. “Croatia đã trở thành một nhà cung ứng không đáng tin cậy”, ông nói.
Theo ông Vučić, Serbia sẽ được kết nối với đường ống phía nam của Hungary (Tình bạn) với chi phí 100 triệu USD, và có khả năng mở rộng tới cảng Durrës ở Albania thông qua Bắc Macedonia.
Hungary đã chỉ trích các gói trừng phạt của EU đối với Nga. Thủ tướng Viktor Orban cho biết các biện pháp trừng phạt đã “thất bại khi chính phủ châu Âu đổ rạp như ‘những quân domino’”.
Vào tháng 6/2022, Hungary đã trì hoãn quá trình hoàn thiện một gói trừng phạt của EU chống lại Nga, phản đối những hạn chế nhắm vào Thượng phụ Patriarch Kirill. Chức vụ Thượng phụ trong Chính thống giáo phương Đông tương đương với Giáo hoàng của Công giáo Roma.
Hungary phụ thuộc vào nguồn khí đốt và dầu mỏ của Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt đang đẩy giá năng lượng lên cao vào tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Tuy vậy, Budapest đã ủng hộ gói trừng phạt thứ 8 của EU vào tuần trước.
EU và Mỹ đang đặt câu hỏi về tuyên bố cam kết gia nhập Liên minh châu Âu của Serbia sau khi nước này ký một thỏa thuận với Moscow, hứa sẽ “tham vấn” trong dài hạn với Nga về các vấn đề đối ngoại.
Nhánh phía nam của đường ống Druzhba, hay còn gọi là Tình bạn, chảy qua Hungary tới Slovakia và Cộng hòa Séc. Đường ống này đã là nguồn cung nhiên liệu chính của ba quốc gia trên trong nhiều năm.
Doanh nghiệp dầu khí duy nhất của Serbia là NIS có hai cổ đông lớn là Gazprom Neft và Gazprom của Nga.
Trong tháng này, Hungary cũng tuyên bố sẽ giúp đỡ Serbia về vấn đề nguồn cung khí đốt nếu cần thiết. Thủ tướng Orban cho biết Budapest có dự trữ khí đốt đủ dùng trong từ 5 tới 6 tháng.