|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba sự kiện sắp diễn ra có thể quyết định mối quan hệ chiến lược Mỹ và Arab Saudi

08:19 | 01/11/2022
Chia sẻ
Quan hệ đi xuống giữa Mỹ và Arab Saudi có thể được gỡ rối thông qua ba sự kiện quan trọng sắp tới, bao gồm bầu cử tại Mỹ, cuộc họp của OPEC+ và chuyến thăm Riyadh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ gặp Thái tử Arab Saudi vào tháng 7/2022. (Ảnh: Reuters).

Theo Bloomberg, quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi gần đây đã chạm tới ngưỡng thấp nhất trong 80 năm đối tác. Ba sự kiện sắp diễn ra sẽ là chìa khóa để xác định xem liệu tình trạng căng thẳng hiện nay chỉ là tạm thời, hay Washington và Riyadh đã hướng tới những sự khác biệt không thể hòa giải.

Căng thẳng giữa hai nước lên đỉnh điểm khi vào hôm 5/10, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dẫn đầu bởi Arab Saudi và có Nga là thành viên, đã quyết định hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày nhằm ngăn giá dầu tiếp tục giảm.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi động thái trên là vi phạm thỏa thuận ngầm giữa Mỹ với Thái tử Mohammed bin Salman. Phía Arab Saudi lại cho rằng vương quốc đã đồng ý ngăn không cho giá dầu lên quá cao, và cũng không để giá xuống quá thấp.

Sự bất đồng hiện nay là kết quả của 15 năm ngờ vực lẫn nhau. May mắn thay, những cái đầu lạnh vẫn đang chiếm đa số ở cả hai nước.

Trong khi Nhà Trắng tuyên bố với các đảng viên Dân chủ đang tức giạn rằng sẽ “xem xét lại” quan hệ và áp đặt các “hậu quả” lên Arab Saudi, vẫn chưa có động thái nghiêm trọng nào được thực hiện.

Một buổi họp giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh về vấn đề Iran đã bị hoãn, và không có quan chức nào của chính quyền Tổng thống Biden tới dự hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai tại Riyadh tuần trước (các doanh nghiệp tài chính hàng đầu của Mỹ vẫn tham gia). Cho tới nay, đó là tất cả những gì mà Mỹ thực hiện nhằm đáp trả động thái hạ sản lượng của Arab Saudi.

Về phần minh, Arab Saudi cũng đã có những hành động để phản bác lại những chỉ trích rằng Riyadh đang về phe Nga. Vương quốc này đã bỏ phiếu “lên án” Nga tại Liên hợp Quốc sau hành động sáp nhập lãnh thổ của Ukraine của Moscow, đồng thời cung cấp 400 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Kiev.

Tuy vậy, cả Arab Saudi và Mỹ vẫn chưa có bất kỳ động thái lớn nào nhằm hàn gắn quan hệ rạn nứt. 

Ba sự kiện lớn sắp diễn ra, bao gồm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 8/11, cuộc họp OPEC+ vào 4/12 và chuyến thăm dự kiến tới Riyadh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ quyết định tương lai mối quan hệ giữa Arab Saudi và Mỹ.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Sự khó chịu của Mỹ với Riyadh đã lan rộng trong cả lưỡng đảng. Các đảng viên Đảng Dân chủ đặc biệt bức xúc, lo ngại về việc sẽ không được lá phiếu của cử tri do lạm phát kỷ lục, với một phần nguyên nhân đến từ giá năng lượng.

Khi OPEC+ sắp cắt giảm sản lượng, chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng để thuyết phục các nhà lãnh đạo Arab Saudi chờ đợi ít nhất một tháng, cho tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nỗ lực trên đã thất bại. Trong trường hợp Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội, một cuộc truy tìm thủ phạm chắc chắn sẽ diễn ra.

Giá xăng cao đang ảnh hưởng tới quyền kiểm soát Quốc hội của Đảng Dân chủ.

Bloomberg cho rằng thật vô lý khi nghĩ rằng Arab Saudi sẽ đưa ra một quyết định kinh tế quan trọng dựa trên chính trị của nước Mỹ. Động thái cắt giảm sản lượng chủ yếu nhằm đảm bảo Riyadh đi đúng hướng trong quá trình chuyển đổi lâu dài khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nếu Đảng Dân chủ gặp khó khăn, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ tung đòn trả đũa lớn trước thềm hội nghị OPEC+, và nhiều khả năng tạo ra một vòng luẩn quẩn đẩy quan hệ hai nước đi xuống sâu hơn.

Cuộc họp tháng 12 của OPEC+

Cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12 cũng mở ra cơ hội quan trọng để tái khởi động quan hệ ngoại giao. Ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển tới châu Âu sẽ có hiệu lực, nhiều khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Mỹ đã tự chủ được nguồn cung dầu, không còn phải nhập khẩu nhiều từ Arab Saudi. Tuy vậy, vương quốc dầu mỏ vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường. 

Cuộc họp mở ra hai cơ hội cho Arab Saudi. Riyadh có thể hợp tác với Washington nhằm bắt đầu đảo ngược hậu quả từ động thái cắt giảm sản lượng mà phía Mỹ cho là phản bội vào hồi tháng 10.

Bằng cách tăng sản lượng của bản thân hoặc OPEC+, nhằm giúp bù đắp khối lượng dầu Nga bị trừng phạt, Arab Saudi vừa có thể tuyên bố hỗ trợ châu Âu, đồng thời khẳng định rõ ràng rằng mình không về phe Nga.

Tuy vậy, mối nguy cũng tăng lên gấp đôi. Những tranh cãi hiện tại giữa Riyadh và Mỹ có thể là do hiểu lầm. Nhưng tới tháng 12, lời giải thích này sẽ không còn tác dụng. Mọi thứ vào thời điểm đó sẽ không còn là bí mật, và sẽ không có lý do gì để biện minh cho việc không lường trước được hậu quả.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Arab Saudi đã bày tỏ sự bất ngờ trước những lời cáo buộc phản bội từ Mỹ. Nếu không có hành động phù hợp vào tháng 12, Riyadh sẽ khó lòng thuyết phục bất cứ ai ở phương Tây rằng mình không về phe của Moscow.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc

Thách thức cuối cùng trong quan hệ Mỹ-Saudi sẽ là chuyến viếng thăm Arab Saudi được chờ đợi từ lâu của Chủ tịch Tập, dự kiến sẽ diễn ra trước khi 2022 kết thúc. 

Nhiều khả năng ông Tập sẽ nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt như cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đối lập với màn tiếp đón có phần đơn giản đối với ông Biden trong chuyến thăm Jeddah hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Biden muốn được tiếp đón theo kiểu đơn giản nhưng cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ rõ ràng đã nhận thấy sự khác biệt. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được phía Arab Saudi đón tiếp nồng hậu vào năm 2017. Tổng thống Putin cũng được tiếp đón bằng nghi thức tương tự. So với hai vị nguyên thủ trên, chương trình đón tiếp ông Biden hồi tháng 7 có phần đơn giản. (Ảnh: Saudi Press Agency).

Nguy hiểm hơn với Mỹ là những thỏa thuận đi kèm theo các chuyến thăm cấp nhà nước. Tuần trước, Arab Saudi và Trung Quốc đã đồng ý tiến tới một thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân. Bất cứ điều gì mang lại lợi ích chiến lược hoặc quân sự cho Bắc Kinh ở vùng Vịnh sẽ không có lợi cho Washington.

Bloomberg cảnh báo rằng ba thách thức này cần được xử lý cẩn thận, đồng nghĩa với việc đối thoại và phối hợp nhằm tránh hiểu lầm lớn giữa Riyadh và Washington. Nếu không, những cuộc tranh cãi giữa hai nước có thể biến thành sự rạn nứt gây tổn hại lẫn nhau.

Minh Quang