Quan hệ Mỹ - Arab Saudi qua 5 biểu đồ
Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ “điều chỉnh lại” mối quan hệ với Arab Saudi sau khi OPEC+ quyết định giảm sản lượng dầu bất chấp lời nhờ vả của Washington. Tuy nhiên, thực tế là mối quan hệ song phương này đã thay đổi, tờ Bloomberg đánh giá.
Trong nhiều năm qua, quan hệ đôi bên biến động không ngừng. Riyadh phải chịu sự xa cách của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, sau đó lại đón nhận thái độ nồng nhiệt của cựu Tổng thống Donald Trump và giờ thì gặp trở ngại với chiến lược của ông Biden.
5 biểu đồ do Bloomberg tổng hợp dưới đây là một góc nhìn cận cảnh hơn về mối quan hệ phức tạp giữa hai nước, bao quát các lĩnh vực thương mại, năng lượng, mua bán vũ khí và đầu tư.
Nhập khẩu dầu thô
Mặc dù thương mại năng lượng là trọng tâm của mối quan hệ, Arab Saudi đã đánh mất ưu thế xuất khẩu dầu thô sang Mỹ vào tay Canada, Mexico và Nga (ít nhất là trước khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra).
Mua bán vũ khí
Một trọng tâm khác là mua bán vũ khí. Tuy nhiên, lượng vũ khí mà Mỹ bán cho Arab Saudi đã giảm mạnh sau sự can thiệp quân sự của Riyadh vào Yemen hồi năm 2015 và vụ giết hại nhà báo Jamal Khashogi của tờ Washington Post năm 2018.
Vũ khí và nhiên liệu
Mặt khác, việc Mỹ nhập khẩu dầu thô từ Arab Saudi đã làm giảm giá trị vũ khí mà Washington thoả thuận bán cho Riyadh. Điều này cho thấy Arab Saudi hiện giữ vai trò như thế nào về thương mại và chiến lược đối với Mỹ.
Arab Saudi đang là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nước này hiện cung cấp khoảng 11% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu và có thể tác động lớn đến giá với tư cách thành viên OPEC.
Năm 2019, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nước tiêu thụ nhiều dầu thô của Arab Saudi nhất, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Đối tác thương mại của Arab Saudi
Arab Saudi đang cân đối lại danh sách đối tác của mình. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của đại gia Trung Đông. Đồng thời, Riyadh cũng đang tăng cường mối quan hệ thương mại với Ấn Độ.
Tại sự kiện Sáng kiến Đầu tư Tương lai gần đây, Arab Saudi đã đề cập đến các khoản đầu tư trong nước và quốc tế của nước này. Các dự án một phần được tài trợ bởi doanh thu từ việc bán dầu với giá cao hơn.
Các khoản đầu tư của Arab Saudi
Thị trường chứng khoán là một lĩnh vực mà Arab Saudi đã tăng cường quan hệ với Mỹ. Riyadh đã mua thêm cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ, trong khi giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc.
Một trong những người hậu thuẫn cho Elon Musk tiếp quản Twitter là Hoàng tử Arab Saudi Alwaleed bin Talal. Thoả thuận của CEO Tesla đã khiến Thượng nghị sĩ Chris Murphy kêu gọi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài xem xét lại các lợi ích của Arab Saudi tại công ty mạng xã hội này.
Mặt khác, Arab Saudi đang tìm kiếm một hướng đi mới so với những thập kỷ trước nhằm đa dạng hoá nền kinh tế khỏi dầu mỏ. Tính toán này có thể khiến Riyadh tách rời Mỹ và hướng đến các đối tác mới.