|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

World Cup 2022 và sức mạnh đồng tiền của các ông chủ dầu mỏ giàu có

10:22 | 21/11/2022
Chia sẻ
Nhìn vào quy mô mức đầu tư của nước chủ nhà Qatar, World Cup 2022 được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị xứng tầm với hầu bao của các ông chủ dầu mỏ giàu có.

Ngày 20/11, sau 12 năm chuẩn bị, lễ khai mạc World Cup 2022 đã được diễn ra tại Doha, Qatar. Quốc gia vùng vịnh với chỉ khoảng ba triệu dân đã giành được quyền đăng cai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh sau cuộc chạy đua đầy tranh cãi vào năm 2010.

Đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại một quốc gia Trung Đông và nước chủ nhà Qatar đã chi ra số tiền kỷ lục, rơi vào khoảng 220 tỷ USD, theo Forbes, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, sân vận động, khách sạn... để chuẩn bị cho kỳ World Cup này. 

Năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Qatar cho biết nước này đã chi 500 triệu USD mỗi tuần cho các dự án cơ sở hạ tầng. Cho đến nay, đây sẽ là kỳ World Cup đắt giá nhất trong lịch sử. Con số được Qatar đầu tư cao gấp 15 lần số tiền mà Nga đã chi cho kỳ World Cup trước đó vào năm 2018. 

Bất chấp những lùm xùm trong quá trình giành quyền đăng cai và chuẩn bị World Cup, Qatar đã cho cả thế giới thấy sức mạnh đồng tiền của các ông chủ dầu mỏ giàu có. 

 Đội tuyển chủ nhà Qatar để thua trong ngày khai mạc trước Ecuador. (Ảnh: Fox Sports).

42 triệu USD: Đây là số tiền thưởng mà đội vô địch World Cup 2022 sẽ nhận được. Tính tới nay, đã có 8 đội tuyển vô địch World Cup, nhiều nhất là Brazil với 5 lần nâng cúp vàng. Đức và Italy cùng có 4 lần giành được chức vô địch. Trong khi đó, Argentina, Pháp và Uruguay đã có hai lần lên ngôi. Anh và Tây Ban Nha đã có một lần đăng quang ở giải đấu bóng đá cấp quốc gia lớn nhất hành tinh.

60 triệu USD: Giá trị hợp đồng hàng năm mà hãng thể thao Nike tài trợ cho Liên đoàn bóng đá Pháp. Ngoài Pháp, Nike cũng tài trợ cho 13 đội tuyển quốc gia trong số 32 đội tham dự World Cup 2022, nhiều nhất so với bất kỳ thương hiệu may mặc nào. Trong khi đó, 7 đội sẽ mặc đồ mang thương hiệu Adidas và 6 đội sẽ mặc Puma. New Balance, Hummel, Kappa, Majid, Marathon và One All Sports mỗi thương hiệu tài trợ cho một quốc gia. 

128 triệu USD: Cầu thủ được trả lương cao nhất là Kylian Mbappé của Pháp, người sẽ kiếm được 110 triệu USD trên sân trong năm nay thông qua hợp đồng với câu lạc bộ Paris Saint-Germain và 18 triệu USD khác ngoài sân cỏ, theo ước tính của Forbes. Tiền đạo người Pháp có thể kiếm thêm một khoản tiền thưởng dựa trên kết quả của Pháp trong giải đấu lần này.

209 triệu USD: Số tiền mà các câu lạc bộ bóng đá trên khắp thế giới nhận được từ quỹ do FIFA dành riêng để thưởng cho họ vì đã phát triển các cầu thủ thi đấu tại giải đấu lần này. Số tiền là khoảng 10.000 USD mỗi ngày của mỗi cầu thủ. Quỹ đã tăng gấp ba lần kể từ World Cup 2014 tại Brazil. 

277 triệu USD: Số tiền mà cựu danh thủ David Beckham được Qatar trả để làm đại sứ cho World Cup 2022, số tiền được trả dần trong 10 năm. 

440 triệu USD: Tổng giải thưởng cho World Cup 2022, tăng từ 400 triệu USD vào năm 2018. Trong khi đó, tổng giải thưởng của Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 là 30 triệu USD.

1,7 tỷ USD: Chi phí do FIFA chi trả cho World Cup năm nay, với khoản chi lớn nhất là tiền thưởng, chi phí hoạt động như khách sạn và hậu cần (322 triệu UUSD) và hoạt động truyền hình (247 triệu USD). 

1,8 tỷ USD: Số tiền ước tính cho hoạt động cá cược vào World Cup 2022 tính riêng ở Mỹ, theo Hiệp hội Trò chơi Mỹ. Hơn 20 triệu người Mỹ dự kiến ​​sẽ đặt cược vào sự kiện này.

7,5 tỷ USD: Doanh thu theo công bố ​​của FIFA từ World Cup năm 2022. Quyền phát sóng truyền hình chiếm 2,64 tỷ USD và quyền tiếp thị mang lại 1,35 tỷ USD khác, trong khi doanh thu bán vé và quyền tiếp khách (hospitality right) lên tới 500 triệu USD. Đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã phải chi số tiền ước tính từ 12 - 15 triệu USD thông qua sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các đối tác... để có thể sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022.

6,5 tỷ USD đến 10 tỷ USD: Số tiền ước tính mà Qatar đã chi để xây dựng và nâng cấp cho 8 sân vận động bóng đá cho World Cup năm nay. Sau sự kiện này, các phần của sân vận động sẽ được dỡ bỏ và quyên góp cho các quốc gia khác và các tòa nhà sẽ được tái sử dụng thành không gian cộng đồng cho trường học, cửa hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao và phòng khám sức khỏe.

Tiểu vương quốc này đã xây dựng 7 sân vận động hoàn toàn mới, mỗi sân vận động đều có hệ thống điều hòa không khí hiện đại để bảo vệ người hâm mộ và các cầu thủ khỏi cái nóng từ sa mạc. Chỉ riêng sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 chỗ ngồi đã tiêu tốn 3 tỷ euro, gấp hơn 3 lần chi phí của sân Stade de France ở Paris, được xây dựng cho World Cup 1998. Trong khi đó, sân vận động Lusail - nơi sẽ diễn ra trận chung kết có sức chứa khoảng 80.000 người.  

 Sân vận động 974. (Ảnh: Dezen).

Kỳ World Cup năm nay có một sân bóng đặc biệt tên là Sân vận động 974. Cái tên được đặt theo số lượng container tái chế đã được sử dụng để xây dựng lên sân đấu này. Với sức chứa 40.000 chỗ ngồi, sân vận động sẽ được dỡ bỏ sau World Cup và được lắp ráp lại để tổ chức các sự kiện thể thao ở nơi khác.

14,2 tỷ USD: Tổng chi phí của Nga liên quan đến việc tổ chức World Cup 2018, theo Moscow Times. Các hạng mục lớn nhất bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông (6,11 tỷ USD), xây dựng sân vận động (3,45 tỷ USD) và chỗ ở (680 triệu USD). 

11.581: Diện tích tính bằng km2 của Qatar, quốc gia nhỏ nhất từng đăng cai World Cup. Đây là kích thước tương tự như thành phố đô thị New York (Mỹ).

2,8 triệu: Dân số Qatar chỉ khoảng gần 3 triệu người và đa phần là người nước ngoài, điều khiến nước này trở thành quốc gia ít dân nhất tổ chức World Cup. Trong khi đó, Ireland là đội tuyển quốc gia có dân số ít nhất từng tham dự World Cup với chỉ khoảng 334.000 người vào năm 2018.

5: Số quốc gia châu Á được tham dự World Cup. Qatar là quốc gia châu Á thứ hai đăng cai World Cup sau liên minh Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2002. 

Tổng cộng có 3,2 triệu vé đã được cung cấp cho giải đấu. Theo số liệu của FIFA, lượng vé bán ra đã đạt 2,89 triệu vé tính đến ngày 17/10. Các quốc gia mua số lượng lớn nhất theo thứ tự giảm dần là Qatar, Mỹ, Ả Rập Saudi, Anh, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Argentina, Pháp , Brazil và Đức. 

Vào giữa tháng 10, các quan chức Qatar cho biết họ đã nhận được từ 1,5 triệu đến 1,7 triệu đơn đăng ký Thẻ Hayya - thẻ để vào các sân vận động và phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Tuy con số này thấp hơn con số 3 triệu khán giả được ghi nhận tại World Cup 2018 ở Nga, nhưng đây vẫn là một thách thức lớn về hậu cần đối với Qatar nhỏ bé, với dân số chỉ 3 triệu người. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.