|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

QatarEnergy: Gã khổng lồ khí đốt đứng sau sự giàu có của chủ nhà World Cup 2022

09:19 | 19/11/2022
Chia sẻ
Cuộc đặt cược táo bạo vào khí đốt đã biến một tập đoàn nhà nước đang đứng trước nguy cơ phá sản trở thành một trong những doanh nghiệp năng lượng quan trọng bậc nhất thế giới.

Theo Financial Times, ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và Giám đốc điều hành QatarEnergy, đã đi khắp thế giới trong tuần qua. Cuộc xung đột Ukraine đã đẩy nhu cầu về khí đốt mạnh lên, tăng doanh thu và củng cố vị trí của QatarEnergy như một trong những doanh nghiệp năng lượng quan trọng nhất thế giới.

Doanh thu dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tăng 2/3 trong nửa đầu năm 2022, đạt 32 tỷ USD. Nguồn thu bất ngờ trên đến khi quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này đang chuẩn bị cho kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Kể từ khi có được quyền đăng cai giải đấu vào năm 2010, quốc gia 3 triệu dân này đã bỏ ra ít nhất 200 tỷ USD, trong đó có 6,5 tỷ USD cho sân vận động và các cơ sở vật chất, đa phần được tài trợ bởi nguồn thu từ việc xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của QatarEnergy. 

Sân vận động Al Janoub được lấy cảm hứng từ vỏ của chiếc thuyền đánh bắt ngọc trai truyền thống. (Ảnh: AFP).

Công cuộc mở rộng

Ông Kaabi cho biết ban đầu QatarEnergy sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất khí đốt trong nước để xuất khẩu. Tuy vậy, tương lai của doanh nghiệp này sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng ra quốc tế.

“Chúng tôi nhiều khả năng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hiện nay về lĩnh vực thăm dò … và chúng tôi sẽ còn làm nhiều hơn thế”, ông Kaabi nói. “Chúng tôi sẽ tham gia vào tất cả lĩnh vực truyền thống, nhưng ở một vai trò và quy mô lớn hơn nhiều”.

QatarEnergy đã xây dựng một danh mục đầu tư rộng lớn trong thập kỷ qua, bao gồm cổ phần trong những dự án tại Brazil, Canada, Vịnh Mexico của Mỹ, Guyana, Suriname, Namibia, Ai Cập, Angola và Nam Phi.

Công ty cũng đang đặt mục tiêu nâng sản lượng ngoài Qatar từ 45.000 thùng nhiên liệu tương đương dầu (boe)/ngày lên 500.000 boe/ngày vào năm 2030. Trong nước, Qatar sản xuất hơn 5 triệu boe/ngày, đa phần là dưới dạng khí đốt.

Việc mở rộng ra quốc tế là điều bất thường với các công ty dầu khí nhà nước tại Vùng Vịnh. Aramco của Arab Saudi và Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi đều đã đầu tư vào một số dự án trong ngành năng lượng. Tuy vậy, cả hai không theo đuổi hoạt động thăm dò và khai thác ở nước ngoài, mà thay vào đó tập trung vào việc tối đa sản lượng trong nước.

Ông Kabbi cho biết, trong khi tăng công suất LNG trong nước vẫn là một trọng tâm, dầu thô được tìm thấy tại các mỏ mới ở những quốc gia như Namibia có thể mang lại “sự linh hoạt” và một nguồn sản lượng ngoài khí đốt của Qatar. “Chúng tôi muốn có cả dầu mỏ và khí đốt trong danh mục đầu tư của mình”, ông nói.

Những tuyên bố trên là một lý do khiến các nhà phân tích nói rằng QatarEnergy đang ngày càng giống một công năng lượng siêu lớn hơn là một nhà sản xuất khí đốt thuộc sở hữu nhà nước.

“Kiếm tiền từ khí đốt tại Qatar vẫn sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng bạn cũng có thể thấy một số ‘xúc tu’ đang thò ra”, ông Frank Harris, chuyên gia về LNG tại Wood Mackenzie, cho biết. “[QatarEnergy] đang dần trông giống với Shell hay Total hơn là một công ty dầu khí quốc doanh”.

 

Sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Được thành lập vào năm 1974 dưới tên gọi Qatar Petroleum, gã khổng lồ khí đốt quốc doanh này thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro. 

Vào đầu những năm 1990, QatarEnergy đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và có nguy cơ phá sản khi đặt cược vào việc phát triển các mỏ khí đốt North Field, khu vực có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Thời điểm đó, các chính quyền Vùng Vịnh thường ít chú ý tới khí đốt hơn dầu mỏ, và kế hoạch của Qatar được coi là một canh bạc. BP đã rời dự án vào năm 1992, cho rằng lợi nhuận mang lại là không đủ.

5 năm sau, Qatar khánh thành cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của mình, dưới sự hợp tác của ExxonMobil, TotalEnergies, Mitsui và Marubeni. Vào năm 2006, quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Trong thập kỷ sau đó, Qatar đã tạm hoãn hoạt động phát triển mỏ khai thác mới tại North Field, trong khi hoàn thiện những dự án đang dở.

Đồng thời, Qatar cũng tập trung vào việc trở thành nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy nhất thế giới, và không để lỡ một đơn hàng LNG nào. “Họ đã hoạt động rất, rất hiệu quả”, ông Leo Kabouche, một nhà phân tích LNG tại Energy Aspects, cho hay.

Vào năm 2017, Qatar lại tham gia vào một canh bạc lớn khác. Quốc gia này đã công bố kế hoạch mở rộng lớn tại mỏ North Field, ngay vào lúc các nhà lãnh đạo quốc tế bàn luận về việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Giá khí đốt tại châu Âu vào năm 2017 thấp hơn nhiều so với 2021-2022.

Các công ty dầu khí quốc tế đã cạnh tranh trong nhiều năm để tham gia vào dự án mở rộng tại North Field. Kết quả là, Shell và Total đã mời QatarEnergy vào các dự án trên toàn thế giới, giúp quốc gia Vùng Vịnh này mở rộng hoạt động ra quốc tế.

“Ban đầu, khi các doanh nghiệp muốn thể hiện khả năng giúp đỡ [Qatar], chúng tôi đã tuyên bố rằng sẽ đánh giá họ bằng mức độ hỗ trợ cho QatarEnergy trong [các hoạt động quốc tế]”, ông Kaabi nói.

Dần dần, QatarEnergy đã trở thành đối tác hữu ích cho những công ty nước ngoài này, đặc biệt bởi tầm ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của các quốc gia Vùng Vịnh trên trường quốc tế, Bộ trưởng Năng lượng của Qatar cho hay.

“Chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều cho những doanh nghiệp trên thông qua quan hệ giữa các chính phủ với nhau”, ông cho biết thêm.

Mô hình này dường như tốt với tất cả các bên. QatarEnergy đã xây dựng một danh mục đầu tư toàn cầu, đồng thời Shell, Exxon, ConocoPhilips, Total và Eni đều đã ký các thỏa thuận mới tại North Field. Dự án khí đốt này sẽ tăng sản lượng LNG của Qatar từ 77 triệu tấn lên 126 triệu tấn vào 2027.

Kể từ 2025, dự án hợp tác với Exxon tại Mỹ có tên gọi Golden Pass LNG sẽ cung cấp thêm 16 triệu tấn LNG mỗi năm. QatarEnergy cũng đang đa dạng hóa và đầu tư vào lọc dầu, năng lượng mặt trời ở trong nước.

 

QatarEnergy không cam kết phát thải bằng 0 như nhiều doanh nghiệp năng lượng khác. Ông Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng của Qatar, lập luận rằng khí đốt thải ra ít carbon hơn đáng kể so với dầu mỏ hay than đá, và sẽ là trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng.

“Tôi đồng ý với việc chuyển đổi xanh, nhưng tôi luôn nói rằng khí đốt không phải là nhiên liệu chuyển đổi, mà là đích đến. Mức tải cơ bản của điện năng trên thế giới sẽ là khí đốt, hoặc hạt nhân với những quốc gia chấp nhận và có khả năng chi trả. Phần còn lại sẽ là một số loại dầu nhiên liệu và rất nhiều năng lượng tái tạo”, ông giải thích.

Dự án triển vọng nhất của QatarEnergy hiện nay là hai khu mỏ ngoài khơi bờ biển Namibia, nơi Shell và Total đều đã tìm thấy dầu trong 12 tháng qua. Shell đang chịu áp lực phải cắt giảm sản lượng bởi các nhà hoạt động và một số nhà đầu tư. Tuy vậy, ông Kaabi cho biết QatarEnergy vẫn sẽ tiến hành dự án.

“Nếu [dự án] mang tính thương mại và chúng tôi tin vào chúng, thì khi các đối tác không muốn tham gia, chúng tôi sẽ tìm người khác”, ông nói.

Cho đến nay, QatarEnergy có xu hướng dựa vào các đối tác để vận hành dự án quốc tế của mình. QatarEnergy có thể gặp khó khăn hơn khi áp lực đang buộc các công ty dầu khí niêm yết phải ngừng hoạt động, đặc biệt tại các dự án mới.

Ông Kaabi nói: “Tôi không nghĩ rằng sẽ thiếu nhà điều hành mỏ dầu khí. Nhưng cuối cùng, đến một ngày nào đó, [QatarEnergy] sẽ trở thành nhà điều hành”.

Minh Quang