Kỳ World Cup tràn ngập công nghệ của Qatar
Tất cả người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đều đang theo dõi sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar. Những đội tuyển xuất sắc nhất từ các châu lục trên thế giới giành quyền tham dự giải đấu đã sẵn sàng cống hiến hết mình.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những màn trình diễn chuyên môn trên sân cỏ, kỳ World Cup được tổ chức tại Qatar cũng được kỳ vọng là sự kiện mang tính công nghệ lớn nhất bởi nước chủ nhà đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong đó có những công nghệ lần đầu được giới thiệu ra thế giới.
Công nghệ cảm biến trên trái bóng Al Rihla
Tại kỳ World Cup được tổ chức tại Qatar trong năm 2022, FIFA và Adidas đã giới thiệu tới người hâm mộ thể thao toàn cầu công nghệ cảm biến được gắn trên trái bóng chính thức được sử dụng trong giải đấu, Al Rihla.
Trái bóng chính thức được sử dụng tại World Cup 2022 được gắn các loại công nghệ cảm biến đo lường quán tính giúp phát hiện chính xác thời điểm trái bóng được di chuyển. Điều này không ảnh hưởng tới hiệu suất hoặc đường đi của trái bóng. Công nghệ này cũng cung cấp các phản hồi trong suốt trận đấu. Ngoài ra, nó có một bộ pin tích hợp giúp hoạt động và được sạc bằng cảm ứng.
Công dụng của công nghệ được tích hợp trên trái bóng chính thức của giải đấu chỉ có thể hoạt động nhờ vào mạng lưới 12 camera được bố trí trên khắp các sân vận động tổ chức World Cup nhằm lấy dữ liệu để gửi thông tin cần thiết tới các nhà quản lý và trọng tài.
Ngoài ra, nhờ phần mềm của FIFA, các nhà quản lý sẽ có tất cả dữ liệu chi tiết về các trận đấu khác nhau để đo lường thông số các cầu thủ qua từng trận đấu tại giải đấu này.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động
Một trong những công nghệ hiện đại nhất được sử dụng tại World Cup 2022 chính là công nghệ bắt việt vị bán tự động. FIFA đã ứng dụng công nghệ mới này nhằm giúp đơn giản hóa các tình huống bắt việt vị nhạy cảm tại World Cup 2022.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) cũng hoạt động dựa trên mạng lưới 12 camera được ban tổ chức bố trí quanh sân vận động nhằm truy vết quang học, theo dõi 29 điểm trên cơ thể cầu thủ với tốc độ khung hình lên tới 50 lần/giây, kết hợp với công nghệ cảm biến trên trái bóng Al Rihla.
Sau đó, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ đảm nhận việc thu thập, phân tích và gửi dữ liệu tới bộ phận theo dõi. Từ đó, tổ theo dõi VAR (công nghệ hỗ trợ trọng tài) có thể đưa ra những gợi ý cho trọng tài chính trên sân trong việc xác định một cầu thủ đã việt vị hay chưa.
Công nghệ này ngay lập tức phát huy tác dụng ở trong trận khai mạc World Cup 2022. Cầu thủ Enner Valencia đã có tình huống ghi bàn trong hiệp một vào lưới đội chủ nhà Qatar, song tình huống này đã bị từ chối bởi trước đó đã có một cầu thủ Ecuador rơi vào thế việt vị. Tình huống việt vị này tương đối nhạy cảm, nhưng nhờ vào công nghệ bắt việt vị bán tự động, trọng tài chính điều khiển trận đấu đã có thể đưa ra kết quả chính xác.
Công nghệ làm mát sân vận động
Cái nóng luôn luôn là một vấn đề đối với các đội bóng khi tới tham dự những giải đấu được tổ chức tại Trung Đông. Mặc dù nhiệt độ mùa đông tại khu vực này không nóng như thiêu đốt, nhưng nhiệt độ ở Qatar vẫn là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới các cầu thủ và chất lượng trận đấu.
Để xử lý vấn đề này, các quan chức đang dựa vào một hệ thống làm mát tiên tiến. Theo FIFA, công nghệ làm mát sân vận động được thiết kế bởi một giáo sư người Qatar, Saud Abdulaziz Abdul Ghani, người thường được gọi là “Dr. Cool”.
Không khí được hút vào các đường ống và lỗ thông hơi trong sân vận động, được làm mát, lọc và lại đẩy ra ngoài. Giới quan chức nói với các hãng tin rằng nó sẽ tạo ra một lượng khí mát mẻ bên trong sân vận động, nơi các cảm biến sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ.
Ban tổ chức cũng sử dụng vật liệu cách nhiệt và phương pháp sử dụng nhiên liệu công nghệ gọi là “làm mát tại chỗ”, cho phép làm mát ở nơi có người ngồi, để giúp các sân vận động có nhiệt động trung bình từ 17 – 23 độ C.
Các ứng dụng khác
Các cầu thủ và người hâm mộ cũng có thể tìm hiểu xem các cầu thủ đang thể hiện như thế nào tại World Cup Qatar 2022. Tất cả điều này là nhờ vào một ứng dụng có tên FIFA Player App. Theo trang web của tổ chức, ứng dụng sẽ cung cấp dữ liệu cá nhân về từng cầu thủ để xem họ đã thể hiện như thế nào trên sân sau một trận đấu.
Một trong những mối quan tâm chính của ban tổ chức giải đấu là đảm bảo an ninh trong các sân vận động. Vì lý do này, tổng cộng đã 15.000 camera có khả năng nhận dạng khuôn mặt đã được lắp đặt để gửi thông tin đến trung tâm trinh sát nhằm tìm kiếm những kẻ có thể phạm tội và ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố.