|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đội tuyển quốc gia vắng mặt nhưng người Trung Quốc vẫn hiện diện ở World Cup 2022

16:20 | 21/11/2022
Chia sẻ
Dù đội tuyển quốc gia lại một lần nữa bỏ lỡ World Cup, người Trung Quốc vẫn đã và đang đóng góp rất nhiều cho giải đấu bóng đá cuồng nhiệt nhất hành tinh.

Đội tuyển Trung Quốc lại vắng mặt

FIFA World Cup 2022 đã chính thức khai mạc vào tối ngày 20/11 (theo giờ Việt Nam), trở thành nơi tranh tài của 32 đội bóng mạnh nhất hành tinh.

Trung Quốc - đất nước với hơn 1,4 tỷ dân, lại một lần nữa bỏ lỡ World Cup dù chính phủ đã chi hàng triệu - thậm chí có thể là hàng tỷ nhân dân tệ, để gây dựng và đào tạo đội tuyển quốc gia.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ một lần được đá ở World Cup. Đó là vào năm 2002, khi đội tuyển nước này thua cả ba trận và không ghi nổi một bàn thắng nào. Trong nhiều năm qua, bóng đá vẫn là một nỗi buồn của người dân Trung Quốc.

World Cup 2022 đã chính thức khai mạc vào tối ngày 20/11 (theo giờ Việt Nam). (Ảnh: Getty Images).

Trong khi đó, các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc là Nhật Bản và Hàn Quốc đã thành công ghi tên mình vào giải đấu cuồng nhiệt nhất thế giới. Son Heung-min - tiền đạo người Hàn Quốc, còn là một chân sút sáng giá ở châu Âu.

Dân số lớn mạnh và các viện đào tạo do nhà nước quản lý đã sản sinh ra những vận động viên bơi lội, những tay đấu bóng chuyền, vận động viên thể dục dụng cụ,... xuất sắc cho Trung Quốc. Song, nền bóng đá ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Cameron Wilson - một nhà báo người Anh đã sống ở Trung Quốc trong gần 20 năm và hiện là biên tập viên sáng lập trang web “Wild East Football”, nhận xét: “Trung Quốc có 1,4 tỷ người, nhưng hầu như không ai chơi bóng đá”.

Dù đội tuyển Trung Quốc đã bỏ lỡ World Cup, một loạt các doanh nghiệp của nước này lại đã và đang hiện diện tại Qatar, giúp đảm bảo thành công của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. 

 

Người Trung Quốc vẫn hiện diện

Các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ xe buýt cho đến máy điều hoà không khí, vẫn đang xuất hiện khắp mọi ngóc ngách World Cup 2022. Sự kiện này có thể trở thành một sân khấu tuyệt vời để Trung Quốc phô diễn năng lực sản xuất vượt trội của mình.

Xây dựng sân vận động

Sân vận động Lusail mang dáng dấp của một chiếc bát bằng vàng là công trình do Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRCC) hợp tác xây dựng cùng Qatar. Lusail sẽ là nơi diễn ra trận chung kết, vào ngày 18/12.

Đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc - cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp nhà nước - xây dựng địa điểm tổ chức World Cup. Chính phủ Qatar đã in hình sân vận động Lusail lên tờ tiền 10 riyal mới để kỷ niệm.

Sân vận động Lusail được in hình lên tờ 10 riyal mới của Qatar. (Ảnh: VCG).

Doanh nghiệp Trung Quốc còn xây dựng một sân vận động khác. Cụ thể, gã khổng lồ hàng hải China International Marine Containers (CIMC) là đơn vị đứng sau việc xây dựng sân vận động Qatar 974.

Công trình trên được lắp ráp từ 974 container, vì vậy nó có thể dễ dàng tháo rời khi World Cup kết thúc. Đây cũng là sân vận động có thể tháo rời hoàn toàn đầu tiên trong lịch sử FIFA World Cup.

Một điểm độc đáo khác của Qatar 974 là nó cho phép gió tự nhiên lưu thông bên trong, do đó Qatar không cần hệ thống điều hoá nhiệt độ và nhờ vậy có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí năng lượng.

Cung cấp máy móc, thiết bị

SANY Group, nhà sản xuất máy móc hạng nặng hàng đầu Trung Quốc, cũng góp công xây dựng World Cup.

Trên tài khoản WeChat chính thức, SANY cho biết gần 100 dòng thiết bị của họ đã được sử dụng để xây dựng 8 sân vận động tại Qatar, bao gồm 15 loại xe cần cẩu, 5 xe cẩu bánh lốp địa hình loại 220 và 600 tấn, 30 máy xúc lớn và 5 xe bơm.

Nhà máy điện quang Al Kharsaah công suất 800 MW đã đi vào hoạt động từ ngày 18/10. Tổng Công ty Xây dựng Điện Trung Quốc (PCCC) là đơn vị chịu trách nhiệm thi công nhà máy này.

Al Kharsaah là nhà máy điện không sử dụng nhiên liệu hoá thạch đầu tiên ở Qatar, đồng thời là một trong những nhà máy điện quang lớn nhất ở Trung Đông, theo tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) của Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Hàng hoá Thể thao Nghĩa Ô, các nhà máy tại thành phố này hiện chiếm gần 70% thị phần các mặt hàng được sử dụng tại World Cup, bao gồm cờ của 32 đội tuyển, kèn và còi để cổ vũ, bóng, áo thi đấu, khăn quàng cổ và đồ trang trí.

Xe buýt điện của Yutong được sử dụng để chuyên chở giới chức, các nhà báo và người hâm mộ tại World Cup 2022. (Ảnh: Getty Images).

Bên cạnh đó, 1.500 xe buýt của hãng sản xuất xe buýt hàng đầu Trung Quốc Yutong cũng đang rong ruổi trên đường phố Qatar. Khoảng 888 trong số này là xe buýt điện, giúp chuyên chở hàng nghìn quan chức, nhà báo và người hâm mộ đến các địa điểm thi đấu.

Xe buýt điện của Yutong, có thể chạy hơn 200 km sau một lần sạc, hiện chiếm khoảng 25% lượng xe buýt chạy ở World Cup 2022. Đây là lần đầu tiên xe buýt dùng năng lượng sạch của Trung Quốc được sử dụng trong một sự kiện thể thao lớn trên toàn cầu.

Chưa hết, tập đoàn Midea Group - ông lớn chuyên sản xuất thiết bị gia dụng tại Trung Quốc - cho biết khoảng 2.500 máy điều hoà của họ đã được lắp ráp tại 100 trung tâm kiểm tra an ninh ở 7 địa điểm thi đấu World Cup.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng xuất hiện ở World Cup dưới hình thức tài trợ cho sự kiện bóng đá này. Trong danh sách tài trợ chính thức của năm nay có 4 công ty Trung Quốc, gồm Wanda Group, Vivo, Mengniu Dairy và Hisense.

 

Trong bối cảnh các chuỗi công nghiệp toàn cầu đang chững lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc tại World Cup có thể là một cách để Bắc Kinh nâng cao cũng như thể hiện năng lực công nghiệp của chính mình.

Ông Song Xianqing, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp, đồng thời là giảng viên cấp cao tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận xét: “Đây là một hoạt động quảng bá toàn cầu cho các thương hiệu Trung Quốc, cách làm này sẽ giúp củng cố niềm tin của công chúng thế giới vào ngành sản xuất của Trung Quốc”.

Yên Khê