|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

95% lực lượng lao động ở Qatar là người nhập cư, du khách khó gặp người bản xứ tại World Cup 2022

12:41 | 21/11/2022
Chia sẻ
Trong thời gian ở Qatar xem World Cup 2022, du khách sẽ dễ dàng gặp hàng triệu lao động nhập cư cũng như các du khách nước ngoài khác hơn là gặp người mang quốc tịch Qatar.

Lao động nhập cư tại Qatar. (Ảnh: borgenmagazine.com)

Một chuyến đi đến thủ đô Doha sẽ đồng nghĩa với việc bạn được gặp gỡ một số trong hàng nghìn lao động nước ngoài được thuê để phục vụ World Cup 2022. Đây là kỳ World Cup của nhiều cái nhất: đắt đỏ nhất, gây tranh cãi nhất và có lực lượng lao động đa quốc gia nhất.

Khi bạn đi bộ tại sân bay quốc tế Hamad của Doha, hầu hết mọi người bạn gặp, từ những người dọn dẹp nhà vệ sinh, nhân viên bảo vệ, cho đến những người hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh, đều là lao động nhập cư, vì 95% lực lượng lao động tại Qatar là người nước ngoài.

Dân số Qatar trước World Cup là 2,8 triệu người, trong đó chỉ khoảng 340.000 (tức 12% dân số) là người bản địa có quốc tịch Qatar. Tỷ lệ người nhập cư lên tới khoảng 88%, cao thứ ba trên thế giới. 

Theo ước tính của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino, khoảng 2 triệu du khách nước ngoài có mặt tại Qatar trong dịp World Cup năm nay. Vì vậy, xác suất du khách gặp người gốc Qatar là khá thấp, thay vào đó sẽ chủ yếu tiếp xúc với các du khách khác và lực lượng lao động nhập cư đông đảo.

Tài xế taxi

Bước ra khỏi sảnh và bắt một chiếc taxi đến khách sạn, bạn có thể gặp những tài xế như anh Saeed đến từ Pakistan. Song, bạn cần chắc chắn rằng tài xế vẫn đủ tỉnh táo.

Anh Saeed tâm sự: "Tôi quá mệt khi phải làm việc 15-18 giờ/ngày. Song, tôi cần kiếm tiền để nuôi gia đình”. Anh Saeed kiếm được từ 100-300 rial (tương đương 660.000 - 2 triệu VND) mỗi ngày, nhưng sau đó anh còn phải trả phí thuê xe, đổ xăng, đóng bảo hiểm và lệ phí thị thực hàng năm.

Phần lớn số tiền kiếm được anh đều được gửi về cho vợ và ba đứa con nhỏ, những người mà anh đã không được gặp trong gần hai năm qua.

Anh nói: “Tôi đến đây để hỗ trợ gia đình. Nếu tôi không gửi tiền về, vợ con tôi sẽ không có gì để ăn. Tôi nhớ họ rất nhiều, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì có thể giúp đỡ gia đình của mình.”

Anh Saeed đang hy vọng việc kinh doanh sẽ khởi sắc trong thời gian diễn ra World Cup.

Tài xế taxi tại Qatar làm việc 15-18 giờ/ngày. (Ảnh: Guardian Design/Getty Images/AFP)

Nhân viên bảo vệ

Trong thời gian lưu trú tại khách sạn, bạn có thể sẽ bất ngờ với thời gian làm việc kéo dài (12 tiếng) của nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, những ca làm việc kéo dài như vậy không phải là điều bất thường ở các khách sạn tại Qatar, đặc biệt là theo các điều khoản phụ mà công ty an ninh đã ký kết.

Anh John, một nhân viên bảo vệ tại khách sạn nói: “Ở Uganda, thu nhập không tốt nên tôi quyết định đến Qatar để tìm kiếm một công việc tốt hơn”. Song đến nay, anh John vẫn chưa tìm thấy.

Giống như phần lớn những người lao động có mức lương thấp ở Qatar, anh John phải trả tiền cho một đại lý ở quê hương để có được công việc tại Qatar.

Anh đã phải thế chấp mảnh đất mà gia đình đang sinh sống để vay tiền với lãi suất 10%/năm rồi trả 1.125 bảng Anh (33 triệu VND) tiền môi giới việc làm. Anh cho biết anh đi làm để trả nợ, nếu không gia đình anh có thể mất đất.

Anh John kiếm được khoảng 1.700 rial (11,2 triệu VND) mỗi tháng bao gồm cả tiền làm thêm giờ. Anh nói: “Nếu so sánh công việc và tiền bạc thì vẫn chưa đủ. Tôi cảm thấy buồn, nhưng không thể làm gì. Tôi vẫn phải làm việc nếu muốn tìm kiếm những công việc tốt hơn.”

Không giống như John, anh Shafiq cũng là nhân viên bảo vệ tại một trong những khách sạn hàng đầu của Doha, nhưng anh ấy có một câu chuyện khác.

Anh Shafiq được khách sạn tuyển dụng trực tiếp từ Bangladesh mà không mất phí. Anh ấy làm việc nhiều giờ nhưng vẫn theo quy định của pháp luật. Anh nói: “Khách sạn đã nói với chúng tôi về các quyền của mình.”

Khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, anh Shafid đã khoe bức ảnh hai đứa con trai sinh đôi của mình, mới chào đời vài tháng trước. Khi được hỏi đã về nhà thăm họ chưa, anh lắc đầu, mắt rưng rưng: “Mẹ tôi mới bị đột quỵ nên tôi phải ở đây để kiếm đủ tiền chữa bệnh cho mẹ”.

Nhân viên bảo vệ tại khách sạn tại Qatar có thời gian làm việc kéo dài lên tới 12 tiếng. (Ảnh: Guardian Design/Getty Images/AFP

Nhân viên giao hàng

Với sự đổ bộ của hàng nghìn người hâm mộ tại Qatar, nhu cầu giao đồ ăn sẽ tăng cao và đây là tin tốt cho những nhân viên giao hàng như anh Abbas, đến từ Pakistan.

Trước World Cup, anh may mắn kiếm được 60 rial trong 14 giờ làm việc/ngày. Phần lớn thời gian đó được dành để chờ nhận đơn hàng.

Công ty anh Abbas đang làm việc không phải công ty anh trực tiếp ký hợp đồng lao động. Anh Abbas được một công ty cung ứng tuyển dụng và được cử đi làm việc cho công ty giao hàng. Do đó, anh ấy là người cuối cùng nhận được đơn đặt hàng và thường được cử đến những địa điểm xa xôi nhất.

Anh Abbas nói: “Các công ty cung ứng đã đưa rất nhiều lao động đến phục vụ World Cup, song có quá nhiều nhân viên và không đủ đơn đặt hàng. Hai người bạn của tôi đã về nước. Tôi sẽ chỉ ở lại nếu tôi có thể kiếm được một công việc tốt hơn.”

Công nhân xây dựng

Có một nhóm lao động khác mà bạn có thể ít gặp: những công nhân làm việc trong lĩnh vực xây dựng với mức lương thấp. Họ đã xây dựng sân bay, đường xá và khách sạn.

Nhiều công trình xây dựng đã bị đình trệ trong 6 tháng do World Cup và hàng nghìn công nhân, như anh Baburam, đã phải phải trở về quê hương.

Quay lại Nepal, anh Baburam cho biết tình hình đang tồi tệ hơn so với khi anh mới rời quê hương để tới Qatar vì anh phải trở về nước trước khi trả xong khoản nợ tuyển dụng.

Anh Baburam nói: “Người lao động đang được gửi về nhà vì World Cup. Hoàn cảnh gia đình chúng tôi vốn đã khó khăn nay lại càng khổ sở hơn. Chúng tôi mất hết những gì đã có trước đây”.

Những quốc gia cung cấp lao động nhập cư chính cho Qatar. (Ảnh: eurasiareview)

Trà My