Những điều thú vị về Qatar – Chủ nhà World Cup 2022
Chính trị
Qatar nằm dưới sự kiểm soát của Hoàng tộc Thani vào thế kỷ 19. Thông thường, các gia tộc cai trị trên khắp thế giới thường thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, một sự thật đáng ngạc nhiên về Qatar là gia tộc cầm quyền vương quốc này đã giữ nguyên kể từ năm 1868.
Đất đai
Qatar là một bán đảo với diện tích khoảng 11.500 km2 (nhỉnh hơn tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam một chút), và chỉ có đường biên giới trên đất liền với Saudi Arabia ở phía đông. Hầu hết địa hình của Qatar là sa mạc. Quốc gia này có hơn 560 km đường bờ biển và biên giới với Saudi Arabia dài khoảng 60 km.
Không có đồi hay vách đá ở Qatar, vì địa hình nước này rất bằng phẳng, địa điểm tự nhiên cao nhất chỉ cao 103 mét. Qatar là quốc gia phẳng thứ hai thế giới sau Maldives. Khi đến thăm Qatar, bạn sẽ có thể chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời nhưng không thấy núi non.
Nhờ địa hình bằng phẳng, đường đua xe đạp Olympic ở Doha giữ kỷ lục Guinness thế giới về đường đua xe đạp liên tục dài nhất thế giới, với chiều dài 33 km.
Khí hậu
Từ tháng 6 đến tháng 9, nhiệt độ ban ngày tại Qatar có thể lên tới 50 độ C. Các tháng mùa xuân và mùa thu (tháng 4-5, tháng 10-11) nhiệt độ trung bình khoảng 17 độ C và mùa đông nhiệt độ sẽ thấp hơn một chút. Lượng mưa tại Qatar khá thấp, với chỉ 75 mm hàng năm và thường là vào mùa đông).
Do nhiệt độ mùa hè quá cao nên Qatar đã quyết định chuyển thời gian tổ chức World Cup sang mùa đông khi thời tiết bớt khắc nghiệt với các cầu thủ. Tuy vậy, 8 sân vận động tổ chức World Cup ở Qatar đều được lắp đặt điều hòa nhiệt độ toàn bộ không gian.
Thảm động thực vật
Qatar là một trong số ít quốc gia trên thế giới không có rừng. Hầu hết cây xanh và cảnh quan xanh là do nhân tạo.
Thảm thực vật chỉ được tìm thấy ở phía bắc, nơi có các khu canh tác nông nghiệp. Hệ động vật cũng khá hạn chế và chính phủ đã triển khai một chương trình bảo vệ linh dương. Linh dương sừng thẳng là động vật biểu tượng quốc gia tại Qatar. Loài động vật xinh đẹp này đã được cứu khỏi nguy cơ tuyệt chủng vào những năm 1970 nhờ các khu bảo tồn.
Nhân khẩu học
Qatar là quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giới cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới trên nữ giới là 3:1, đa phần là do số lượng lớn nam giới nhập cư từ nước ngoài. Tỷ lệ nhập cư tại Qatar là khoảng 88%, cao thứ ba trên thế giới. Do lượng nhập cư lớn, hơn 70% dân số nằm trong độ tuổi 15–29 và 30–44. Tuổi thọ trung bình là khoảng 77 tuổi đối với nam và 81 tuổi đối với nữ.
Chỉ 12% dân số Qatar là người bản địa. Nhờ đó, Qatar đã trở thành nơi hội tụ của các nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Một điều đáng ngạc nhiên khác là 99% dân số Qatar sống ở thủ đô Doha và phần lớn người Qatar đều giàu có.
Kinh tế
Trước Thế chiến thứ hai, dân số Qatar tham gia đánh bắt ngọc trai, đánh bắt cá và một số hoạt động thương mại và là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, đến những năm 1970, Qatar đã trở thành một trong những nước thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Sự thịnh vượng về kinh tế của Qatar bắt nguồn từ hoạt động khai thác và xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, vốn được phát hiện vào năm 1939 và sản xuất lần đầu tiên vào năm 1949.
Với tiềm lực tài chính hùng mạnh từ nguồn thu dầu mỏ, Qatar có nhiều khoản đầu tư vào bất động sản trên khắp thế giới, nhưng phần lớn trong số đó là ở London. Theo thống kê, Qatar sở hữu khối bất động sản tại London gấp hơn ba lần Nữ hoàng Anh. Điều này đưa Qatar trở thành chủ bất động sản lớn nhất ở London.
Nông ngư nghiệp
Chính phủ đã cố gắng hiện đại hóa ngành ngư nghiệp và nông nghiệp bằng cách cung cấp các khoản vay không lãi suất, song sản xuất lương thực vẫn tiếp tục chỉ tạo ra một phần rất nhỏ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sự khan hiếm đất đai màu mỡ và nguồn nước đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với nông nghiệp và nước này phải nhập khẩu phần lớn lương thực.
Dù vậy, việc sử dụng nước thải đã qua xử lý và nước biển đã khử muối để tưới tiêu đã giúp mở rộng hoạt động sản xuất các loại trái cây như chà là, dưa và các loại rau quả như cà chua, bí và cà tím, những mặt hàng mà Qatar hiện xuất khẩu sang các nước vùng Vịnh khác. Sản xuất thịt, ngũ cốc và sữa cũng bắt đầu tăng vào cuối thế kỷ 20.
Lao động và thuế
Tại Qatar, liên đoàn lao động và các hiệp hội bị cấm hoạt động và tuần làm việc tiêu chuẩn là từ Chủ Nhật đến Thứ Năm. Cuối tuần rơi vào thứ Sáu và thứ Bảy. Trong đạo Hồi, thứ Sáu là một ngày may mắn và rất nhiều quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả Qatar, không làm việc vào ngày này.
Qatar không đánh thuế thu nhập cá nhân, cũng như không áp thuế tiêu thụ. Các công ty nước ngoài (không phải những công ty của các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)) vẫn bị đánh thuế, song nguồn thu này chiếm chưa đến 1/10 nguồn thu của chính phủ.
Vào năm 2019, Qatar đã áp các loại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, sản phẩm thuốc lá, nước tăng lực, rượu và thịt lợn.
Giao thông
Qatar có hơn 1.230 km đường bộ, gần như tất cả đều được trải nhựa. Nước này không có đường sắt. Qatar có một số cảng quan trọng, bao gồm cả những cảng ở Doha. Một sân bay quốc tế được đặt tại Doha và Qatar Airways là hãng hàng không quốc gia của đất nước.
Năm 2022, Qatar Airways lần thứ 7 được vinh danh là hãng hàng không tốt nhất thế giới. Đây là hãng hàng không duy nhất đưa hành khách đến các quốc gia trên tất cả châu lục và cũng là hãng hàng không có chuyến bay dài nhất thế giới, từ Doha đến Auckland (New Zealand), với thời gian bay 16 giờ 30 phút.
Tại Qatar, người dân cũng không cần lo lắng về các hóa đơn nhiên liệu cho các phương tiện di chuyển vì giá xăng tại nước này rất rẻ. Qatar là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới và phần lớn sự thịnh vượng đó đến từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Có rất nhiều đặc quyền mà người dân Qatar được hưởng trong đó phải kể đến giá nhiên liệu thấp.
Giáo dục và phúc lợi xã hội
Giáo dục tại Qatar là miễn phí nhưng không bắt buộc đối với mọi công dân trong độ tuổi từ 6 đến 16. Các lớp học được phân chia theo giới tính. Qatar chi tiêu hào phóng cho giáo dục và là một trong những quốc gia có mức chi tiêu cho mỗi học sinh cao nhất thế giới.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế cũng được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân. Ngoài ra, chính phủ còn tài trợ cho các câu lạc bộ và cơ sở giải trí và văn hóa dành cho thanh niên.
Truyền thông
Năm 1996, chính sách hạn chế về truyền thông ở Qatar được nới lỏng và năm đó hãng tin Al Jazeera được thành lập. Kênh tin tức này được đón nhận trên khắp thế giới Hồi giáo và đã trở thành một trong những hãng tin phổ biến nhất ở Trung Đông.
An ninh
Một sự thật thú vị về Qatar là quốc gia này đã được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, nhờ chỉ số tội phạm ở mức thấp. Theo chỉ số tội phạm Numbeo 2022, Dubai là thành phố có tỷ lệ tội phạm thấp thứ hai thế giới với 13,83 điểm, đứng sau Abu Dhabi với 11,86 điểm.