|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những toan tính phía sau bản hợp đồng trị giá 30 triệu USD của Messi

10:37 | 19/12/2022
Chia sẻ
Bước đi giúp Saudi Arabia đa dạng hoá nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ.

Messi (giữa) đang giơ cao chiếc cup vô địch World Cup 2022. (Ảnh: AP).

Lionel Messi đã nâng cao chiếc cup vô địch World Cup vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam. Điều này không chỉ đại diện cho chiến thắng của đội trưởng nhỏ bé người Argentina, mà còn mang đến lợi ích lớn cho Saudi Arabia, theo Guardian.

Saudi Arabia đã ký bản hơp đồng trị giá 25 triệu bảng với Messi để biến anh trở thành đại sứ quảng bá du lịch, chiến dịch có thể mang về nhiều giá trị hơn cho quốc gia này, đưa họ đến gần hơn với quyền đăng cai World Cup 2030 và cạnh tranh với quốc gia láng giềng Qatar.

Sau khi giành được quyền đăng cai World Cup vào tháng 12/2010 với nhiều tranh cãi, Qatar đã viết lên cách sử dụng quyền lực mềm trong thể thao để đạt được mục tiêu của mình. Đối với Saudi Arabia, việc mang về cơ hội đăng cai World Cup 2030 có thể giúp nước này khôi phục hình ảnh Thái tử Mohammed bin Salman trên trường quốc tế.

Ban đầu, ông được ca ngợi là nhà cải cách có thể lãnh đạo vương quốc trên con đường hiện đại, cho đến khi vụ việc liên quan đến nhà báo Jamal Khashoggi xuất hiện.

Những thông tin về hạn chế nữ quyền, sử dụng án tử hình,… đã làm ảnh hưởng tới danh tiếng quốc tế của Saudi Arabia. Gần đây nhất, quyết định của Saudi Arabia trong việc sản xuất dầu mỏ, bất chấp những áp lực từ phía Mỹ, đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa hai quốc gia này.

Cải thiện hình ảnh đất nước

Thái tử Mohammed bin Salman muốn thông qua giải đấu, giúp thế giới có cái nhìn khác hơn về đất nước của ông, cũng như giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, thông qua kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của mình.

Kế hoạch “sportswashing" (sử dụng thể thao để gột rửa danh tiếng) cho thấy Saudi Arabia tài trợ cho nhiều môn thể thao, từ quyền Anh tới golf. Aramco, gã khổng lồ dầu mỏ thuộc sở hữu của hoàng gia Saudi Arabia, cỗ máy kiếm tiền của nền kinh tế, đã tài trợ cho giải vô địch bóng gậy T20 năm nay. Sức mạnh toàn cầu của tập đoàn trị giá 2.000 tỷ USD này đã tăng lên khi các sàn giao dịch trên thế giới tranh giành để được công ty này niêm yết.

Cách Qatar giành được phiếu bầu FIFA để đăng cai World Cup vào năm 2010 đã kéo theo nhiều tranh cãi trong suốt một thập kỷ và bất kỳ nỗ lực nào của Saudi Arabia cũng sẽ phải chịu sự giám sát tương tự. 

Tháng 8 năm nay, có thông tin cho rằng các quan chức Saudi Arabia đã đàm phán với Hy Lạp và Ai Cập về nỗ lực để tổ chức chung giải đấu World Cup 2030. Saudi Arabia được cho là đã sẵn sàng bỏ ra 40 tỷ USD để tài trợ cho giá đấu thầu. 

Bộ trưởng Bộ Du lịch Ahmed Al Khateeb cho biết vào tháng trước rằng đang cân nhắc ý tưởng này. Chưa đầy một năm sau khi ký hợp đồng với Paris Saint-German thuộc sở hữu của Qatar vào tháng 8/2021, Messi đã được công bố là đại sứ quảng bá du lịch của Saudi Arabia.

Bóng đá được cho là đã làm tan băng các mối quan hệ băng giá trước đây giữa Qatar và các nước láng giềng, điển hình như cuộc tẩy chay Qatar kéo dài ba năm giữa 4 quốc gia Trung Đông do Saudi Arabia dẫn đầu đã kết thúc vào năm ngoái.

Tầm nhìn 2030

Giành chiến thắng trong các cuộc đấu thầu World Cup thường đi kèm với các tiêu chí cơ sở hạ tầng. Qatar được cho là bỏ ra chi phí đắt nhất để tổ chức giải đấu với 229 tỷ USD, bao gồm cả việc xây dựng 7 sân vận động từ đầu.

Chuẩn bị cho một kỳ World Cup trong vòng 8 năm nữa sẽ bổ sung cho kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm xây dựng "một xã hội sôi động, một nền kinh tế thịnh vượng và một quốc gia đầy tham vọng”.

Mục đích của việc này là nhằm đa dạng hoá nền kinh tế khi thế giới đang dần tìm kiếm các ngồn năng lượng xanh. Chiến lược giảm thiểu carbon của Saudi Arabia cũng liên quan đến việc xây dựng trung tâm lưu trữ carbon lớn nhất thế giới, nhằm cho phép tiếp tục sản xuất dầu. Được điều hành bởi Aramco, địa điểm này đã bị các nhà vận động xanh gọi là “giải pháp sai lầm”.

Ngoài ra,việc đăng cai World Cup 2030 cũng có thể giúp Saudi Arabia thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh, một đối tác quan trọng của nước này.

Anh đã dỡ bỏ mọi nghi ngại trong việc làm ăn với Saudi Arabia từ lâu. Quốc phòng và ngoại giao đã gắn kết hai nước lại với nhau trong hơn một thế kỷ.

Gã khổng lồ quốc phòng BAE Systems có một đội ngũ nhỏ gồm khoảng 6.700 công nhân làm việc tại Saudi Arabia. Cho đến nay, đây là cơ sở lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài hai thị trường cốt lõi là Mỹ và Vương quốc Anh.

Số liệu từ Bộ Ngoại thương Saudi Arabia cho hay xuất khẩu dầu tinh chế và tàu thuỷ của nước này qua Anh đã tăng 18% lên 10,4 tỷ bảng Anh trong 6 tháng đầu năm nay.  Trong khi xuất khẩu của Vương quốc Anh, bao gồm cả dịch vụ tài chính sang Saudi Arabia, sau đại dịch, đã tăng 57% lên 3,3 tỷ bảng Anh.

Thiên Trường