Ngoài Việt Nam, còn bao nhiêu quốc gia có GDP năm 2022 trên 400 tỷ USD?
Top 40 GDP thế giới
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12 cho biết quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của Việt Nam ước đạt 9,51 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên GDP của Việt Nam vượt mốc 400 tỷ USD.
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vào năm đầu thiên niên kỷ (2000), tổng sản phẩm quốc nội theo giá hiện hành của Việt Nam chỉ là 39,6 tỷ USD. Như vậy trong 22 năm qua, GDP nước ta đã tăng hơn 10 lần.
Dự kiến đến năm 2026, GDP của nước ta sẽ vượt 600 tỷ USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia công bố sớm số liệu thống kê khi năm 2022 chưa kết thúc. Nhiều nước chưa thông báo quy mô nền kinh tế trong năm qua.
Tuy vậy, theo ước tính của IMF, thế giới năm 2022 có 40 quốc gia với GDP trên 400 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 39, trên Phillippines nhưng dưới một số người hàng xóm trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia.
Cũng theo thống kê của IMF, Mỹ vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP năm 2022 hơn 25.000 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với khoảng 18.300 tỷ USD và Nhật Bản 4.300 tỷ USD.
Xét theo GDP ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014. Nhưng khi tính theo GDP giá hiện hành, Mỹ vẫn đang vượt trội.
GDP bình quân đầu người gấp 8 lần sau hơn hai thập kỷ
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/12 vừa qua cũng cho biết GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021 và gấp hơn 8 lần mức 500 USD của năm 2000.
Người láng giềng Trung Quốc được IMF ước tính có GDP bình quân đầu người xấp xỉ 13.000 USD trong năm vừa qua, cao gấp 3,2 lần Việt Nam.
Trong khi GDP của nước ta đứng trong top 40 của thế giới thì GDP bình quân đầu người xếp ở vị trí khoảng 149. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trên Philippines, Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar; nhưng còn kém Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Đảo quốc sư tử Singapore cũng là nước có thu nhập bình quân của người dân cao thứ 6 trên thế giới, chỉ sau Luxembourg, Ireland, Na Uy, Thụy Sỹ và nước chủ nhà World Cup 2022 – Qatar.
Những vấn đề với GDP
Thượng nghị sỹ Mỹ Robert F. Kennedy từng nói rằng GDP đo lường mọi thứ “ngoại trừ những điều làm cho cuộc đời này đáng sống”. Trong thực tế, GDP bao hàm giá trị các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra trong biên giới một nước trong một năm, nhưng vẫn còn 4 hạn chế.
Nền kinh tế ngầm
Nền kinh tế ngầm (hay còn được gọi một cách bình dân là thị trường chợ đen) bao gồm các giao dịch bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng không được ghi nhận trong GDP của một quốc gia. Nền kinh tế ngầm thường liên quan tới hoạt động bất hợp pháp như buôn bán vũ khí, ma túy, mại dâm, …
Quy mô của nền kinh tế ngầm khó được đo đếm chính xác và rất khác nhau giữa các quốc gia. Ở những nước chưa phát triển và tiềm ẩn nhiều bất ổn, quy mô nền kinh tế ngầm thường chiếm một phần đáng kể sản lượng kinh tế cả nước.
Tổn hại môi trường
Các nhà sản xuất có thể gia tăng quy mô và sản lượng bằng cách gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Ở những quốc gia phát triển, hoạt động sản xuất được quản lý chặt chẽ và những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng lên đầu và không mấy bận tâm tới các vấn đề môi trường.
GDP chỉ đo đếm giá trị của cải được sản xuất ra, bất kể tác động tới môi trường ra sao. Nhiều chuyên gia cho rằng những tổn hại tới môi trường nên được tính toán và trừ vào GDP vì hủy hoại môi trường không phải là cách sản xuất bền vững và có thể tác động tới tăng trưởng trong tương lai.
Gia tăng chất lượng sản phẩm
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các nhà sản xuất có thể cho ra những mặt hàng có chất lượng tốt hơn với giá ngang bằng hay thậm chí thấp hơn trước. Ví dụ, một chiếc điện thoại (smartphone) giá 10 triệu đồng ngày nay có các tính năng vượt trội hơn hẳn so với một chiếc smartphone cùng giá 10 triệu đồng xuất xưởng 5 năm trước.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những quốc gia với diện tích tương đương Việt Nam đang có nền kinh tế lớn cỡ nào? 04/01/2023 - 14:31
Người tiêu dùng được hưởng sản phẩm tốt hơn mà không phải trả thêm tiền. GDP không thể đo đếm được sự cải thiện trong chất lượng sản phẩm.
Sản xuất phi thị trường
GDP không tính đến những hoạt động sản xuất để phục vụ tiêu dùng cá nhân và không có chứng từ giao dịch. Chẳng hạn, nếu một người tự trồng rau nuôi cá để ăn hoặc tự sản xuất điện để thắp sáng thì giá trị của những hàng hóa này không được tính trong GDP.
Nếu một người trồng hoa quả rồi bán cho nhà máy chế biến thì giá trị của lô hoa quả đó sẽ được bao hàm trong GDP. Ngược lại, nếu người này đem hoa quả đi chia cho hàng xóm cùng ăn thì GDP lại không đo lường được.
Tương tự như nền kinh tế ngầm, hoạt động sản xuất phi thị trường này cũng rất khó đo đếm và quy mô giữa các quốc gia rất khác biệt. Ở các nước nông nghiệp và lạc hậu, GDP thường thấp hơn nhiều so với sản lượng kinh tế thực sự. Ở các nước công nghiệp phát triển, GDP lại phản ánh hoạt động kinh tế một cách chính xác hơn.
Thống kê GDP bình quân đầu người cũng gặp phải những hạn chế tương tự như GDP, ngoài ra còn phải chịu thêm vấn đề cố hữu của cách tính bình quân là không thể hiện được sự biến thiên trong số liệu.
Ví dụ, hai người có thu nhập lần lượt là 40 triệu đồng và 60 triệu đồng thì bình quân là 50 triệu; hai người có thu nhập chênh lệch hơn là 5 triệu đồng và 95 triệu đồng cũng có bình quân là 50 triệu.