Vì sao các nước khí hậu lạnh thường giàu có hơn các nước nóng bức?
Số liệu không nói dối
Khi nói đến những nền kinh tế phát triển, người ta thường nghĩ ngay tới các quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Thụy Điển … với mức GDP đầu người cao chót vót. Điểm chung của các nước này là đều nằm trong vùng khí hậu ôn đới, hoặc hàn đới.
Ngược lại, những quốc gia kém phát triển nhất thường nằm ở Hạ Sahara, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự giàu có của một quốc gia, từ tài nguyên, ổn định chính trị, vị trí địa lý … nhưng gần như có một mẫu số chung rằng: các quốc gia nóng thường nghèo hơn những nước lạnh.
Thật vậy, nếu nhìn vào bản đồ GDP theo đầu người toàn thế giới, gần như tất cả quốc gia giàu có, ngoại trừ một số ngoại lệ đặc biệt sẽ nói đến ở phần sau, đều nằm ở trên đường chí tuyến Bắc hoặc dưới đường chí tuyến Nam.
Tại châu Á, các quốc gia giàu có bậc nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mùa đông lạnh giá. Ở châu Phi, các nước ở xa đường xích đạo (Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Libya ...) cũng giàu có hơn phần còn lại.
Câu chuyện tương tự cũng lặp lại tại Nam Mỹ, khi các quốc gia xa nằm dưới đường chí tuyến Nam là Chile, Argentina và Uruguay có mức GDP đầu người cao hơn nhiều so với những nước gần xích đạo. Thậm chí tại châu Âu, quốc gia nào càng gần vòng cực bắc (càng lạnh) thì lại càng giàu có hơn.
Nếu bản đồ chưa đủ tính thuyết phục, thì dưới đây là biểu đồ mô tả sự tương quan giữa nhiệt độ và thu nhập bình quân đầu người. Đường xu hướng cho thấy, nhiệt độ càng thấp, thì GDP bình quân đầu người lại càng cao.
Sử dụng hàm hồi quy tuyến tính đơn giản để tìm ra mối liên hệ giữa nhiệt độ trung bình và thu nhập cho kết quả rằng cứ tăng lên 1 độ C, thu nhập bình quân sẽ giảm đi khoảng 1.200 USD.
Tuy nhiên, kết luận này chỉ có ý nghĩa về mặt tương quan chứ chưa chứng minh được quan hệ nhân quả.
Nhiệt độ chỉ giải thích được khoảng 20% sự khác biệt trong mức độ sự giàu có của mỗi quốc gia. Theo kết quả thống kê trên, 80% những yếu tố quyết định GDP đầu người là những nhân tố ngoài nhiệt độ như tài nguyên thiên nhiên, thể chế chính trị, trình độ học vấn, vị trí … Để có được câu trả lời chính xác hơn, mô hình thống kê sẽ cần tính đến những yếu tố này.
Những ngoại lệ
Australia, các nước Arab, Brunei, Singapore có nhiệt độ trung bình cao nhưng vẫn giàu có. Ngược lại, Triều Tiên, Mông Cổ hay Uzbekistan lại kém phát triển hơn các nước có cùng vĩ độ.
Australia là một lục địa rộng lớn, và đa số không có có người ở. Dân cư chủ yếu tập trung tại phía nam, nơi nhiệt độ mát mẻ hơn nhiều so với trung bình cả nước.
Các thành phố lớn như Sydney (18 độ C), Canberra (12,8 độ C), Melbourne (14,8 độ C) đều xấp xỉ với nhiệt độ trung bình của các quốc gia Địa Trung Hải, miền nam Mỹ hay Trung Quốc.
Trong khi đó, khu vực phía bắc nắng nóng chỉ đóng góp 1,34% GDP. Bởi vậy, trên thực tế, nhiệt độ mà gần như tất cả người dân Australia sinh sống nằm trong khoảng 12 đến 18 độ C.
Một nhóm ngoại lệ khác như các nước Qatar, Arab Saudi, UAE, Brunei, có cùng điểm chung là giàu có về nhiên liệu: dầu mỏ, khí đốt và dân cư ít. Việc nằm trên một gia tài khổng lồ dễ dàng giải thích cho việc GDP đầu người cao dù có khí hậu vào loại nóng nhất hành tinh.
Vậy còn Singapore, một quốc đảo nhỏ bé, không có tài nguyên, ngoại trừ vị trí chiến lược thì sao? Panama và Ai Cập cũng cũng có vị trí khá tương đồng nhưng đều tương đối nghèo.
Khi được hỏi về điều gì đã làm nên thành công của Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trả lời: “Điều hòa nhiệt độ. Điều hòa là phát minh quan trọng nhất với Singapore. Thiết bị này đã thay đổi bản chất của các nền văn minh và hỗ trợ việc phát triển tại vùng nhiệt đới”.
“Nếu không có điều hòa, ban chỉ có thể làm việc vào sáng sớm hoặc chiều tối khi trời mát. Điều đầu tiên tôi làm khi trở thành Thủ tướng là lắp điều hòa tại tất cả cơ quan chính quyền”.
Vậy ngược lại, những quốc gia ôn đới nhưng vẫn nghèo khó như Triều Tiên, Mông Cổ hay Uzbekistan nên được giải thích như thế nào? Triều Tiên có nền kinh tế và định hướng phát triển khác đa số phần còn lại của thế giới, đồng thời đang chịu hàng loạt các lệnh cấm vận.
Mông Cổ, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan đều là những quốc gia nội lục, không có cách nào tiếp cận với biển, khí hậu và địa hình vô cùng khắc nghiệt. Không tiếp cận với biển hạn chế khả năng giao thương, và kết quả là các quốc gia này nghèo hơn so với những nước có cùng mức nhiệt độ.
Nhưng ngay cả trong ba nước nội lục ngay sát nhau là Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan, Uzbekistan vẫn là quốc gia giàu có, và đồng thời lạnh nhất.
Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn, nhưng cũng chỉ là một trong những nhân tố quyết định tới sự giàu có của một quốc gia. Quan hệ giữa thu nhập bình quân và nhiệt độ chưa chắc đã là nhân quả, mà chỉ là tương quan. Vì vậy, vẫn sẽ tồn tại những trường hợp ngoại lệ như trên.
Vậy tại sao các quốc gia lạnh hơn lại giàu có hơn?
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối tương quan giữa nhiệt độ và sự giàu có của một quốc gia, tuy nhiên chưa có bất cứ kết luận chắc chắn nào về nguyên nhân của mối tương quan này. Nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó bao gồm các nhân tố về sinh lý, văn hóa, xã hội, dịch tễ đã tạo ra sự khác nhau giữa các đới khí hậu.
Tại khu vực nhiệt đới, muỗi, ruồi, chuột phát triển mạnh và là nguồn truyền nhiễm những dịch bệnh nguy hiểm. Trung Phi, một trong những nơi kém phát triển nhất thế giới, cũng là nơi sản sinh ra các dịch bệnh như HIV, Ebola …
Trong quá khứ, khu vực này từng không có bất cứ quốc gia hay đế chế lớn nào tồn tại do ruồi tsetse lây truyền chứng bệnh ngủ châu Phi.
Những vùng khí hậu ôn đới mặc dù có mùa đông lạnh nhưng ít dịch bệnh nguy hiểm hơn. Hai nhà nghiên cứu William A. Masters và Margaret S. McMillian giả thiết rằng băng giá góp phần vào sự giàu có ở hai phương diện. Băng tuyết giúp đất đai trở nên màu mỡ hơn, đồng thời nhiệt độ thấp đã hạn chế các bệnh truyền nhiễm như sốt rét.
Giáo sư Hernando Zuleta của đại học del Rosario gợi ý rằng tại những nơi sản lượng có sự thay đổi giữa các mùa, việc tiết kiệm sẽ mạnh hơn. Kết quả từ sự tiết kiệm này là người dân có thể đầu tư, sáng tạo hoặc áp dụng những công nghệ yêu cầu vốn cao.
Vì mùa đông lạnh, người dân tại vùng ôn và hàn đới sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông, hay có thể coi như một dạng tích lũy tài sản. Tại các vùng nhiệt đới, thức ăn luôn sẵn có, và mùa đông cũng không hề khắc nghiệt, nên sự chuẩn bị này là không cần thiết.
Không phải lúc nào cũng đúng
Theo tạp chí Scientific American, nhiệt độ phù hợp nhất với cuộc sống của con người là khoảng 21 độ. Nhìn trên bản đồ, khoảng nhiệt này tương ứng với khu vực thuộc Trung Mỹ, Ấn Độ và đa phần châu Phi.
Tuy nhiên, 21 độ C chỉ thoải mái khi con người không vận động. Khi làm việc, thân nhiệt tăng lên. Bởi vậy, các nền văn minh cổ đại như Lưỡng Hà, Ai Cập, Hoàng Hà và Ấn Độ xuất hiện ở những khu vực có nhiệt độ từ 16 đến 19 độ C.
Trong hầu hết lịch sử loài người, những khu vực này cũng nắm giữ phần lớn nền kinh tế của toàn thế giới.
Cho đến đầu thế kỷ 19, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chiếm 50% tổng GDP của toàn cầu. GDP bình quân đầu người trước thời kỳ Phục Hưng và các Cách mạng Công nghiệp giữa các quốc gia trên thế giới không có sự chênh lệch nhiều.
Nhưng kể từ cuối thế kỷ 19, Châu Âu bứt lên mạnh mẽ, bỏ xa châu Á về thu nhập bình quân cũng như quy mô nền kinh tế. Tức là trước khi có cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra, tương quan giữa thu nhập và nhiệt độ hầu như không tồn tại.
Một điều đáng chú ý là không chỉ có con người mà ngay cả máy móc, chẳng hạn như động cơ hay máy tính, cũng ưa thích thời tiết mát mẻ hơn. Động cơ hay vi xử lý đều sản sinh ra nhiệt lượng lớn và cần được làm mát. Trong đợt nắng nóng vừa qua tại Anh, khi nhiệt chạm ngưỡng 40 độ C, các máy chủ của Google đã ngừng hoạt động.