Vì sao địa lý Nhật Bản không tệ như nhiều người lầm tưởng?
Nhật Bản thường được lấy làm ví dụ về một quốc gia có địa lý không thuận lợi: ít tài nguyên thiên nhiên, bị chia cắt, chịu nhiều thiên tai và nằm gần cường quốc. Tất cả những yếu tố trên thường ngăn cản sự hình thành của một nền văn minh phát triển.
Bất chấp những thách thức này, Nhật Bản vẫn để lại dấu ấn lớn trong phần lớn chiều dài lịch sử nhân loại. Rất có thể, chúng ta quá tập trung vào những điểm tiêu cực trong địa lý Nhật Bản, mà bỏ quên những lợi thế đặc biệt của quốc gia này.
Vì sao địa lý Nhật Bản được cho là không tốt?
Trước hết, Nhật Bản là một quốc gia bị chia cắt mạnh. Theo nghiên cứu của Cơ quan Thông tin Không gian Địa lý Nhật Bản (GSI), quốc gia này hiện có hơn 14.000 hòn đảo lớn nhỏ, cao gấp hơn hai lần so với ước tính vào năm 1987. Nhật Bản còn bị chia cắt hơn nữa do địa hình không bằng phẳng, nhiều đồi núi.
Ngoài ra, Nhật Bản còn là một quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai, đặc biệt là động đất và sóng thần khi nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Động đất và sóng thần đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể về cả sinh mạng và tài sản.
Một điểm yếu khác của địa lý Nhật Bản là thiếu tài nguyên thiên nhiên như nhiên liệu hóa thạch, kim loại,... Theo ước tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), vào năm 2019, mức độ tự chủ năng lượng của quốc gia này chỉ là 12,1%. Thiếu tự chủ năng lượng khiến Nhật Bản dễ chịu tác động khi giá nhiên liệu tăng cao.
Trong nguy có cơ
Đồi núi
Nhật Bản là một đất nước nhiều đồi núi - dạng địa hình không tốt cho nông nghiệp. Chỉ có khoảng 12% diện tích đất của Nhật Bản có thể dùng để canh tác.
Dù không có nhiều đất nông nghiệp, Nhật Bản không gặp vấn đề lớn về an ninh lương thực. Vào những năm 1970, quốc đảo này đã gần như có thể đạt tự chủ về vấn đề lương thực tính theo sản xuất. Gần đây, tỷ lệ này đã giảm do thiếu nhân lực, chứ không phải đất đai canh tác.
Ngoài ra, việc nằm trên khu vực núi lửa hoạt động mạnh cũng giúp đất đai của xứ sở mặt trời mọc được cung cấp dưỡng chất màu mỡ.
Cảng biển
Địa hình dốc do có nhiều đồi núi giúp Nhật Bản xây dựng các cảng biển lớn. Bờ biển dài, nhiều đảo nhỏ và mực nước sâu bảo vệ tàu thuyền khỏi các cơn bão. Xứ sở mặt trời mọc có tới hàng trăm cảng biển lớn trên khắp đất nước. Những cảng biển này đã hỗ trợ hoạt động thương mại.
Ngoại thương từng giúp các quốc gia châu Âu giàu lên nhanh chóng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Châu Phi là cái nôi của loài người nhưng sao cứ mãi tụt hậu? 08/08/2022 - 12:44
Ngược lại, châu Phi - cái nôi của con người, giàu có về tài nguyên - lại vẫn mãi nghèo đói khi thiếu cảng biển, khó giao thương với bên ngoài.
Vị trí của Nhật Bản cũng thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế. Đất nước mặt trời mọc như một cửa ngõ, trạm trung chuyển từ Bắc Mỹ sang châu Á, từ vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga đi những nơi khác.
Những cảng biển nước sâu này cũng hỗ trợ cho ngành công nghiệp đóng tàu. Vào những năm 1980, Nhật Bản từng nắm hơn 50% thị trường tàu biển thế giới.
Hiện nay, Nhật Bản là nhà sản xuất tàu biển lớn thứ ba toàn cầu tính theo trọng tải. Trong Thế chiến II, Hải quân Nhật Bản từng đứng thứ ba trên thế giới và sở hữu nhiều tàu chiến hiện đại.
Thiên tai
Nhật Bản nổi tiếng về những thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần, lốc xoáy, núi lửa phùn trào,… Các thảm họa trên vừa tàn phá cuộc sống người dân, nhưng cũng mang lại những lợi ích lớn lao.
Nhật Bản sở hữu đất đai rất màu mỡ nhờ hoạt động của núi lửa. Ngoài nông nghiệp, núi lửa còn giúp thu hút khách du lịch. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người đã tới tham quan núi Phú Sĩ - một ngọn núi lửa đang hoạt động. Suối nước nóng - sản phẩm của hoạt động địa chất - cũng được tận dụng trở thành những điểm du lịch, giải trí.
Thiên tai đôi khi cũng cứu Nhật Bản khỏi sự xâm lược của nước ngoài. Vào thế kỷ 13, Mông Cổ đã hai lần cố gắng tấn công đất nước mặt trời mọc. Lần xâm lược thứ hai, Mông Cổ đã đem theo 4.000 tàu chiến và 140.000 binh sĩ. Quy mô của cuộc xâm lược này chỉ kém một chút so với cuộc đổ bộ của phe Đồng minh lên Normandy trong Thế chiến II.
Khi ấy, Mông Cổ là đế chế hùng mạnh nhất thế giới, có lãnh thổ trải dài từ châu Âu sang châu Á và binh sĩ dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Tuy nhiên, Nhật Bản đã gặp may.
Trong cả hai lần xâm lược, quân đội Mông Cổ đều gặp những cơn bão lớn, khiến tàu thuyền bị đánh chìm. Hai sự kiện này được người dân Nhật Bản gọi là kamikaze, hay "cơn gió của thần thánh (thần phong)".
Trong hơn 2000 năm lịch sử của mình, Nhật Bản chỉ bị hạ gục duy nhất một lần bởi Mỹ. Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới khi đó đã phải dùng tới hai quả bom hạt nhân để khuất phục Nhật Bản.
Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu không dùng tới vũ khí hủy diệt hàng loạt, việc đổ bộ lên hàng nghìn hòn đảo của Nhật Bản có thể đẩy thương vong của hai phe lên tới hàng triệu người.
Nhờ được bảo vệ bởi biển cả và địa hình, Nhật Bản trở thành quốc gia rất ổn định cho hoạt động kinh doanh. Theo một khảo sát vào năm 2008 của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), trong số 5.586 doanh nghiệp có tuổi đời trên 200 năm trên toàn cầu, 56% có trụ sở tại Nhật Bản.
Một nghiên cứu vào năm 2009 đã thống kê được hơn 21.000 công ty có tuổi đời hơn 100 năm tại đất nước mặt trời mọc.
Việc sở hữu khoảng 14.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài trên khắp Thái Bình Dương cũng giúp Nhật Bản có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ 8 thế giới, dù diện tích đất liền chỉ xếp thứ 62.
Vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn giúp ngành ngư nghiệp của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Vào những năm 1980, quốc gia này từng đứng đầu thế giới về sản lượng hải sản. Sản lượng hải sản hiện đã giảm do đánh bắt quá mức, nhưng đất nước mặt trời mọc vẫn nắm vị trí thứ 8 trên thế giới.
Tài nguyên thiên nhiên
Vùng biển rộng lớn của Nhật Bản cũng chứa nhiều loại khoáng sản nằm dưới đáy biển. Công nghệ hiện nay vẫn chưa thể khai thác những khoáng sản này, nhưng trong tương lai, chúng có thể là nguồn tài nguyên quan trọng, giúp thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản.
Tuy thiếu khoáng sản và nhiên liệu, Nhật Bản lại sở hữu tài nguyên cực kỳ cần thiết cho cuộc sống con người là nước ngọt. Nước này có lượng mưa cao gấp đôi trung bình toàn cầu và lớn hơn nhiều so với những quốc gia nằm cùng vĩ tuyến và đới khí hậu.
Dầu mỏ, than đá hay khí đốt là những tài nguyên không thực sự cần thiết trước thời đại công nghiệp, và có thể đến một ngày nào đó, con người cũng sẽ không cần đến chúng nữa. Quá trình chuyển đổi năng lượng có thể khiến nhiên liệu hóa thạch trở nên lỗi thời. Trong khi đó, con người sẽ không thể sống thiếu nước ngọt.
Ở gần cường quốc
Thông thường, một nước nhỏ nằm gần cường quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công, đồng hóa hoặc chịu sự ảnh hưởng. Nhật Bản có vị trí địa lý gần với Trung Quốc và Nga - hai cường quốc hàng đầu tại lục địa Á-Âu.
Tuy vậy, sức ảnh hưởng của Moscow lên đất nước mặt trời mọc không lớn, do phần lớn dân số, kinh tế nước Nga luôn nằm tại châu Âu. Trung Quốc tuy gần với Nhật Bản nhưng vẫn có một hàng rào địa lý là Biển Hoa Đông. Nhờ vậy, Nhật Bản vẫn nhận được những lợi ích từ hoạt động trao đổi công nghệ, văn hóa, khoa học, nhưng cũng phần nào tránh bị tân công và nhờ đó có thể phát triển nền văn hóa riêng.
Theo một số nghiên cứu, kỹ thuật canh tác lúa gạo xuất hiện tại châu thổ sông Dương Tử vào khoảng 10.000 năm trước, sau đó được du nhập tới Nhật Bản vào khoảng 3.000 năm trước.
Nhật Bản cũng thừa hưởng hệ chữ viết từ Trung Quốc (Hán Tự hay kanji) vào khoảng đầu Công nguyên, sau đó sáng tạo thêm hai bảng chữ cái hiragana và katakana. Phật Giáo - tôn giáo lớn nhất tại Nhật Bản - được du nhập từ Trung Quốc từ khoảng thế kỷ thứ 7.