|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những nét tương đồng giữa Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản trong 'thập kỷ mất mát'

13:51 | 06/06/2023
Chia sẻ
Vào những năm 1980, nhiều người từng kỳ vọng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, bong bóng trong nền kinh tế đổ vỡ đã đẩy Nhật Bản vào "thập kỷ mất mát". Trung Quốc giờ đây đang xuất hiện nhiều dấu hiệu tương đồng với Nhật Bản năm xưa.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% do ảnh hưởng của các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt và sự thoái trào của lĩnh vực bất động sản. Tốc độ này thấp hơn nhiều tăng trưởng trung bình của Trung Quốc trong thập kỷ qua. 

Trích dẫn một nghiên cứu từ Citigroup,Financial Times cho biết có sự tương đồng giữa quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc hiện nay và “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản năm xưa. Citigroup cảnh báo nếu không cẩn thận, Trung Quốc sẽ có thể rơi vào một “thập kỷ mất mát”. 

Tương tự như Trung Quốc ngày nay, Nhật Bản vào cuối những năm 1980 từng được dự báo sẽ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế. Giờ đây, theo ước tính của IMF,  Nhật Bản sẽ mất vị trí nền kinh tế số ba thế giới vào tay Ấn Độ trong năm 2027.

 

Thập kỷ mất mát (tiếng Anh: Lost Decade) là thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả thời kỳ đình trệ kinh tế trong suốt thập niên 1990 của Nhật Bản. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử. 

Đầu những năm 1990, khi bong bóng trong nền kinh tế sắp vỡ, Bộ Tài chính Nhật Bản đã quyết định tăng lãi suất, khiến thị trường chứng khoán sụp đổ và một cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong thập kỷ mất mát, tăng trưởng GDP trung bình của Nhật Bản là 1,2%, thấp hơn đáng kể so với các nước thuộc nhóm G7 khác.

Tiết kiệm của hộ gia đình tăng nhưng không chuyển thành nhu cầu hàng hóa, dẫn đến tình trạng giảm phát. Tình hình kinh tế Nhật Bản không được cải thiện cho đến tận thế kỷ 21, nên nhiều người tiếp tục gọi khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2010 là "20 năm mất mát".

Cơ cấu dân số

Cơ cấu dân số của Trung Quốc hiện nay có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản của 20 năm trước. Vào năm 1994, dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) của Nhật Bản đã đạt đỉnh. Kể từ đó tới nay, lực lượng lao động của xứ sở mặt trời mọc liên tục thu hẹp. Trung Quốc cũng đã đến cột mốc tương tự vào năm 2015. 

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, trong 20 năm tới, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ chỉ còn gần 850 triệu người, giảm so với gần 1 tỷ người vào năm 2022. Dân số thu hẹp dẫn tới một loạt vấn đề, từ sụt giảm sản lượng kinh tế cho tới nhu cầu tiêu dùng, nhà ở. 

Lực lượng lao động bao gồm người dân trong độ tuổi 15-64. 

Tốc độ suy giảm dân số của Trung Quốc hiện nay thậm chí còn nhanh hơn so với Nhật Bản. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Trung Quốc vào năm 2022 là 1,18 con/phụ nữ, thấp hơn cả Nhật Bản - quốc gia đã rơi vào khủng hoảng nhân khẩu học trầm trọng trong nhiều năm. Khi lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp vào năm 1994, TFR của Nhật Bản là 1,49 con/phụ nữ.

Tăng trưởng nóng

Nhật Bản và Trung Quốc đều trải qua giai đoạn tăng trưởng GDP nhanh chóng thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu bùng nổ từ thời hậu chiến và Trung Quốc sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Giai đoạn trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc có những năm tăng trưởng hàng chục % nhưng kém ổn định. Tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản cũng đạt hàng chục % sau Thế chiến II.

Theo World Bank, từ năm 2010 đến 2020, sự hình thành vốn chiếm trung bình 43% tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Khi bong bóng tài sản vỡ vào năm 1990, tỷ lệ hình thành vốn của Nhật Bản cũng ở mức khoảng 36%, và được cho là rất cao.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng tài trợ cho tăng trưởng theo cách thức tương tự nhau. Kỷ nguyên bong bóng tài sản của Nhật Bản được thúc đầy bởi nguồn tài trợ gián tiếp từ các ngân hàng thương mại được chính phủ hậu thuẫn. 

Theo Citigroup, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống tài chính gián tiếp. Ngoài các công cụ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, chính phủ có thể chỉ đạo hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại thông qua một loạt cơ chế.

Bong bóng chứng khoán và bất động sản của Nhật Bản giai đoạn 1987-1989 phình to nhanh nhất sau khi Tokyo đưa ra các chính sách nới lỏng để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Hoạt động cho vay mở rộng đáng kể, và thanh khoản được bơm vào cổ phiếu và bất động sản nhiều đến mức mà với các doanh nghiệp, hoạt động đầu cơ tài chính sinh nhiều lợi nhuận hơn là hoạt động kinh doanh thuần túy.

 

Nhiều thập kỷ sau, Trung Quốc cũng đã cho phép nền kinh tế thực và hệ thống tài chính tách rời nhau. Citigroup ước tính rằng quy mô thị trường bất động sản của nước này đạt 65.000 tỷ USD vào năm 2020, vượt xa cả Mỹ, EU và Nhật Bản cộng lại.

Đến năm 2021, 41% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tới từ các khoản vay và tín dụng liên quan tới bất động sản. Bùng nổ bong bóng bất động sản ở hai quốc gia được đẩy nhanh bởi sự tồn tại của hệ thống ngân hàng bóng tối rộng lớn, vượt qua những giới hạn cho vay do nhà nước áp đặt cũng như những hạn chế khác.

Thị trường chứng khoán, bất động sản

Cùng với sự phát triển của quy mô dân số và nền kinh tế, thị trường chứng khoán và bất động sản Nhật Bản và Trung Quốc cũng có xu hướng tăng trưởng gần giống nhau.

Vào năm 1989, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có lúc đạt gần 39.000 điểm. Khoảng 20 năm sau, vào 2007, chỉ số Shanghai Composite cũng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Tương tự như mức đỉnh của quy mô dân số, mức đỉnh của chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản cũng cách nhau 20 năm. 

Kể từ khi đạt đỉnh tới nay, cả hai chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc và Nhật Bản đều không thể quay lại những ngày huy hoàng. Những chỉ số khác, chẳng hạn như S&P 500 của Mỹ liên tục phá đỉnh.

Tương tự như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản Nhật Bản cũng đạt đỉnh vào cuối năm 1989, sau đó sụt giảm liên tục trong suốt 20 năm. Mãi đến những năm gần đây, giá nhà tại Nhật Bản mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn rất xa so với mức đỉnh cuối thập niên 80. Trước khi sụp đổ, bất động sản Nhật Bản từng tăng trưởng mạnh mẽ.

Trung Quốc cũng chứng khiến giai đoạn bất động sản tăng trưởng mạnh kể từ năm 2015, tới 2020 bị chậm lại do các biện pháp tháo gỡ đòn bẩy tài chính của Bắc Kinh.

Ngành bất động sản Trung Quốc liên tiếp gặp khó trong năm 2021 và 2022, và mãi tới 2023 mới có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm chạp.

 

Quan hệ với Mỹ

Các nhà phân tích của Citi cũng nhận thấy sự tương đồng giữa quan hệ của hai quốc gia với Mỹ. Vào những năm 1980, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ tăng vọt, xích mích giữa hai nền kinh tế lớn nhất thời bấy giờ đã leo thang trở thành một cuộc chiến thương mại.

Sau đó, những mối quan ngại về công nghệ, sở hữu trí tuệ ... cũng đã trở thành điểm nóng. Cuộc chiến này kết thúc với phần thắng thuộc về Mỹ, còn Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Tới năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - lại một lần nữa phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - nền kinh tế số hai. Những tranh chấp về thương mại sau đó cũng lại mở rộng ra nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, công nghệ và an ninh. 

Minh Quang