|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thập kỉ mất mát (Lost Decade) của Nhật Bản là gì?

09:49 | 04/12/2019
Chia sẻ
Thập kỉ mất mát (tiếng Anh: Lost Decade) là thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả thời kì đình trệ kinh tế trong suốt thập niên 1990 của Nhật Bản. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử.
japan-lost-decade-vs-us-ez-16-638

Hình minh họa. Nguồn: Bank of Japan

Thập kỉ mất mát

Khái niệm

Thập kỉ mất mát, hay thập niên mất mát trong tiếng Anh là Lost Decade.

Thập kỉ mất mát là thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả thời kì đình trệ kinh tế trong suốt thập niên 1990 của Nhật Bản. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử.

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh chóng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đỉnh điểm là vào những năm 1980 khi nước này có GNP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên sự phát triển này đã dẫn đến hoạt động đầu cơ gia tăng và giá cả trong thị trường chứng khoán và bất động sản tăng cao vọt.

Đầu những năm 1990, khi rõ ràng rằng bong bóng trong nền kinh tế sắp vỡ, Bộ Tài chính Nhật Bản tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sụp đổ và một cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và dẫn đến cái gọi là thập kỉ mất mát.

Trong thập kỉ mất mátGDP trung bình của Nhật Bản là 1,2%, thấp hơn đáng kể so với các nước thuộc nhóm G7 khác. Tiết kiệm của hộ gia đình tăng nhưng không chuyển thành cầu cho hàng hóa, dẫn đến tình trạng giảm phát. 

Thuật ngữ thập kỉ mất mát ban đầu được đặt ra để chỉ cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt chục năm tại Nhật Bản trong những năm 1990. Tuy nhiên giá trị của đất đai và tài sản không được phục hồi như và thị trường Nhật Bản đã tiếp tục đình trệ trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21. Kết quả là, nhiều người tiếp tục gọi khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2010 là "Hai mươi năm mất mát".

Nguyên nhân dẫn đến thập kỉ mất mát

Các nhà nghiên cứu đã công bố nhiều bài báo mô tả các lí do có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát. Paul Krugman cho rằng Nhật Bản đã rơi vào bẫy thanh khoản: người tiêu dùng nắm giữ tiền tiết kiệm và ít chi tiêu vì họ sợ rằng nền kinh tế sắp trở nên tồi tệ hơn. Do đó, nhu cầu trong nền kinh tế rất thấp và năng lực sản xuất của toàn bộ nền kinh tế cũng giảm. 

Một số yếu tố mang tính cấu trúc khác cũng góp phần vào sự suy giảm của nền kinh tế. Ví dụ, dân số già của Nhật Bản khiến cho số liệu về năng suất nước này giảm trong những năm qua.

Nghiên cứu khác phân tích vai trò của việc suy giảm của cải của hộ gia đình trong việc gây ra khủng hoảng kinh tế. Sự sụp đổ về giá đất và giá chứng khoán làm tổng giá trị tài sản của hộ gia đình và thu nhập khả dụng của họ giảm. Kết quả là nền kinh tế bị đình trệ.

Một bài báo nghiên cứu năm 2017 cho rằng cho đường cong "tiết kiệm đầu tư theo chiều dọc" là nguyên nhân dẫn đến vấn đề của Nhật Bản. Dân số già cỗi cùng với sự cách tân và đổi mới chậm lại trong nền kinh tế do những chính sách sai lầm của chính phủ đã cản trở tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ, các đòi hỏi nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Basel khiến cho ngân hàng Nhật Bản không thể cho vay đối với các công ty mới khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy quá trình đổi mới.

(Theo investopedia)

Giang