Bẫy thanh khoản (Liquidity Trap) là gì? Bẫy thanh khoản tại Nhật Bản
Hình minh họa. Nguồn: fairmontequities.com
Bẫy thanh khoản
Khái niệm
Bẫy thanh khoản trong tiếng Anh là Liquidity Trap.
Bẫy thanh khoản là một tình huống trong đó lãi suất thấp trong khi lãi suất tiết kiệm cao, khiến chính sách tiền tệ không hiệu quả. Trong bẫy thanh khoản, người tiêu dùng lựa chọn tránh không mua trái phiếu và giữ tiền tiết kiệm vì niềm tin rằng lãi suất sẽ sớm tăng, đẩy giá trái phiếu đi xuống.
Vì giá trái phiếu có mối quan hệ ngược chiều với lãi suất, nhiều người tiêu dùng không muốn nắm giữ một tài sản mà giá dự kiến sẽ giảm.
Dấu hiệu của bẫy thanh khoản
Một dấu hiệu của bẫy thanh khoản là lãi suất thấp. Lãi suất thấp có thể tác động đến hành vi của trái chủ, cùng với những lo ngại khác liên quan đến tình trạng tài chính hiện tại của quốc gia, dẫn đến việc bán trái phiếu theo cách có hại cho nền kinh tế.
Hơn nữa, việc gia tăng cung tiền thất bại trong việc dẫn đến thay đổi mức giá, vì người tiêu dùng thiên về việc tiết kiệm tiền theo phương án ít rủi ro.
Vì gia tăng cung tiền dẫn đến có nhiều tiền hơn trong nền kinh tế, thông thường số tiền đó sẽ chảy vào các tài sản sinh lời cao hơn như trái phiếu. Nhưng trong một cái bẫy thanh khoản thì điều này không xảy ra, lượng tiền gia tăng chảy vào các tài khoản tiền mặt như các khoản tiết kiệm.
Để xảy ra bẫy thanh khoản, ngoài lãi suất thấp, còn cần phải có sự thiếu hụt các trái chủ muốn tiếp tục nắm giữ trái phiếu và nguồn cung có hạn của các nhà đầu tư muốn mua chúng. Thay vào đó, các nhà đầu tư ưu tiên tiết kiệm tiền mặt so với mua trái phiếu.
Nếu các nhà đầu tư vẫn có nhu cầu nắm giữ hoặc mua trái phiếu vào những thời điểm khi lãi suất thấp, thậm chí gần bằng không, thì tình huống đó không đủ điều kiện để xếp vào bẫy thanh khoản.
Ví dụ thực tiễn về bẫy thanh khoản tại Nhật Bản
Bắt đầu từ những năm 1990, Nhật Bản phải đối mặt với một cái bẫy thanh khoản. Lãi suất tiếp tục giảm và có rất ít động lực trong việc mua các khoản đầu tư. Nhật Bản phải đối mặt với giảm phát trong suốt những năm 1990 và năm 2019 vẫn có lãi suất âm -0,1%.
Chỉ số Nikkei 225, chỉ số chứng khoán chính tại Nhật Bản, đã giảm từ mức đỉnh 39.260 vào đầu năm 1990, và đến năm 2019 vẫn chưa thể quay lại mức đỉnh đó.
Chính phủ đôi khi mua hoặc bán trái phiếu để giúp kiểm soát lãi suất, nhưng mua trái phiếu trong một môi trường ảm đạm như vậy có rất ít tác dụng, vì người tiêu dùng rất muốn bán trái phiếu của họ có khi có thể.
Do đó, việc thúc đẩy sản lượng lên hoặc xuống trở nên khó khăn hơn và thậm chí còn khó hơn khi cố khuyến khích người tiêu dùng tận dụng lãi suất mới.
Khi người tiêu dùng sợ hãi vì các sự kiện trong quá khứ hoặc các sự kiện trong tương lai, sẽ rất khó để thuyết phục họ ngừng tiết kiệm và tăng chi tiêu. Các hành động của chính phủ trở nên kém hiệu quả hơn so với khi người tiêu dùng chấp nhận nhiều rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận như lúc nền kinh tế khỏe mạnh.
(Theo investopedia.com)