|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giảm phát (Deflation) là gì? Mối quan hệ giữa suy thoái và giảm phát

10:45 | 30/08/2019
Chia sẻ
Giảm phát (tiếng Anh: Deflation) là một hiện tượng diễn ra phổ biến trong nền kinh tế thế giới trong những năm trở lại đây. Giảm phát là một khái niệm căn bản trong kiến thức về kinh tế.
Inflation-Deflation

Hình minh họa. Nguồn: armstrongeconomics.com

Giảm phát

Khái niệm

Giảm phát trong tiếng Anh là Deflation.

Giảm phát là sự giảm giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ xảy ra khi tỉ lệ lạm phát giảm xuống dưới 0%. Giảm phát xảy ra một cách tự nhiên khi cung tiền của một nền kinh tế cố định. Trong thời kì giảm phát, sức mua của tiền tệ và tiền lương cao hơn so với trước đây. 

Trên thực tế, giảm phát làm cho chi phí danh nghĩa của vốn, lao động, hàng hóa và dịch vụ thấp hơn nếu cung tiền không bị thu hẹp. 

Nguyên nhân của giảm phát

Giảm phát được gây ra bởi một số nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hai yếu tố: sự sụt giảm trong tổng cầu và tăng năng suất.

Sự sụt giảm trong tổng cầu thường dẫn đến giá cả trở nên thấp. Nguyên nhân của sự thay đổi này bao gồm cắt giảm chi tiêu của chính phủ, thất bại của thị trường chứng khoán, người tiêu dùng mong muốn tăng tiết kiệm và các chính sách tiền tệ thắt chặt như tăng lãi suất cao hơn.

Về tăng năng suất: khi công nghệ tiến bộ, các công ty hoạt động hiệu quả hơn. Những cải tiến hoạt động này dẫn đến chi phí sản xuất thấp hơn và kết quả là người tiêu hưởng lợi từ giá bán các sản phẩm thấp hơn.

Mối quan hệ giữa suy thoái và giảm phát

Giảm phát thường xảy ra trong và sau thời kì suy thoái kinh tế. Khi một nền kinh tế trải qua một cuộc suy thoái hoặc khủng hoảng nghiêm trọng, sản lượng kinh tế chậm lại do nhu cầu cho tiêu dùng và đầu tư sụt giảm.

Điều này dẫn đến sự sụt giảm giá tài sản nói chung vì các nhà sản xuất buộc phải thanh lý hàng tồn kho mà mọi người không còn muốn mua. Người tiêu dùng và các nhà đầu tư cũng bắt đầu nắm giữ tiền để dự trữ như một cách phòng chống tổn thất tài chính gia tăng. Xu hướng tiết kiệm càng tăng, lượng tiền dùng cho chi tiêu càng ít khiến cho tổng cầu càng giảm hơn nữa.

Khi điều này xảy ra, kì vọng của mọi người về lạm phát trong tương lai được hạ xuống và mọi người lại bắt đầu tích trữ tiền. Tại sao bạn lại nên chi một đôla trong ngày hôm nay khi bạn kì vọng nó có thể mua được nhiều thứ hơn vào ngày mai? Và tại sao ngày mai bạn nên chi tiêu khi mọi thứ thậm chí còn sẽ rẻ hơn trong thời gian một tuần?

(Theo: investopedia)

Hằng Hà