|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa là gì? Nguyên nhân

19:04 | 24/10/2019
Chia sẻ
Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa là khủng hoảng sản xuất "thừa". Sản xuất "thừa" ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, nghĩa là "thừa" so với mức eo hẹp tiêu dùng có khả năng thanh toán của quần chúng.
gettyimages-598143864-60_custom-8a8e670b3d6518485177487c3a0b06d1560fcad0-s800-c85

Hình minh hoạ (Nguồn: npr)

Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa 

Khái niệm

Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa là khủng hoảng sản xuất "thừa". Sản xuất "thừa" ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, nghĩa là "thừa" so với mức eo hẹp tiêu dùng có khả năng thanh toán của quần chúng, không phải "thừa" so với nhu cầu thực tế của xã hội.

Khủng hoảng kinh tế biểu hiện ở chỗ: hàng hóa bị ứ đọng, sản xuất bị thu hẹp, xí nghiệp, thậm chí phải đóng cửa, nạn thất nghiệp tăng lên, thị trường rối loạn... 

Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trên thế giới nổ ra ở nước Anh vào năm 1825, sau khi nền đại công nghiệp cơ khí xuất hiện và tiếp theo đó các cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra và mang tính chu kì.

Nguyên nhân

Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng kinh tế là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản - mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. 

Khi nền đại công nghiệp cơ khí xuất hiện, thì mâu thuẫn trở nên gay gắt và biểu hiện cụ thể như sau:

- Mâu thuẫn giữa tính có tổ chức, có kế hoạch trong từng xí nghiệp với tình trạng sản xuất vô chính phủ trong toàn xã hội

Trong từng xí nghiệp, lao động của công nhân được tổ chức và phục tùng ý chí duy nhất của nhà tư bản. Còn trong xã hội, do dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, trạng thái vô chính phủ bao trùm tất cả. 

Các nhà tư bản tiến hành sản xuất mà không nắm được nhu cầu của xã hội, quan hệ giữa cung và cầu bị rối loạn, quan hệ tỉ lệ giữa các ngành sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng đến một mức độ nào đó thì nổ ra khủng hoảng kinh tế.

- Mâu thuẫn giữa xu hướng mở rộng sản xuất vô hạn của chủ nghĩa tư bản với sức mua có hạn của quần chúng lao động

Để theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch, các nhà tư bản phải ra sức mở rộng sản xuất, cải tiến kĩ thuật, cạnh tranh gay gắt. 

Quá trình đó cũng là quá trình bần cùng hoá nhân dân lao động, làm giảm bớt một cách tương đối sức mua của quần chúng, làm cho sức mua lạc hậu so với sự phát triển của sản xuất. 

Cung và cầu trong xã hội mất cân đối nghiêm trọng, dẫn đến khủng hoảng thừa hàng hóa trên thị trường.

- Mâu thuẫn đối kháng giữa tư bản và lao động

Đặc điểm của chủ nghĩa tư bản là hai yếu tố của sản xuất tách rời nhau: tư liệu sản xuất tách rời người trực tiếp sản xuất. Sự tách rời đó biểu hiện rõ nhất trong khủng hoảng kinh tế. 

Trong khi tư liệu sản xuất bị xếp lại, han rỉ, mục nát thì người lao động lại không có việc làm. Một khi tư liệu sản xuất và sức lao động không kết hợp được với nhau thì guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa tất nhiên bị tê liệt.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)

Diệu Nhi