|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dự báo đến năm 2028: GDP Việt Nam đạt 726 tỷ USD và bám đuổi sát Thái Lan, Trung Quốc vẫn chưa thể vượt Mỹ

16:14 | 20/04/2023
Chia sẻ
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn tới vị trí nền kinh tế số một thế giới của Mỹ còn Ấn Độ sẽ lần lượt đánh bại Đức và Nhật Bản để trở thành quốc gia có GDP cao thứ ba. Lạm phát toàn cầu trong 5 năm tiếp theo sẽ có xu hướng hạ nhiệt, với nhiều nền kinh tế quay trở về mức lạm phát mục tiêu 2%.

Trung Quốc vẫn chưa vượt Mỹ

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2028, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ là 27.490 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 32.350 tỷ USD. Như vậy, nền kinh tế thứ hai thế giới còn cách nền kinh tế hàng đầu gần 5.000 tỷ USD. Quy mô kinh tế Trung Quốc vào năm 2028 sẽ tương đương 85% của Mỹ.

Vào năm 2022, khoảng cách giữa GDP danh nghĩa của hai nước là khoảng 7.300 tỷ USD. Nền kinh tế Trung Quốc năm 2022 chỉ bằng khoảng gần 71% của Mỹ. 

Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp đáng kể trong 20 năm qua.

Nếu tính theo GDP ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã có nền kinh tế lớn hơn Mỹ kể từ năm 2016. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ xét theo GDP PPP vào năm 2028 sẽ lên tới hơn 10.000 tỷ USD. Quy mô kinh tế của Mỹ tính theo GDP PPP sẽ chỉ còn bằng khoảng 70% so với Trung Quốc vào thời điểm này.

IMF dự báo giai đoạn 2023-2028 sẽ chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào hôm 14/4. Năm ngoái, Ấn Độ vừa vượt Anh để trở thành nền kinh tế có GDP danh nghĩa cao thứ 5 thế giới.

Trong 5 năm tới, Ấn Độ sẽ lần lượt đánh bại Đức và Nhật Bản để chiếm vị trí nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Nếu xét theo GDP PPP, nền kinh tế Ấn Độ đã đứng vị trí thứ ba kể từ năm 2009.

Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến cũng là hai nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới, lần lượt giành vị trí thứ 13 và 17.

Dự báo GDP Việt Nam đạt 726 tỷ USD

Vào năm 2028, IMF kỳ vọng GDP Việt Nam sẽ đạt quy mô 726 tỷ USD, đứng thứ 27 trên thế giới, vượt qua nhiều nền kinh tế như Bỉ, Thụy Điển hay Argentina. Vào năm ngoái, theo IMF, GDP của nước ta là 406 tỷ USD, đứng thứ 37 trên toàn thế giới. Như vậy, trong 5 năm tới, quy mô kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ tăng thêm 320 tỷ USD và nhảy lên 10 bậc. 

Dù có xuất phát điểm thấp, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm.

Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong giai đoạn 2023-2028 được IMF dự báo ở mức 6,6%/năm, cao thứ 9 trên thế giới và thứ hai châu Á.

Vào năm 2000, GDP của nước ta chỉ đạt khoảng 39 tỷ USD, đứng thứ 54 trên thế giới và chưa bằng 1/8 so với Argentina. Nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam sẽ vượt nền kinh tế thứ hai Nam Mỹ trong chưa đầy 30 năm.

Ở khu vực Đông Nam Á, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng được thu hẹp. Vào năm 2000, quy mô kinh tế Thái Lan gấp hơn 3 lần Việt Nam, nhưng 28 năm sau, dự kiến khoảng cách giữa hai nước sẽ còn chưa đầy 6%. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như trong giai đoạn 2023-2028, nước ta sẽ vượt Thái Lan vào năm 2030.

Trung Quốc đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng toàn cầu

Theo tính toán Bloomberg, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng toàn cầu. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng của Trung Quốc (22,6%) sẽ gấp đôi Mỹ (11,3%). Ấn Độ thậm chí còn vượt Mỹ về đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu (12,9%). 

Trung Quốc đóng góp nhiều gấp đôi Mỹ cho tăng trưởng toàn cầu.

Khoảng 75% tăng trưởng toàn cầu sẽ tập trung ở 20 nền kinh tế và hơn một nửa tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Các nền kinh tế mới nổi đang có vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng toàn cầu.

Mức độ đóng góp của khối BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tăng trưởng toàn cầu sẽ cao hơn G-7 (7 nền cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển). Mức độ đóng góp của Việt Nam vào tăng trưởng của thế giới trong giai đoạn 2023-2028 dự kiến sẽ còn cao hơn cả Anh, Pháp.

Thêm nhiều nước đạt thu nhập cao

Theo định nghĩa của World Bank vào năm 2022, một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người (GNI) từ 13.589 USD/năm trở lên được xếp vào nhóm thu nhập cao. Chênh lệch giữa GNI và GDP của một quốc gia thường không đáng kể.

Do vậy, nếu sử dụng ước tính GDP bình quân đầu người của IMF, vào năm 2022, thế giới có 65 quốc gia đạt tiêu chuẩn thu nhập cao. Tới năm 2028, số lượng quốc gia đạt tiêu chuẩn này sẽ nâng lên thành 80.

Các quốc gia vươn lên mức thu nhập cao trong giai đoạn 2023-2028 thường đến từ châu Á.

Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan hay Mexico đều là những quốc gia có thể đi từ mức thu nhập trung bình cao lên thu nhập cao vào năm 2028 (theo tiêu chuẩn năm 2022 của World Bank).

GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn 2023-2028, tiệm cận tới thu nhập của người dân Nam Phi hoặc Indonesia. 

Lạm phát hạ nhiệt

Sau khi phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ vào năm 2022, IMF dự kiến tốc độ tăng giá cả trên toàn cầu sẽ có xu hướng giảm trong 5 năm tới. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát toàn cầu ở mức 8,7% do cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực từ xung đột Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID.

Lạm phát tại nhiều nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống mức 2% vào năm 2026. 

Tới năm 2028, IMF kỳ vọng tốc độ tăng giá cả trên toàn cầu sẽ chỉ còn 3,5%. Tỷ lệ lạm phát tại nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc ... sẽ giảm gần xuống mức lạm phát mục tiêu là 2%.

IMF kỳ vọng lạm phát Việt Nam sẽ tăng nhanh trong năm nay lên mức 5%, rồi sau đó hạ xuống quanh ngưỡng 4% trong những năm tiếp theo. Những nền kinh tế từng đối mặt với lạm phát hai, ba con số như Argentina, Iran, Zimbabwe ... cũng sẽ dễ thở hơn trong giai đoạn tới, khi đa phần tốc độ tăng giá cả giảm xuống dưới 30%.

Minh Quang