Khối nợ của Mỹ khó bền vững khi tăng cao, NHTW các nước tăng tích trữ vàng đề phòng khủng hoảng
Trong năm tài khóa 2022, chi phí lãi vay ròng của chính phủ Mỹ tăng 35% so với năm trước lên mức kỷ lục gần 476 tỷ USD. Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) dự báo chi phí này trong năm 2023 sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 35% lên 640 tỷ USD. So với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lãi vay ròng sẽ đi từ 1,9% năm tài khóa 2022 lên 2,4% trong năm nay.
CBO cho biết chi phí lãi vay năm 2023 được dự báo tăng mạnh chủ yếu là do mặt bằng lãi suất của các trái phiếu Kho bạc lên cao hơn trước.
Đa phần các chứng khoán do Kho bạc phát hành có lãi suất cố định, tức là không thay đổi theo diễn biến thị trường. Tuy vậy, khi các trái phiếu và tín phiếu đáo hạn, Kho bạc phải phát hành các chứng khoán nợ mới để có tiền thanh toán nợ cũ, và các chứng khoán mới phát hành này sẽ phải chịu lãi suất cao hơn trước.
Ví dụ, lãi suất coupon của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trung bình ở mức 1,3% trong năm 2021, 2,4% trong năm 2022 và CBO dự báo sẽ lên tới 3,8% trong năm 2023.
Năm tài khóa của Mỹ bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau. Chi phí lãi vay ròng được tính bằng cách lấy lãi vay mà chính phủ Mỹ phải trả cho các chủ nợ rồi trừ đi tiền lãi mà chính phủ thu về khi cho vay.
Thành phần lớn nhất của chi phí lãi vay là số tiền lãi mà Bộ Tài chính trả cho các nhà đầu tư đại chúng nắm giữ trái phiếu và tín phiếu Kho bạc. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn trả lãi cho các quỹ đầu tư của chính phủ.
Tuy nhiên, các khoản thanh toán từ một cơ quan tới một cơ quan khác thuộc cùng một chính phủ này sẽ không có tác động gì tới thâm hụt ngân sách hay chi phí lãi vay ròng, vì cơ quan này chi ra bao nhiêu thì cơ quan kia nhận về bấy nhiêu, bù trừ hết cho nhau.
Trong những năm tới, cho dù chính phủ Mỹ giữ nguyên các khoản mục chi tiêu công, tổng chi ngân sách vẫn sẽ tăng lên vì tiền lãi vay cao hơn trước. Nhìn lại lịch sử, chi ngân sách của Mỹ rất ít khi giảm.
Trong năm tài khóa 2022, Mỹ thu ngân sách cao kỷ lục 4.896 tỷ USD nhưng chi ngân sách lên tới 6.272 tỷ USD, tương ứng với mức thâm hụt 1.376 tỷ USD. Liên tục từ năm 2002 đến nay, chính phủ liên bang Mỹ đều chi nhiều hơn thu, tức là phải đi vay để đáp ứng nhu cầu ngân sách tổng cộng hơn 11.800 tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết giá trị chứng khoán nợ liên bang (do các chủ nợ bên ngoài chính phủ nắm giữ, không thuộc về các cơ quan trong chính phủ Mỹ) vào năm 2022 tương đương 97% GDP. Dự báo đến năm 2032, tỷ lệ nợ liên bang/GDP sẽ lên 115% và đến năm 2053 là 195%.
Tỷ lệ chi phí lãi vay ròng/GDP cũng được dự kiến đi từ 1,9% năm 2022 và 2,4% năm 2023 lên 3,6% vào năm 2033.
Giảm mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, tăng mua vàng
Trong những năm qua, chính phủ Mỹ vay được hàng chục nghìn tỷ USD để bù đắp thiếu hụt ngân sách một phần là nhờ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng các số liệu gần đây cho thấy các nhà đầu tư quốc tế không còn quá hứng thú với chứng khoán nợ của Washington.
Cụ thể, giá trị nợ chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ giảm từ đỉnh lịch sử 7.740 tỷ USD vào tháng 12/2021 xuống còn hơn 7.300 tỷ USD vào cuối năm 2022. Việc Mỹ ra đòn trừng phạt mạnh tay với Nga và Belarus vì tấn công quân sự Ukraine vào tháng 2/2022 đã khiến nhiều nước e ngại việc để tiền vào các tài sản do Mỹ kiểm soát.
Khi số người sẵn sàng cho vay giảm đi, bên đi vay sẽ phải mời chào mức lãi suất cao hơn mới mong vay được số tiền như trước. Nói khác đi, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ đi lên, và nguyên nhân không chỉ là chiến dịch thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Fed.
Nếu không cất tiền trong trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nước dùng tiền tiết kiệm để làm gì? Câu trả lời là mua vàng. Khi niềm tin vào tiền giấy không còn, nhà đầu tư sẽ tìm đến những loại tài sản có giá trị nội tại như kim loại quý.
Năm 2022, các ngân hàng trung ương mua ròng kỷ lục 1.136 tấn vàng, trị giá khoảng 70 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2023, xu thế này tiếp tục khi các ngân hàng trung ương mua ròng 125 tấn vàng, mức kỷ lục ít nhất là kể từ 2010.
Fed sẽ cho chính phủ Mỹ vay trực tiếp?
Theo luật của Mỹ hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không được phép trực tiếp cho chính phủ Mỹ vay, tức là không được mua trái phiếu Kho bạc mới được phát hành trên thị trường sơ cấp. Fed chỉ được mua trái phiếu Kho bạc thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ các tổ chức tài chính.
Việc Fed in tiền để mua trái phiếu có tác dụng làm cho cung tiền thêm rồi rào, chính phủ dễ đi vay hơn. Các ngân hàng sau khi cho chính phủ vay có thể bán trái phiếu cho Fed để có tiền cho chính phủ vay tiếp.
Nếu tình hình xấu tới mức hoạt động đi vay của chính phủ Mỹ gặp quá nhiều khó khăn, không loại trừ khả năng Quốc hội Mỹ sẽ thay đổi luật để cho phép Fed cho Washington vay trực tiếp chứ không chỉ là gián tiếp như hiện nay.
Suy cho cùng, Quốc hội là cơ quan phê duyệt cơ cấu thu – chi ngân sách hàng năm, biết rõ chính phủ thâm hụt bao nhiêu và cần đi vay bao nhiêu.
Nếu Fed có thể cho chính phủ vay trực tiếp, chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ hòa vào làm một. Chính sách tài khóa mở rộng (chính phủ tăng chi tiêu) sẽ đồng nghĩa với chính sách tiền tệ nới lỏng (Fed tăng cung tiền).
Vì chi tiêu của chính phủ Mỹ liên tục tăng theo thời gian nên cung tiền cũng sẽ đi lên nhanh chóng, sức mua của đồng tiền sẽ giảm đi. Các chủ nợ sẽ nhận về số tiền đúng như cam kết, nhưng giá trị của những đồng tiền này sẽ thấp hơn nhiều so với trước.
- TIN LIÊN QUAN
-
Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? 23/12/2021 - 13:47
Vậy có cách nào để Mỹ chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách và vay nợ triền miên hay không?
Tháng 7/2011, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói nửa đùa nửa thật rằng: “Tôi có thể kết thúc thâm hụt ngân sách trong vòng 5 phút. Mỹ chỉ cần thông qua một đạo luật nói rằng nếu thâm hụt ngân sách vượt mốc 3% GDP thì tất cả nghị sĩ quốc hội đương chức sẽ không được tái ứng cử”.
Tuy nhiên, sẽ không có chuyện các ông bà nghị sỹ tự nguyện phê chuẩn một đạo luật gây tổn hại cho lợi ích bản thân mình như vậy.