|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mối nguy tiềm tàng từ khối nợ gần 1.000 tỷ USD của người tiêu dùng Mỹ

17:40 | 19/02/2023
Chia sẻ
Khối nợ thẻ tín dụng của người dân Mỹ tăng 18,5% trong năm 2022 lên mức kỷ lục 930,6 tỷ USD. Lạm phát vẫn cao dai dẳng và lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, làm cho gánh nặng trả nợ thêm lớn.

 

Theo số liệu của công ty tài chính tiêu dùng TransUnion được công bố mới đây, dư nợ thẻ tín dụng của người dân Mỹ tại ngày cuối năm 2022 là con số cao kỷ lục 930,6 tỷ USD, tăng 18,5% so với một năm trước đó.

Trung bình mỗi chủ thẻ tín dụng có dư nợ 5.805 USD. Với mức lãi suất thẻ tín dụng tăng lên gần 20%, nếu chủ thẻ chỉ trả khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng thì sẽ cần tới 17 năm mới trả hết số dư nói trên và tổng số tiền lãi phải trả lên đến 8.213 USD, số liệu của Bankrate cho thấy.

Theo TransUnion, tổng số thẻ tín dụng tại ngày cuối năm vừa qua là 518,4 triệu, tức là mỗi người dân Mỹ bất kể già trẻ trai gái đang sở hữu trung bình 1,56 thẻ tín dụng. Lượng thẻ tín dụng mở mới chủ yếu nằm ở nhóm 18 – 25 tuổi. Số chủ thẻ "dưới chuẩn", tức là có điểm tín dụng dưới 600, ngày càng tăng.

Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tính đến cuối quý III/2022 cho thấy các ngân hàng tại Mỹ đang cho vay 935,4 tỷ USD qua thẻ tín dụng. Nếu tính cả thẻ tín dụng lẫn các khoản tín dụng quay vòng khác, dư nợ tại ngày 8/2/2023 là gần 955 tỷ USD.

Khối nợ gần 1.000 tỷ USD này đáng ngại đến đâu?

Xu hướng lịch sử

Kể từ khi có dữ liệu so sánh vào quý I/1991, tỷ lệ chậm trả nợ thẻ tín dụng ghi nhận đáy lịch sử 1,55% vào quý III/2021. Sau đó, tỷ lệ này liên tiếp đi lên và chạm 2,08% vào quý III/2022.

So sánh với dữ liệu quá khứ, tỷ lệ chậm trả nợ trong quý III năm ngoái chỉ tương đương với quý IV/2020 và quý I/2015, đồng thời còn kém xa mức 3 – 5% phổ biến trong các thập niên 1990s và 2000s.

 

Các hộ gia đình Mỹ phải dùng bao nhiêu tiền để trả nợ?

Tỷ lệ nghĩa vụ tài chính trên thu nhập của các hộ gia đình Mỹ chạm đáy 12,57% vào quý I/2021 rồi tăng dần lên mức 14,49% vào quý III/2022. Tỷ lệ này bao gồm tiền thuê nhà, tiền thuê ô tô, bảo hiểm nhà ở, thuế nhà đất, ….

Nếu chỉ tính chi phí trả nợ, bao gồm nợ vay mua nhà và vay tiêu dùng, tỷ lệ là tăng tương ứng từ 8,33% lên 9,75% trong giai đoạn quý I/2021 – quý III/2022.

Gánh nặng trả nợ của các hộ gia đình Mỹ đang lớn dần lên, nhưng khi so sánh với trung bình lịch sử, tỷ lệ hiện nay chỉ tương đương với giai đoạn cuối năm 2019 (ngay trước dịch) và thấp hơn đáng kể so với thập niên 2000 – 2010.

Theo số liệu gần nhất vào quý III/2022, các hộ gia đình Mỹ chi xấp xỉ 4% thu nhập khả dụng để trả nợ vay mua nhà và gần 3,8% để trả nợ vay tiêu dùng. 

Xu hướng đáng ngại

Tỷ lệ chậm trả nợ và nghĩa vụ tài chính/thu nhập khả dụng đang trong xu hướng tăng nhưng chưa cao so với lịch sử. Tuy vậy, khối nợ gần 1.000 tỷ USD của người tiêu dùng Mỹ cũng đang tiềm ẩn những nguy cưo.

Dư nợ vay qua thẻ tín dụng của người dân Mỹ lên đỉnh đúng lúc lãi suất nhảy vọt, từ 14,5% mỗi năm vào tháng 11/2021 lên kỷ lục 19,1%/năm vào tháng 11/2022. Lãi suất thời gian gần đây cao gấp 1,6 lần mức đáy năm 2014.

Một trong những nguyên nhân chính của việc chi phí đi vay lên cao là chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất quỹ liên bang – công cụ điều hành chính sách chủ yếu của Fed – đã đi từ gần 0% vào tháng 3/2022 lên trên 4,5% vào đầu tháng 2/2023.

 

Lạm phát cao dai dẳng có khả năng khiến cho vấn đề nợ thẻ tín dụng thêm trầm trọng vì hai lý do.

Thứ nhất, giá cả tăng nhanh làm chi tiêu của người dân thêm cao, đồng nghĩa nhu cầu vay nợ qua thẻ tín dụng lại càng lớn.

Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng lần lượt 6,4% và 6% so với cùng kỳ 2022, đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế và lớn hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% của Fed.

Thứ hai, Fed sẽ chịu thêm áp lực nâng lãi suất quỹ liên bang để kiềm chế lạm phát, khiến cho lãi suất thẻ tín dụng lên cao hơn.

 

Từ cuối năm 2022, một số nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã nhen nhóm hy vọng về việc lạm phát giảm tốc sẽ tạo điều kiện để Fed sớm dừng tăng lãi suất và dần dần tiến tới cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, phát biểu của giới chức ngân hàng trung ương Mỹ và các số liệu kinh tế mới được công bố liên tục dội những gáo nước lạnh vào hy vọng này.

Sau cuộc họp chính sách ngày 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đã đi xuống trong những tháng qua nhưng Fed vẫn cần nâng lãi suất thêm “đôi lần” nữa.

Số việc làm tạo mới cao đột biến và doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh trong tháng 1 cho thấy nền kinh tế vẫn vận hành trơn tru và có khả năng chống chịu thêm các đợt nâng lãi suất, các quan chức Fed không có lý do để “chùn tay”.

Tin tốt với nền kinh tế lại là tin xấu với những nhà đầu tư đang mong chu kỳ thắt chặt tiền tệ sớm chấm dứt. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm ba tuần liên tiếp, S&P 500 mất điểm hai tuần liên tục.

Bà Michele Raneri, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu và tư vấn tại TransUnion, nói: “Cả lạm phát cao và các đợt nâng lãi suất của Fed đều đang tiếp tục tác động tới người tiêu dùng theo nhiều cách lớn nhỏ khác nhau, cho dù là khi sắm một chiếc ô tô mới hay là khi mua vài quả trứng trong siêu thị”.

Mới đây nhất hôm 17/2, bà Michelle Bowman, một trong 7 thành viên của Hội đồng thống đốc Fed, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn một chặng đường dài cần đi trước khi chạm đến mức lạm phát mục tiêu 2%.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc).

Các ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America từng dự báo Fed sẽ chỉ nâng lãi suất ba lần trong năm 2023 nhưng hiện đã điều chỉnh dự báo thành 4 lần. Fed đã nâng lãi suất một lần vào cuộc họp 31/1 – 1/2, tức là vẫn còn ba lần tăng nữa, theo dự báo của một số ngân hàng Phố Wall.

“Sau thông tin về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lạm phát cao hơn dự kiến, chúng tôi thêm một lần nâng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) vào tháng 6 trong dự báo chính sách của Fed. Lãi suất quỹ liên bang sẽ lập đỉnh ở khoảng 5,25 – 5,5%”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong bài phân tích ngày 16/2.

Theo kết quả của cuộc khảo sát do SecureSave thực hiện vào tháng 11/2022, chỉ khoảng 1/3 số người Mỹ được hỏi có thể dễ dàng thanh toán khoản chi phí khẩn cấp 400 USD mà không cần phải dùng đến thẻ tín dụng hoặc đi vay nợ, cho thấy sức khỏe tài chính của người Mỹ hiện nay không thực sự khả quan.

Chuyên gia tài chính cá nhân Suze Orman dự báo tỷ lệ chậm trả nợ thẻ tín dụng sẽ “tăng bung nóc” trong năm 2023 khi những người Mỹ vay nợ nhiều trong những tháng gần đây lâm vào cảnh điêu đứng vì lãi suất lên cao và mất khả năng thanh toán khoản tiền đến hạn tối thiểu.

Đức Quyền - Song Ngọc

Mua cổ phiếu nào để 'đón sóng' nâng hạng thị trường chứng khoán?
Hàng tỷ USD kỳ vọng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng thành công, qua đó cân bằng với dòng vốn trong nước. Đâu là những nhóm cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ xu hướng này?