|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

9 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở nên giàu có trong 4 thập kỷ qua

08:29 | 02/04/2023
Chia sẻ
Trong hơn 40 năm qua, chỉ có 9 nền kinh tế đi từ mức thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Trong khi đó, 11 nền kinh tế tụt từ mức thu nhập trung bình xuống thấp, và 8 nền kinh tế đi từ thu nhập cao xuống thấp.

Theo Economist, hơn nửa thế kỷ qua, nhiều nền kinh tế đầy hứa hẹn đã không thể trở nên giàu có, mà mãi dậm chân tại chỗ

Vào năm 2008, trong báo cáo "Trung Quốc 2030", World Bank đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “bẫy thu nhập trung bình” - hiện tượng mô tả việc nền kinh tế bị kẹt lại ở mức thu nhập trung bình, và dậm chân tại chỗ, không thể tăng trưởng thêm.

“Trong 101 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước đạt thu nhập cao vào năm 2008”. Theo định nghĩa chính thức của World Bank, một quốc gia có mức thu nhập cao khi GDP đầu người vượt qua ngưỡng 13.200 USD. Nếu dựa theo tiêu chuẩn này, Trung Quốc có thể sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong từ một tới hai năm nữa.

Tuy nhiên, trong báo cáo vào năm 2008, World Bank sử dụng một định nghĩa khắt khe hơn: quốc gia thu nhập trung bình là nước có GDP đầu người, theo ngang giá sức mua (GDP PPP) từ khoảng 5% cho tới 43% GDP đầu người PPP của Mỹ”.

Xét theo định nghĩa này và sử dụng dữ liệu từ IMF (bao gồm 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, không kể Mỹ), thì trên thế giới có 76 nền kinh tế thu nhập trung bình vào năm 1980. Đến năm 2022, thế giới còn 71 nền kinh tế thu nhập trung bình. 

Nhiều nền kinh tế đã rơi vào cảnh nghèo trong hơn 40 năm qua.

World Bank đã dựa vào dữ liệu GDP được nhà kinh tế Angus Maddison cùng đồng nghiệp và những người kế nhiệm tổng hợp. World Bank đã sử dụng hàm logarit tự nhiên để biểu thị vị trí trên trục tung và trục hoành với công thức: x (hoặc y) = ln( (GDP PPP quốc gia X/GDP PPP Mỹ)*100. 

Để đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu, biểu đồ dưới đây sử dụng số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 1980 đến năm 2022. Trong giai đoạn 1980 - 2022, có tổng cộng trong 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 56 nước bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Từ năm 1980 đến 2022, có 56 quốc gia kẹt lại trong bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam đi từ thu nhập thấp năm 1980 lên trung bình vào năm 2022, Thụy Sỹ duy trì ở nhóm thu nhập cao trong cả giai đoạn 1980 - 2022.

Số nền kinh tế nghèo đi nhiều hơn số giàu lên

Trong giai đoạn 1980-2022, chỉ có 9 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bao gồm: đảo Đài Loan, Hàn Quốc, Guyana, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Seychelle, Panama và Malaysia. Đảo Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia là những nền kinh tế năng động, từng có tốc độ tăng trưởng nhanh hoặc giàu có về tài nguyên.

Trong khi đó, có tới 11 nền kinh tế rớt từ thu nhập trung bình xuống thu nhập thấp: Comoros, Haiti, Vanuatu, Gambia, Togo, Solomon, Kiribati, Sierra Leone, Madagascar, Niger và Cộng hòa Dân Chủ Congo.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc trong 42 năm qua là 5,6%, so với 4,7% của Ai Cập và Thái Lan, cũng như chỉ 2,3% của Brazil.

Trái lại, cũng có một số nền kinh tế đi lên từ thu nhập thấp, tiêu biểu như Trung Quốc, Việt Nam hay Ấn Độ. Trung Quốc hiện đang là quốc gia có nhiều cơ hội chạm đến mức thu nhập cao dễ dàng nhất. 

Có 8 nền kinh tế tụt khỏi mức thu nhập cao, tiêu biểu như Argentina, Libya, Mexico, Iran hay Venezuela. Một số là nạn nhân của các lệnh trừng phạt (Iran, Venezuela). Số khác lại là nạn nhân của bất ổn chính trị hoặc xung đột (Argentina, Libya).

Vị trí có lẽ kém may mắn hơn cả là những nước rơi vào "bẫy thu nhập thấp". Từ năm 1980 đến 2022, có 13 quốc gia kẹt lại ở mức thu nhập thấp, không thể tiến lên thu nhập trung bình. Nạn nhân của hiện tượng này đều năm tại châu Phi, và thường vướng phải xung đột, bạo lực triền miên.

Từ 1980 đến 2022, có 37 nền kinh tế duy trì vững mức thu nhập cao, trong đó, có 8 đại diện đến từ châu Á, 22 đại diện từ châu Âu, 4 từ châu Mỹ và 2 đến từ châu Đại dương.

Minh Quang