Nợ công Việt Nam tương đương 40% GDP, các nước khác ở mức nào?
Nợ công bao nhiêu là cao?
Nợ công là một chủ đề thường được đem ra bàn luận. Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ liên tục cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ. Khối nợ của Mỹ hiện đã vượt 31.000 tỷ USD, hay hơn 120% GDP vào quý III/2022.
Quan điểm thông thường cho rằng nợ công cao là xấu, và các nền kinh tế mắc nợ càng nhiều lại càng dễ gặp rắc rối. Tuy nhiên, trên thực tế, những nền kinh tế mạnh nhất thế giới cũng là những quốc gia đang có khối nợ công khổng lồ.
Việc chỉ nhìn vào con số tuyệt đối của nợ công sẽ không thể cho chúng ta thấy rõ được bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của một quốc gia. Nền kinh tế càng lớn, chính phủ càng cần chi tiêu nhiều, và kết quả là, nợ công sẽ tăng theo.
Tất nhiên, nền kinh tế càng lớn mạnh sẽ càng tạo ra càng nhiều sản phẩm, dịch vụ (tiền), và doanh thu của chính phủ cũng sẽ tăng tương ứng. Do vậy, chỉ số thường dùng để đo lường nợ công là tỷ số giữa nợ công và GDP.
Theo IMF, nợ công của Việt Nam vào năm 2022 tương đương với 40,2% GDP. Tỷ lệ nợ công của nước ta nằm trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng ít hơn những nền kinh tế có quy mô tương tự như Philippines, Nam Phi, Malaysia, Singapore hay Bangladesh.
Nhìn vào bản đồ trên, có thể thấy rất nhiều nước có nợ công cao cũng là những nền kinh phát triển hàng đầu thế giới. Trong danh sách 10 nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới, khoảng một nửa là những quốc gia có thu nhập cao.
Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là Nhật Bản có nợ công lên tới 263,9% GDP vào năm 2022, cao nhất thế giới. Dù có mức nợ công cao đến như vậy, các cơ quan đánh giá tín dụng vẫn xếp hạng tín nhiệm kinh tế Nhật Bản vào hạng A.
Nợ công/GDP của Việt Nam năm 2022 là 40,2 %, tuy nhiên, những tổ chức uy tín như S&P, Moody's, Fitch xếp hạng tín nhiệm nước ta vào nhóm BBB+, Ba2 hay BB.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Sudan - quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao thứ hai lại là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới và thậm chí không có xếp hạng tín dụng.
Nửa còn lại trong danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất là những nước có thu nhập trung bình thấp trở xuống, trong đó Eritrea và Sudan là hai nước đặc biệt nghèo đói, gần đây từng trải qua giai đoạn xung đột, bạo lực.
Như vậy, con số tuyệt đối về nợ công, hoặc tỷ lệ nợ công/GDP không thể cho ta thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của mỗi quốc gia.
Theo IMF, nợ công của một quốc gia được cho là bền vững nếu chính phủ có thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ trong tương lai, không cần đến sự trợ giúp tài chính đặc biệt hoặc rơi vào cảnh vỡ nợ.
Theo định nghĩa của IMF, miễn là chính phủ có thể chi trả, nợ công sẽ là bền vững. Một khoản nợ cũng có nhiều yếu tố: lãi suất, thời gian trả nợ, điều khoản trả nợ.
Một quốc gia có thể vay nợ rất nhiều, nhưng nếu khoản vay này có lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và đồng tiền trả nợ bằng nội tệ, thì khả năng vỡ nợ của nước này có thể vẫn sẽ thấp.
Nợ chính phủ khác gì nợ cá nhân, nợ doanh nghiệp?
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), việc chính phủ vay nợ khác với việc vay nợ của cá nhân hay doanh nghiệp. Chính phủ có nhiều cách để kiếm tiền trả nợ, chẳng hạn như nâng thuế hoặc in thêm tiền.
Vay nợ là cách để chính phủ có tiền chi tiêu cho các dịch vụ công và dự án đầu tư hạ tầng, thay vì phải nâng thuế. Việc nâng thuế là một chính sách khó khăn về mặt chính trị, bởi quyết định này sẽ khiến người dân có ít tiền hơn cũng như đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Cách phổ biến nhất để chính phủ huy động tiền là thông qua phát hành trái phiếu. Ngoài ra, chính phủ còn có thể vay trực tiếp từ quốc gia khác, hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nguy cơ từ nợ công
Ông Marcello Estevão, Giám đốc toàn cầu về Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư tại World Bank, cảnh báo: "Trong 12 tháng tới, có hàng chục nền kinh tế đang phát triển có thể không trả được nợ".
Ngay cả ở các quốc gia giàu có, mức nợ chính phủ hiện tại có thể sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai, những người sẽ chịu mức thuế suất cao để trả lại số tiền đã vay vào ngày hôm nay.
Việc trả nợ sẽ dễ dàng hơn với nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, gánh nặng trả lãi kiến chính phủ phải cắt giảm nguồn tiền đầu tư vào các dự án giúp tạo ra sự tăng trưởng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những thủ thuật kế toán và lỗ hổng pháp lý cho phép Mỹ lách trần nợ công, không lo hết tiền 17/01/2023 - 16:59
Chính phủ có những cách gì để trả nợ?
Thao túng lãi suất
Theo Investopedia, duy trì lãi suất ở mức thấp là một cách để chính phủ kích thích kinh tế, tạo ra doanh thu thuế và giảm nợ công. Lãi suất thấp giúp cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng vay tiền hơn, từ đó chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ, giúp tạo ra việc làm và doanh thu từ thuế.
Các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản nổi tiếng với việc giữ lãi suất ở mức rất thấp, hoặc thậm chí gần bằng 0 nhằm kích thích nền kinh tế. Trong trường hợp của Nhật Bản, chính sách lãi suất thấp là một trong những lý do khiến nước này không bị vỡ nợ, dù tỷ lệ nợ công/GDP lên tới 264%.
Cắt giảm chi tiêu
Canada từng phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách gần hai con số vào những năm 1990. Bằng cách cắt giảm sâu ngân sách, quốc gia này đã giảm thâm hụt xuống 0% trong ba năm, và cắt giảm 1/3 nợ công trong 5 năm. Canada đã hoàn tất những thành tựu trên mà không phải tăng thuế.
Thụy Điển cũng đã thành công trong việc thoát khỏi cảnh vỡ nợ. Vào năm 1994, khủng hoảng tài chính đã đẩy quốc gia này đến bờ vực phá sản. Tuy nhiên, nhờ việc cắt giảm chi tiêu và nâng thuế, ngân sách quốc gia này đã cân bằng vào cuối thiên niên kỷ.
Nợ công của Mỹ cũng từng được giảm dưới thời Tổng thống Harry Truman và Dwight D. Eisenhower nhờ vào chiến lược tương tự: cắt giảm chi tiêu, nâng thuế suất.
Tăng thuế
Chính phủ thường tăng thuế để chi trả cho các khoản chi tiêu, bao gồm cả thanh toán nợ. Tuy nhiên, theo Investopedia, với tốc độ tăng trưởng nợ cao như hiện nay tại nhiều quốc gia, việc nâng thuế có thể không hiệu quả bằng cắt giảm chi tiêu. Đồng thời, tăng thuế là một giải pháp không được ủng hộ về mặt chính trị.