|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Năm 2022, 5 đại gia dầu mỏ phương Tây báo lãi gần 200 tỷ USD, cao hơn GDP của nhiều quốc gia

21:05 | 08/02/2023
Chia sẻ
Năm 2022, 5 công ty dầu mỏ lớn nhất của phương Tây báo cáo tổng lợi nhuận gần 200 tỷ USD. Giới lập pháp tại nhiều nước đã kêu gọi chính phủ mạnh tay áp thêm thuế đối với lợi nhuận cao bất thường của những ông lớn này.

 

Một dự án của Exxon Mobil tại Texas. (Ảnh: Reuters).

Hôm 8/2, gã khổng lồ năng lượng TotalEnergies của Pháp vừa báo cáo lợi nhuận cả năm 2022 là 36,2 tỷ USD - tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đà tăng này là nhờ vào việc giá nhiên liệu hoá thạch nhảy vọt sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Trước TotalEnergies, các ông lớn Exxon Mobil, Chevron, BP và Shell cũng ghi nhận mức tăng mạnh về lợi nhuận. Trong đó, Exxon và BP lần lượt báo cáo lợi nhuận năm 2022 đạt 56 tỷ USD và 27,7 tỷ USD. Riêng lợi nhuận của Exxon là mức cao nhất từ trước đến nay của ngành dầu mỏ phương Tây.

Tính chung, tổng lợi nhuận của 5 công ty dầu mỏ lớn nhất phương Tây rơi vào khoảng 196,3 tỷ USD. Con số này rõ ràng cao hơn sản lượng kinh tế của khá nhiều quốc gia, tờ CNBC lưu ý.

Ngập trong tiền mặt, những đại gia năng lượng này đã sử dụng lợi nhuận cao ngất ngưởng để thưởng cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức cao hơn và các thoả thuận mua lại cổ phần.

Hôm 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhận định: “Bạn có thể nhận thấy rằng các công ty dầu mỏ lớn vừa báo cáo lợi nhuận kỷ lục. Năm ngoái, họ kiếm được gần 200 tỷ USD giữa lúc thế giới phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Thật đáng trách”.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng các doanh nghiệp dầu mỏ của Mỹ đầu tư “quá ít lợi nhuận” để giúp nâng cao sản lượng trong nước và hỗ trợ chính phủ hạ giá nhiên liệu cho người tiêu dùng.

“Thay vào đó, họ sử dụng khoản lợi nhuận cao kỷ lục để mua lại cổ phiếu của chính mình, thưởng lớn cho các CEO và cổ đông”, vị tổng thống nhấn mạnh trước truyền thông.

Ông Biden đề xuất tăng gấp 4 lần thuế đối với việc doanh nghiệp dầu mỏ mua lại cổ phiếu nhằm khuyến khích họ đầu tư vào các dự án dài hạn. Ông khẳng định các công ty này vẫn sẽ kiếm được lợi nhuận “đáng kể”.

Trong một tuyên bố, bà Agnès Callamard, Tổng thư ký của tổ chức nhân quyền Amnesty International, mô tả khoản lợi nhuận khổng lồ của 5 ông lớn ngành dầu mỏ là điều “không thể biện minh được” và là “một thảm hoạ không thể cứu vãn”.

“Chính phủ nên đánh thuế triệt để hàng tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ này để có nguồn ngân sách mà xoa dịu chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, cũng như bảo vệ nhân quyền của người dân trước nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu”, bà bày tỏ.

Giám đốc của các đại gia dầu mỏ đã tìm cách bảo vệ khoản lợi nhuận ngày càng phình to của mình sau khi nhận một loạt chỉ trích từ các nhà vận động môi trường và chính phủ.

Điển hình, họ cho rằng an ninh năng lượng là yếu tố quan trọng để chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Đồng thời, các giám đốc này còn lập luận rằng việc đánh thuế cao hơn có thể cản trở hoạt động đầu tư mới.

“Suy cho cùng, áp thuế hay không là quyền quyết định của chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tham gia và cung cấp góc nhìn của mình, để chính phủ thấy rõ thực tế là chúng tôi cần đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng...”, CEO Wael Sawan của Shell cho hay.

Bình luận của ông Sawan được đưa ra ngay sau khi Shell báo cáo lợi nhuận năm 2022 là gần 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và dĩ nhiên dễ dàng vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2008 là 28,4 tỷ USD.

“Thuế đánh vào lợi nhuận cao bất thường (windfall profit tax) chỉ làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp... và vì vậy, tôi e ngại về một số động thái mà chính phủ đang cân nhắc”, ông Sawan nói. Vị CEO cho rằng các nước cần có một hướng tiếp cận khác nhằm thu hút vốn đầu tư vào các dự án mới.

Trước đó, CEO của Saudi Aramco, công ty năng lượng lớn nhất thế giới, từng cảnh báo về rủi ro mà các nước phải đối mặt khi cố gắng gây áp lực cho các công ty dầu mỏ thông qua việc doạ áp thuế cao hơn.

Tháng trước, CNBC đã hỏi CEO Amin Nasser của Saudi Aramco rằng liệu việc đánh thuế lợi nhuận cao bất thường có phải ý tưởng tồi.

Ông Nasser trả lời: “Tôi nghĩ rằng đề xuất đánh thuế sẽ không ích lợi gì. Doanh nghiệp cần đầu tư, cần phát triển kinh doanh vào các dạng năng lượng truyền thống và thay thế. Họ cần được giúp đỡ [thay vì gây áp lực”.

Theo vị CEO, quá trình chuyển đổi sang các năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn đầu tư đáng kể và điều này có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu các công ty dầu mỏ bị đánh thuế cao hơn.

Cựu CEO của BP là ông John Browne cho biết chính phủ có quyền đánh thuế vào lợi nhuận cao kỷ lục của các ông lớn dầu mỏ, với điều kiện các mức thuế được thiết kế hợp lý. Ông nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc kỹ trước khi áp thuế.

Khả Nhân