Khối tài sản gần 500 tỷ USD của ông vua dầu mỏ Rockefeller đã biến đi đâu?
John D. Rockefeller (1839-1937) là một trong những người Mỹ giàu có nhất lịch sử. Ông là tỷ phú USD đầu tiên của thế giới.
Ông Rockefeller theo học ngành kế toán khi còn trẻ, và nhanh chóng mở một công ty chuyên buôn bán ngũ cốc, rau quả, thực phẩm và thức ăn gia súc. Đến năm 1863, khi đã tích lũy đủ vốn liếng, ông bước chân vào ngành dầu khí. Năm 1870, ông Rockefeller và một số cộng sự, bao gồm nhà tài chính người Mỹ Henry M. Flagler, đã thành lập Standard Oil.
Bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp, nhà máy lọc dầu khác, Standard Oil đã nhanh chóng phát triển, mở rộng. Và công ty đã dùng quyền lực của mình để đàm phán với các doanh nghiệp đường sắt nhằm có được thỏa thuận vận chuyển tốt nhất.
Khác với các đối thủ, Standard Oil tin rằng chìa khóa thành công là hạn chế lãng phí và tạo ra sản phẩm tốt nhất, ở mức giá thấp nhất. Công ty tìm cách sử dụng hết tất cả các phụ phẩm từ quá trình chưng cất dầu hỏa (kerosene) như xăng, nhựa đường, naphtha, dầu nhớt, paraffin … Các nhà máy lọc dầu khác thường đổ thẳng những phụ phẩm này xuống sông, gây lãng phí và ô nhiễm.
Vào năm 1880, công ty Standard Oil của vị tỷ phú này từng kiểm soát 90% sản lượng dầu tại Mỹ. Sau khi bị giải thể theo đạo luật chống độc quyền của Mỹ, những công ty con của Standard Oil sau này đều trở thành các tập đoàn năng lượng lớn, như Chevron, ExxonMobil, BP …
Money.com trích dẫn cáo phó trên New York Times cho biết, vào năm 1918, giá trị tài sản ròng của doanh nhân này đạt 1,5 tỷ USD, tương đương với gần 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ dựa theo ước tính của Đại học Cambridge.
Nếu Rockefeller đang sống vào năm 2021 thì khối tài sản gần 2% GDP nước Mỹ của ông sẽ có trị giá khoảng 489 tỷ USD. Số tiền này gần bằng tổng tài sản của ông Elon Musk, CEO của Tesla; ông Bernard Arnault, chủ sở hữu thương hiệu Louis Vuitton và ông Gautam Adani, người giàu nhất châu Á, cộng lại.
Vào tháng 11/2021, tỷ phú Elon Musk có tài sản ròng là 340 tỷ USD, tương đương gần 1,4% GDP nước Mỹ năm 2021. Như vậy, ngay cả vào lúc giàu có nhất, tài sản ròng của CEO Tesla cũng không thể nào so sánh với ông vua dầu mỏ Rockefeller.
Nếu điều chỉnh theo lạm phát, 1,5 tỷ USD vào năm 1918 của ông Rockefeller sẽ tương đương với 29 tỷ USD ngày nay. Thế nhưng, theo Forbes, tài sản của gia đình Rockefeller vào năm 2020 chỉ đạt 8,4 tỷ USD, đứng thứ 43 tại nước Mỹ.
Và trong danh sách hơn 2.500 tỷ phú của Forbes hiện nay, không hề có bất cứ thành viên nào họ Rockefeller. Ông David Rockefeller, cháu của ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller, và là vị tỷ phú cuối cùng được công nhận của gia tộc này, đã mất vào năm 2017.
Điều tương tự xảy đến với đa số các gia đình, doanh nhân giàu có nhất trong lịch sử. Tài sản của nhà công nghiệp Andrew Carnegie, gia tộc Medici hay Rothschild đều đã sụt giảm (khi điều chỉnh theo lạm phát hoặc tỷ trọng GDP). Vậy, số tài sản này đã đi đâu?
Chia đều cho con cháu?
Câu trả lời đơn giản nhất là số tài sản khổng lồ của những vị tỷ phú giàu có như ông Rockefeller đã bị chia cho con cháu trong nhiều thế hệ, nhỏ tới mức gần như không còn đáng kể.
Trung bình, các tỷ phú hiện nay thường sẽ có 2,3 người con. Ông Rockefeller có 5 người con, khiến khối tài sản khổng lồ sẽ bị chia nhỏ nhanh chóng.
Tuy nhiên, 2 trong số 5 người con đã mất trước cả khi ông Rockefeller từ trần. Số tài sản gần 500 tỷ USD trên sẽ giúp 3 người con còn lại của vị tỷ phú này lọt vào top 10 người giàu có nhất hành tinh của Forbes.
Ngày nay, có khoảng hơn 70 người kế thừa trực tiếp (con, cháu, chắt …) của tỷ phú Rockefeller. Và đế chế kinh doanh này mới chỉ hơn 100 năm tuổi. Những gia tộc giàu có, chẳng hạn như nhà Medici hay Rothschild, hiện nay có tới hàng nghìn người kế thừa trực tiếp.
Tuy vậy, số lượng người thừa kế không thực sự là vấn đề đối với tài sản của một gia tộc. Người sẽ đẻ ra người, nhưng tiền đẻ ra tiền với tốc độ còn nhanh hơn. Người giàu có thường chuyển quyền thừa kế cho con cái dưới dạng quỹ tín thác gia đình. Những quỹ tín thác này sẽ đầu tư vào một loạt tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản ...
Vào năm 1937, tổng tài sản của ông Rockefeller là vào khoảng 1,4 tỷ USD. Trong 100 năm qua, tỷ suất lợi nhuận bình quân của chỉ số S&P 500 là 10,365%/năm. Nếu đem toàn bộ tài sản nhà Rockefeller đi đầu tư chứng khoán vào năm 1937, và lợi nhuận được tái đầu tư, thì gia đình này sẽ có khoảng 6.000 tỷ USD vào năm 2022.
Ngay cả khi chia đều cho khoảng 70 hậu duệ, mỗi thành viên nhà Rockefeller cũng sẽ nằm trong danh sách 10 người giàu có nhất thế giới của Forbes, với tài sản khoảng 86 tỷ USD.
Theo cách ước tính này, những gia tộc lâu đời, chẳng hạn như nhà Medici hay Rothschild, thậm chí sẽ có gia tài còn khổng lồ hơn, do tài sản có thêm hàng trăm năm để tích lũy, sinh sôi. Thế nhưng, chẳng có thành viên nào của nhà Medici hay Rothschild nằm trong danh sách 10 người giàu có nhất thế giới của Forbes.
Tài sản thực sự đã đi đâu?
Cho đi
Rockefeller đã đem một lượng lớn tài sản đi làm từ thiện khi đã còn sống, cũng như sau khi mất. Những khoản tiền này đã được dùng để xây dựng trường học, bảo tàng, công viên quốc gia …
Theo Forbes, con cháu của ông cũng tiếp tục cho đi gần một nửa tài sản của mình. Tổng cộng, tỷ phú Rockefeller và các con đã chi khoảng 1 tỷ USD cho hoạt động từ thiện. Cháu của ông, David Rockefeller, tỷ phú già nhất thế giới (101 tuổi khi mất), cũng quyết định cho đi phần lớn tài sản của mình. Làm từ thiện đồng nghĩa với việc tiền không được tái đầu tư.
Bị đánh thuế
Thuế bất động sản, thuế trên thặng dư vốn, hay những vụ dàn xếp ly hôn đã làm tài sản của các gia đình giàu có ngày càng phân tán. Mức thuế thừa kế tùy theo quốc gia, và có thể lên tới hàng chục phần trăm.
Theo Investopia, tại Mỹ, mức thuế liên bang đối với bất động sản thừa kế giao động trong khoảng từ 18% đến 40%, áp dụng với tài sản trị giá trên 12,06 triệu USD. Trong khi đó, ở một số bang của Mỹ, mức thuế thừa kế có thể lên đến 18%.
Bị giấu đi
Do nhiều lý do, các gia đình giàu có thường không muốn khoe khoang về tài sản của mình với tạp chí Forbes. Tiền tài của các gia tộc thường được đa dạng hóa, cũng như phân tán giữa nhiều văn phòng gia đình, hàng nghìn quỹ tín thác …
Rất khó để xác định xem ai đang kiểm soát tài sản nào, trừ khi những người trong gia tộc lên tiếng xác nhận.
Trên thực tế, những người giàu có như tỷ phú Elon Musk hay Jeff Bezos cũng không thường xuyên khoe khoang, kể chi tiết về những khoản tài sản của mình. Tuy vậy, khối tài sản của những vị tỷ phú này có thể được xác định một cách dễ dàng, bởi phần lớn chúng nằm trong các công ty đại chúng, và một loạt dự án kinh doanh, bất động sản nổi tiếng.
Những người như David Rockefeller (cháu của tỷ phú John D. Rockefeller) hay David Rothschild (hậu duệ trẻ nhất của nhà Rothschild), không hề tiết lộ danh sách những công ty mà họ đã đầu tư, hay bất động sản đang sở hữu.
Kỳ vọng sai lầm về đầu tư
Trong lịch sử, đầu tư chưa từng tạo ra mức lợi nhuận cao như trong 150 năm qua. Nhà Medici trở nên giàu có vào thế kỷ 15 - 16, là giai đoạn bắt đầu thời kỳ Phục Hưng, khi khoa học và nghệ thuật phát triển mạnh mẽ tại châu Âu.
Tuy vậy, nền kinh tế của khu vực này vẫn không thực sự phát triển đáng kể. Ngay cả với những ước tính hào phóng nhất, người dân châu Âu gần như không giàu lên quá nhiều từ thời Trung Cổ cho đến đầu Cách mạng Công nghiệp.
Những ý tưởng như đổi mới kỹ thuật, đầu tư từng không được quan tâm. Bởi vậy, logic của con người vào thế kỷ 21 cho rằng dùng tiền để kiếm nhiều tiền hơn có thể sẽ không đúng trong thế kỷ 15 hoặc thế kỷ 18 khi nhà Medici hay Rothschild đang cực thịnh.
Hay nói cách khác, trong đa số lịch sử loài người, con người sinh đẻ với tốc độ nhanh hơn là tài sản tự tăng lên. Và rất có thể, con người sẽ quay trở lại thời kỳ tăng trưởng đình trệ. Tài nguyên trên thế giới là hữu hạn, và đến một thời điểm nào đó, có thể các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng không thể tạo ra đủ động lực cho sự tăng trưởng.
Hiện nay, có những doanh nghiệp chuyên quản lý tài sản cho các gia đình giàu có. Những công ty này sẽ viết di chúc, và đề xuất các chiến lược đầu tư để duy trì mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn cũng như giáo dục con cái để quản lý tài sản một cách hiệu quả nhất.
Tuy vậy, việc sử dụng các doanh nghiệp quản lý tài sản thừa kế, các quỹ tín thác cũng đang dần trở nên kém phổ biến. Ngày càng có nhiều tỷ phú hứa sẽ đóng góp ít nhất một nửa tài sản cho hoạt động từ thiện sau khi qua đời.
Nhà đầu tư huyền thoại 92 tuổi Warren Buffett đã quyên góp gần 50 tỷ USD cho từ thiện. Hiện ông vẫn là người giàu thứ 6 thế giới với tài sản ròng 108 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ chỉ để lại một số tiền nhỏ cho con cháu, hầu hết tài sản của ông sau khi chết sẽ được dùng cho từ thiện. Tương tự, khối tài sản hàng trăm tỷ USD của Elon Musk, Jeff Bezos có thể cũng sẽ nhỏ đi đáng kể khi đến tay con cháu.
Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023
Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.