'Thung lũng Silicon' của Trung Quốc vượt New York, lọt top ba thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới
Từng là một thị trấn nông nghiệp nhỏ, Thâm Quyến đã trải qua một quá trình chuyển đổi lớn trong vài thập kỷ để trở thành một trong những thành phố thịnh vượng nhất ở Trung Quốc. Thâm Quyến còn là nơi có nhiều tỷ phú sinh sống nhất, chỉ sau hai siêu đô thị khác của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi có lần lượt 144 và 121 tỷ phú, theo Business Insider.
Thâm Quyến vượt New York trên bảng xếp hạng "thành phố tỷ phú"
Tạp chí Forbes đã xếp hạng Thành phố New York, trung tâm tài chính của Mỹ, là nơi có nhiều tỷ phú cư trú nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đó là một thống kê gây nhiều tranh cãi.
Theo Hurun Global Rich List - bảng xếp hạng thường niên của công ty tư nhân Trung Quốc Hurun, Thâm Quyến đã vượt New York để trở thành điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu. Danh sách cho biết có 110 tỷ phú sống ở New York tính đến ngày 14/1, ít hơn so với 113 người sống tại Thâm Quyến.
Thâm Quyến có diện tích khoảng 2.000 km2, chỉ nhỏ hơn một chút so với New York, theo một báo cáo của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, hay HKTDC. Thâm Quyến là thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc với khoảng 17,5 triệu cư dân, đồng nghĩa đây là một trong 7 siêu đô thị của quốc gia này. Liên Hợp Quốc định nghĩa siêu đô thị là những thành phố có trên 10 triệu dân. Trước khi thành phố được phát triển vào những năm 1980, Thâm Quyến từng có ít hơn 30.000 cư dân sinh sống, chủ yếu là ở các ngôi làng, theo Guardian.
Sarah Tong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, mô tả dân số của Thâm Quyến là "trẻ và năng động". “Chính phủ muốn giảm bớt vấn đề thiếu hụt nhân tài thông qua các chương trình tài năng, thu hút các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc thành lập cơ sở tại thành phố và thành lập một trường đại học của riêng mình”, Tong nói với Insider.
Nằm trên bờ biển phía đông của Trung Quốc, cảng của Thâm Quyến cũng là một trong những cảng biển lớn nhất đất nước và đông đúc thứ ba thế giới. Cầu Vịnh Thâm Quyến, hoàn thành xây dựng vào tháng 7/2007, đã nối Trung Quốc với Hong Kong qua Thâm Quyến.
Trên thực tế, Thâm Quyến có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong số tất cả thành phố ở Greater Bay Area, thu về 475,3 tỷ USD vào năm 2021, theo HKTDC. Thâm Quyến có nền kinh tế lớn hơn các quốc gia như Na Uy, Ireland và UAE.
GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến đã tăng qua từng năm kể từ năm 2009, dữ liệu do CEIC có trụ sở tại Hong Kong tổng hợp. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến là 29.498 USD. Để so sánh, Bắc Kinh có GDP bình quân đầu người là 23.808 USD và Thượng Hải đạt 22.779 USD vào năm 2019, theo China Daily.
Tencent, ví dụ cho sự thành công của "thung lũng Silicon Trung Quốc"
Một số người giàu nhất Trung Quốc hiện tại đã chuyển tới Thâm Quyến trước khi trở thành tỷ phú. Ma Huateng, CEO của tập đoàn internet Trung Quốc Tencent, là người nổi tiếng nhất trong số họ. Tất nhiên, ông không phải tỷ phú duy nhất sống tại Thâm Quyến.
Wang Chanfu, CEO của BYD Company, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, cũng sinh sống tại Thâm Quyến. Wang rời Bắc Kinh để thành lập BYD vào năm 1995, theo Bloomberg. Theo Forbes, ông Wang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 19,6 tỷ USD.
Theo Viện Phát triển Quản lý, không giống như các khu vực khác của Trung Quốc, Thâm Quyến là một thành phố được xây dựng dựa trên doanh nghiệp tư nhân. Giống như Thung lũng Silicon của Mỹ, Thâm Quyến là nơi nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã thành lập trụ sở, bao gồm Tencent, Huawei và DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới.
Tencent được coi là một ví dụ điển hình cho sự thành công của Thâm Quyến. Được thành lập vào năm 1998, Tencent đã không có lãi cho đến năm tài chính thứ 4. Tencent được thành lập bởi một số doanh nhân Trung Quốc, bao gồm tỷ phú Ma Huateng.
Giờ đây, Tencent là công ty Trung Quốc lớn nhất tính theo giá trị vốn hóa thị trường, với mức vốn hóa thị trường là 303,32 tỷ USD. Đây cũng là tập đoàn trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, với doanh thu 8,121 tỷ USD, đánh bại các đối thủ như Apple, Microsoft và Google.
“Thâm Quyến muốn trở thành một trung tâm cho các trung tâm tài chính, chuỗi khối và các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Những dịch vụ cao cấp này sẽ đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng và giàu có của thành phố”, theo các báo cáo.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm, chính quyền Thâm Quyến có kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mạch tích hợp, trí tuệ nhân tạo và y sinh, theo kế hoạch chi tiết của chính quyền địa phương. Thâm Quyến cũng có kế hoạch phân bổ ít nhất 30% quỹ nghiên cứu khoa học của thành phố cho nghiên cứu và phát triển.
Những người sống tại Thâm Quyến có thể là những người giàu có. Theo Business Insider, tổng giá trị khối tài sản ròng của khoảng 300.000 người dân Thâm Quyến đã sống ở thành phố trước khi nơi này phát triển là hơn 30 tỷ USD vào năm 2021, theo một báo cáo của Bloomberg.
Theo báo cáo Global Living của CBRE, các bất động sản ở Thâm Quyến có giá trung bình trên 680.000 USD, đưa thành phố này vào top 5 thị trường bất động sản đắt đỏ nhất Trung Quốc. Thâm Quyến cũng đang nhanh chóng trở thành thị trường bất động sản hạng sang khi đánh bại London, New York và Paris về mức tăng giá nhà hạng sang từ năm 2020 đến 2021, tăng 18,9%, theo SCMP, trích dẫn dữ liệu từ công ty tư vấn Knight Frank.