|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giá trị tài sản ròng của giới siêu giàu Trung Quốc giảm kỷ lục sau hơn 20 năm

11:20 | 08/11/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại, kết hợp với đà sụt giảm của thị trường bất đống sản và rủi ro về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giới siêu giàu Trung Quốc mất hàng tỷ USD trong năm nay.

Giới siêu giàu Trung Quốc đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ sụt giảm mạnh trong năm 2022, mức giảm lớn nhất trong hơn hai thập kỷ.

Theo hãng tin Reuters, những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm giá trị tài sản ròng của các tỷ phú Trung Quốc đến từ xung đột địa chính trị tại Ukraine, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, thị trường bất động sản suy thoái sau nhiều vụ vỡ nợ cũng như thị trường chứng khoán của cả Trung Quốc và Hong Kong lao dốc.

Những lý do này, kết hợp cùng một số yếu tố khác, đã khiến nhiều tỷ phú Trung Quốc chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm sâu kể từ đầu năm.

Hurun Rich List, bản danh sách xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị tối thiểu là 5 tỷ nhân dân tệ (692 triệu USD), được công bố gần đây cho thấy trong năm nay chỉ có 1.305 người đạt được thành tích này, giảm 11% so với năm ngoái.

Tổng giá trị tài sản ròng mà nhóm siêu giàu này sở hữu trong năm nay đạt 3.500 tỷ USD, cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tỷ phú Trung Quốc sở hữu khối tài sản ròng có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên trong năm nay đạt 56 người, giảm 29 người so với năm trước. Số tỷ phú USD của Trung Quốc cũng giảm 239 người so với năm trước, xuống chỉ còn 946 người trong năm nay.

Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của công ty nghiên cứu Hurun Report, công ty tổng hợp và công bố danh sách Hurun Rich, cho biết: “Năm 2022 là thời điểm chứng kiến danh sách những người giàu nhất Trung Quốc giảm mạnh về cả số lượng lẫn giá trị khối tài sản ròng mà họ sở hữu”.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột tại Ukraine cũng như tình hình tăng trưởng chững lại tại Trung Quốc. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay dường như có thể còn xấu hơn do ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid cũng như đà sụt giảm kéo dài của thị trường bất động sản.

Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định đối với lĩnh vực internet và công nghệ đã gây ảnh hưởng lớn tới nhiều công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm hai gã khổng lồ Alibaba Group và Tencent Holdings.

Tỷ phú Pony Ma là một trong những người mất nhiều tiền nhất trong năm nay. (Ảnh: Reuters).

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, có nhiều nỗ lo về việc ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục siết chặt một số lĩnh vực khác, qua đó gây ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư vào các doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán, qua đó tác động trực tiếp tới khối tài sản ròng của những tỷ phú hàng đầu thị trường tỷ dân.

Yang Huiyan, nữ doanh nhân đứng sau Country Garden Holdings Co Ltd, giống như nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc khác, đang phải đối mặt với các vấn đề nợ nần, đã chứng kiến ​​khối tài sản của bà giảm 15,7 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất trong danh sách Hurun Rich năm 2022.

Zhong Shanshan, tỷ phú đứng đầu Nongfu Spring, một công ty nước giải khát đóng chai của Trung Quốc có trụ sở tại Chiết Giang và nhà phát triển vắc xin Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise, tiếp tục có năm thứ hai đứng đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc khi chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng 17% lên 65 tỷ USD.

Người sáng lập kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance, chủ sở hữu của nền tảng mạng xã hội nổi tiếng TikTok, Zhang Yiming, đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm nay của Hurun Rich, song giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm 28% xuống còn 35 tỷ USD do mức định giá của ByteDance đã giảm xuống.

Người sáng lập kỳ lân ByteDance là người giàu thứ hai Trung Quốc năm nay, dù giá trị tài sản ròng giảm so với năm trước. (Ảnh: Reuters).

Đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách năm nay là Zeng Yuqun, tỷ phú đứng đầu Contemporary Amperex Technology Co. Limited, hay CATL, nhà sản xuất pin và công ty công nghệ Trung Quốc được thành lập vào năm 2011, chuyên sản xuất pin lithium-ion cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng cũng như hệ thống quản lý pin.

Người sáng lập gã khổng lồ ngành internet Trung Quốc Tencent, tỷ phú Pony Ma, là người mất nhiều tiền thứ hai Trung Quốc trong năm nay khi giá trị tài sản ròng giảm 14,6 tỷ USD do giá cổ phiếu Tencent lao dốc. Dù vậy, ông vẫn đứng ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.

Trong khi đó, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding, Jack Ma và gia đình cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm xuống, qua đó trượt từ vị trí thứ 4 trong năm ngoái xuống vị trí thứ 9 trong năm nay.

Một cái tên đáng chú ý khác trong danh sách năm nay là tỷ phú Hui Ka Yan, người đứng đầu nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới China Evergrande. Giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm hơn 70 triệu USD kể từ đầu năm, và hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá hơn 6 tỷ USD.

Anh Nguyễn