|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu sẽ đi về đâu trong năm 2023?

12:09 | 12/01/2023
Chia sẻ
Ngay từ đầu năm 2023, nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định xu hướng giá dầu trong ngắn và trung hạn. Những nỗi lo về cung - cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ, suy thoái kinh tế toàn cầu và Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại.

Theo trang Oilprice, trong hai ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023, giá dầu giảm 9%, đánh dấu sự khởi đầu tệ nhất kể từ năm 1991. Một số chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu của lạm phát đã đạt đỉnh và có thể giảm mạnh trong những tháng tới. 

Hầu hết cho rằng sự sụt giảm là do nhu cầu yếu do hiệu quả kinh tế chậm chạp trên khắp châu Âu, châu Á và Mỹ, cùng với việc ngày càng có nhiều trường hợp được báo cáo nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc.

 Diễn biến giá dầu Brent trong 1 năm qua. Nguồn: Investing

Theo chuyên gia Jamie McGeever những yếu tố cơ bản như giá dầu và lạm phát đang giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể là tín hiệu của giảm phát đối với mặt hàng năng lượng và lạm phát sẽ tiến dần với mục tiêu của Fed là 2%.

Tuy nhiên, Fed không có ý định thay đổi lập trường “diều hâu” đối với chính sách tiền tệ, quyết tâm chống lạm phát vốn đang ở mức độ “cao không thể chấp nhận được”, theo biên bản của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) từ cuộc họp tháng 12 được công bố trong tuần trước. 

 “Không có quan chức nào tham gia cuộc họp cho rằng 2023 là thời điểm phù hợp để giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang. Những người tham gia cuộc họp nhìn chung cho rằng lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ cần được duy trì cho đến khi dữ liệu cho thấy lạm phát đang trên đà giảm xuống 2% một cách bền vững. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ mất một thời gian”, Fed cho biết.

“Các quan chức tham gia cuộc họp đồng ý rằng dữ liệu lạm phát tháng 10 và tháng 11 cho thấy tốc độ tăng giá cả hàng hoá đang chậm lại và đây là điều đáng hoan nghênh. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng cần có thêm bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy lạm phát đang trên đà giảm bền vững”, theo biên bản của FOMC. 

Tuần này, Chủ tịch Fed St. Louis, ông James Bullard cho biết triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ đã tăng lên so với mùa thu năm 2022, nhờ thị trường lao động mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, những lo ngại về một cuộc suy thoái vẫn tồn tại. Nhu cầu dầu mỏ yếu hiện tại ở cả Mỹ và Trung Quốc làm củng cố triển vọng giá dầu giảm trong ngắn hạn.

“Giá dầu đang cố gắng phục hồi nhưng những lo ngại về nhu cầu khiến mức tăng chỉ khiêm tốn”, ông  Ed Moya, Nhà phân tích thị trường cao cấp, Châu Mỹ, tại OANDA, cho biết hôm 5/1 khi giá dầu tăng nhẹ sau đợt bán tháo ồ ạt vào hai ngày trước đó.

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra rằng nhu cầu xăng đang giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, đồng thời nhu cầu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu khác cũng đang trong xu hướng giảm. 

Các chiến lược gia của ING mới đây cho rằng nguồn cung thời gian tới sẽ dồi dào hơn và rủi ro có thể nghiêng về phía nhu cầu thấp, gây ấp lực lên giá. 

Tuy nhiên, họ cho rằng bắt đầu từ quý II đến cuối năm, nguồn cung sẽ thắt chặt hơn khiến giá dầu thô tăng trở lại. 

Còn theo công ty môi giới PVM Oil nhận định “Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường dầu mỏ đang đi xuống. Nguồn cung từ nga sẽ phục hồi nhanh chóng, đóng vai trò chính trong việc gây áp lực lên giá dầu thô. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu rằng xu hướng giá dầu thô giảm có kéo dài đến hết năm nay hay không?”.

Tuy nhiên, nhiều thương nhân và nhà phân tích tiếp tục dự đoán giá dầu thô sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm, theo Forbes.

Trang Bloomberg trích dẫn dự báo của chuyên gia quản lý quỹ Pierre Andurand rằng  giá dầu Brent có thể tăng đột biến khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Andurand cho biết giá dầu có thể “tăng lên 140 USD/thùng sau khi quốc gia châu Á này mở cửa trở lại hoàn toàn”.

Trong một vài tweet vào ngày 6/1, ông Andurand dự đoán nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể tăng tới 4%, tương đương 4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2023.

 

H.Mĩ