|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những bê bối liên tiếp đẩy Credit Suisse vào khủng hoảng

15:03 | 16/03/2023
Chia sẻ
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ với hơn 150 năm lịch sử và hàng trăm tỷ USD tài sản. Việc liên tiếp vướng phải các bê bối đang khiến ngân hàng này thiệt hại hàng tỷ USD và mất đi niềm tin của khách hàng.

Ngày 16/3, Credit Suisse đã phải tìm đến sự trợ giúp của ngân hàng trung ương trong tình cảnh nguy cấp. Theo CNBC, Credit Suisse sẽ vay của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) số tiền 50 tỷ franc (53,8 tỷ USD) nhằm duy trì hoạt động.

Ngày 15/3, sau khi nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi tuyên bố ngừng rót thêm tiền do nguyên nhân pháp lý, cổ phiếu của nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ này đã mất khoảng 1/4 giá trị.

Hơn một thập kỷ trước, Credit Suisse từng là một trong những ngân hàng mạnh mẽ nhất vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo Wall Street Journal, “Credit Suisse đã chống chịu lại cuộc khủng hoảng tín dụng tốt hơn nhiều so với đối thủ”.

Tất nhiên, Credit Suisse vẫn chịu thiệt hại do cuộc khủng hoảng, nhưng ngân hàng này không phải vay từ chính phủ giống các ngân hàng khác. Nhưng đến năm 2022, trong môi trường lãi suất tăng cao, nhiều ngân hàng khổng lồ đạt lợi nhuận kỷ lục, thì Credit Suisse lại tụt lại phía sau.

Các ngân hàng Thụy Sỹ thường được biết đến về sự đáng tin cậy, tuy nhiên chỉ trong khoảng ba tháng vừa qua, số tiền bị rút khỏi Credit Suisse đã lên tới hơn 100 tỷ franc (CHF), tương đương 110 tỷ USD.

Một loạt các bê bối đã khiến nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ, nằm trong “Bulge Bracket” (nhóm các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới), có lịch sử hơn 150 năm, rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. 

Khách hàng đã rút hàng trăm tỷ franc Thụy Sỹ ra khỏi Credit Suisse.

Quy mô lớn gấp ba lần SVB

Xét theo tổng tài sản, Credit Suisse có quy mô lớn hơn đáng kể so với Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng thương mại của Mỹ vừa sụp đổ vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, quy mô tổng tài sản của Credit Suisse đã liên tục bị thu hẹp trong những năm gần đây.

Ngân hàng này từng có hơn 1.000 tỷ franc (CHF) tài sản vào những năm 2010, nhưng dựa trên báo cáo gần nhất, con số này chỉ còn khoảng hơn 500 tỷ franc. 

Vào cuối năm 2021, Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ 45 trên thế giới, lớn thứ 17 tại châu Âu và lớn thứ 2 tại Thụy Sỹ. 

Theo báo cáo tài chính của Credit Suisse, vào cuối năm 2022, tập đoàn này đang có 531 tỷ franc (570 tỷ USD) tài sản. Tài sản của công ty mẹ Silicon Valley Bank, SVB Financial Group, vào cùng thời điểm chỉ là hơn 200 tỷ USD. 

Quy mô của Credit Suisse hiện nay khá gần với Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư Mỹ phá sản vào ngày 15/9/2008 và đẩy hệ thống tài chính vào khủng hoảng. Theo báo cáo tài chính của Lehman Brothers, vào cuối năm 2007, ngân hàng này có tài sản là 691 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, khác với Lehman Brothers hay SVB, Credit Suisse có nhiều tài sản có tính thanh khoản cao, cũng như có được sự hỗ trợ của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB). 

Theo ông Paul J. Davies, nhà phân tích ngân hàng của Bloomberg, Credit Suisse cũng có đủ tài sản lưu động tương đương với tiền đủ để trả một nửa số nợ bằng tiền gửi và khoản vay từ ngân hàng khác. CEO của Credit Suisse cho biết tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR) của công ty có thể đủ để xử lý dòng tiền chảy ra với tốc độ cao trong vòng một tháng.

Hơn 150 năm lịch sử

Credit Suisse được thành lập vào năm 1856 để tài trợ cho hoạt động xây dựng hệ thống đường sắt của Thụy Sỹ. Ngân hàng này đã phát hành những khoản vay hỗ trợ xây dựng hệ thống điện của Thụy Sỹ và đường sắt châu Âu.

Ban đầu, Credit Suisse có tên là Schweizerische Kreditanstalt (SKA). Sau nhiều thương vụ thâu tóm, hợp nhất, Credit Suisse từ một ngân hàng đầu tư đã trở thành một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới. 

Trụ sở của Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sỹ. (Ảnh: Roland Fischer).

Những thương vụ sáp nhập và mua lại quan trọng nhất với Credit Suisse là CS First Boston, ngân hàng của Mỹ năm 1990; Bank Leu, ngân hàng cá nhân hóa dành cho tầng lớp thượng lưu năm 1990; Volksbank, ngân hàng lớn thứ 4 của Thụy Sỹ và mảng kinh doanh quản lý tài sản của Morgan Stanley tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi năm 2013.

Vào năm 1997, SKA đã chính thức đổi tên thành Credit Suisse. Tính đến đầu năm 2022, theo S&P Global, Credit Suisse đứng thứ 45 thế giới và đứng thứ hai Thụy Sỹ về tổng tài sản. Chỉ một năm trước, ngân hàng này còn đứng vị trí 40 toàn cầu xét theo tổng tài sản, bám đuổi sát nút đối thủ UBS.

Bê bối nối tiếp bê bối đã khiến một trong những biểu tượng của ngành tài chính Thụy Sỹ tụt dốc nhanh chóng.

Bê bối nối tiếp nhau

Dù từng có 1.000 tỷ USD tài sản, trong khoảng một thập kỷ gần đây, Credit Suisse liên tục vướng phải các bê bối, làm mất lòng tin khách hàng cũng như chịu các khoản phí phạt khổng lồ. Nhà băng số hai của Thụy Sỹ đang trong quá trình tái cấu trúc nhằm giải quyết các khoản lỗ lớn, đã lên tới 7,3 tỷ franc (CHF) vào năm ngoái.

Từ lâu, các ngân hàng Thụy Sỹ dính vào các vụ án như rửa tiền hay hợp tác với tội phạm. Tuy nhiên, những rắc rối trong hai thập kỷ gần đây đã khiến Credit Suisse chịu án phạt lên tới hàng tỷ USD, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của ngân hàng này. 

Tổng tài sản của Credit Suisse Group đang đi xuống, hiện chỉ còn bằng chưa đến 1/2 so với năm 2008. Mảng ngân hàng (Credit Suisse) chiếm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. 

Vào năm 2004, Credit Suisse bị cáo buộc tham gia rửa tiền cho cho xã hội đen Nhật Bản (yakuza) với số tiền lên tới 5 tỷ USD. Tới năm 2009, Mỹ phạt ngân hàng này hơn 500 triệu USD vì vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan tới Iran và Sudan.

Năm 2011, Credit Suisse bị phạt 150 triệu USD vì tội trốn thuế. Đến năm 2012, Mỹ buộc tội 4 cựu nhân viên của nhà băng này do phóng đại giá trái phiếu dưới chuẩn. Năm 2022, Credit Suisse đã phải nộp gần 500 triệu USD để dàn xếp vụ việc trên.

Vào năm 2014, Credit Suisse bị phạt 2,6 tỷ USD vì giúp công dân Mỹ trốn thuế. Tới năm 2016, ngân hàng này lại phải dàn xếp với các nhà chức trách Italy vì hành vi tương tự, với số tiền 109 triệu EUR.

Năm 2017, Credit Suisse nhận mức phạt 700.000 USD vì dính líu tới vụ bê bối 1MDB tại Malaysia. Một năm sau, ngân hàng này lại chịu phạt 47 triệu USD vì hành vi tham nhũng tại Hong Kong. 

Sang năm 2019, Credit Suisse vướng phải một bê bối lớn, liên quan tới hoạt động gián điệp, khiến CEO Tidjane Thiam phải từ chức. Vào năm 2021, sau vụ sụp đổ của quỹ đầu cơ Archegos, Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ 5,5 tỷ USD.

Cùng năm, Credit Suisse cũng phải đình chỉ khoản đầu tư 10 tỷ USD của khách hàng vào công ty Greensill. Đến tháng 10/2021, nhà băng này tiếp tục bị phạt 350 triệu USD do dính líu tới vụ bê bối "trái phiếu cá ngừ" tại Mozambique.

Sang năm 2022, tình hình của Credit Suisse cũng không khá khẩm lên khi Chủ tịch buộc phải từ chức, CEO cũng bị thay thế. Đến tháng 10/2022, công ty tiếp tục rơi vào khủng hoảng và ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục kể từ khủng hoảng tài chính 2008. 

Credit Suisse Group ghi nhận khoản lỗ lớn nhất kể từ khủng hoảng 2008 và năm ngoái. Mảng ngân hàng (Credit Suisse) chiếm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Minh Quang