Nhà đầu tư mua trái phiếu giá chiết khấu tới 70%, chờ SVB phá sản để thu lợi
Theo Wall Street Journal (WSJ), các chủ nợ của SVB Financial Group - công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB) - đang chờ đợi tập đoàn này phá sản, thanh lý tài sản để thu lợi sau khi mua một lượng lớn trái phiếu được chiết khấu cao.
Với sự tư vấn của PJT Partners, nhóm các nhà đầu tư đã mua lại trái phiếu của SVB Financial Group bao gồm Centerbridge Partners, Davidson Kempner Capital Management và Pacific Investment Management (Pimco), nguồn tin của WSJ cho biết.
Đa số thành viên trong nhóm này đã mua trái phiếu của SVB Financial Group vào cuối tuần trước, khi trái phiếu của tập đoàn này tụt xuống chỉ còn 30% mệnh giá. Nhóm này hiện đang nắm trong tay một phần lớn trong tổng số 3,4 tỷ USD trái phiếu (tính theo mệnh giá) của SVB Financial Group.
Những nhà đầu tư trên đang mong muốn công ty mẹ của SVB nộp đơn phá sản, sau đó bán những mảng phi ngân hàng thông qua quy trình có sự giám sát của toàn án. Hiện SVB Financial Group đang có 164 công ty con, trong đó, Silicon Valley Bank là doanh nghiệp lớn nhất.
Vào ngày 13/3, SVB Financial Group tuyên bố thành lập một ủy ban tái cấu trúc để tìm giải pháp thay thế. Công ty vẫn chưa tiết lộ về việc có kế hoạch nộp đơn phá sản hay không.
Nếu tài sản của SVB Financial Group được bán với giá đủ cao, nhóm các nhà đầu tư trên có thể thu lợi. Vì mua trái phiếu với giá bằng 30% giá gốc nên các chủ nợ mới của SVB chỉ cần thu được 40% hay 50% mệnh giá là đã có lãi.
Số tiền thu được khi doanh nghiệp bị thanh lý trong một vụ phá sản sẽ đến tay chủ nợ trước, sau khi đã thanh toán hết nợ thì mới tới lượt cổ đông.
Goldman Sachs đã hỗ trợ việc giao dịch khoảng 700 triệu USD trái phiếu SVB Financial Group vào cuối tuần qua. Hơn 1,5 tỷ USD nợ của công ty này đã được trao tay kể từ ngày 10/3, khi Silicon Valley Bank bị đưa vào diện kiểm soát bởi Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Cuối tuần trước, FDIC đã cố gắng bán Silicon Valley Bank - mảng kinh doanh cốt lõi của SVB Financial Group - nhưng không thành công. Cơ quan quản lý đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc đấu giá khác trong tuần này.
Các quan chức chính phủ đã cảnh báo rằng cổ phiếu của SVB Financial Group là vô giá trị và đã bị ngừng giao dịch kể từ ngày 9/3. Tuy nhiên, công ty mẹ của SVB vẫn còn những tài sản có giá trị.
Ngoài mảng ngân hàng, SVB Financial Group đang có trong tay SVB Capital, một nhà quản lý đầu tư đang giám sát 9,5 tỷ USD; SVB Securities, một ngân hàng đầu tư; SVB Private, mảng dịch vụ ngân hàng cá nhân hóa và quản lý tài sản dành cho tầng lớp thượng lưu.
Stifel Financial ước tính nếu các chủ nợ có thể thu hồi tất cả tài sản phi ngân hàng của công ty mẹ, bao gồm tiền mặt và chứng khoán, thì họ sẽ nhận được gần 4,75 tỷ USD - phần lớn đến từ SVB Private.
Theo Stifel, giá trị vốn hóa của SVB Financial là 17 tỷ USD vào ngày 31/1. Công ty này nắm trong tay 2,6 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán vào cuối năm ngoái, tách biệt với 200 tỷ USD tài sản được Silicon Valley Bank nắm giữ.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn chưa tiết lộ quy mô thua lỗ của SVB. Công ty mẹ của ngân hàng này có thể sẽ phải hỗ trợ bù đắp những khoản thua lỗ trên, ảnh hưởng tới lợi nhuận của trái chủ.
Luật phá sản quy định rằng các công ty dưới sự bảo hộ của tòa án phải tôn trọng các cam kết với cơ quan quản lý ngân hàng “nhằm duy trì vốn của một tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm”.
Quy định này có nghĩa là FDIC có thể lập luận rằng các quỹ hoặc tài sản từ công ty mẹ của SVB nên được sử dụng để giải quyết những món nợ của ngân hàng này trước khi phân chia cho trái chủ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Silicon Valley Bank (SVB) chưa phá sản như nhiều người lầm tưởng 14/03/2023 - 17:32
Vào năm 2008, Lehman Brothers đã thanh lý thành công những tài sản giá trị nhất của mình thông qua quy trình phá sản. Ngân hàng đầu tư tại Mỹ của Lehman đã được bán cho Barclays, trong khi Nomura đã mua lại hoạt động kinh doanh ở châu Á và châu Âu.
Barclays bỏ ra 2 tỷ USD cho thương vụ này và báo cáo khoản lãi trên sổ sách hơn 4 tỷ USD hai năm sau đó.