|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Rủi ro đạo đức’ nằm đâu khi chính phủ Mỹ bảo trợ tất cả người gửi tiền tại SVB?

16:09 | 14/03/2023
Chia sẻ
Tỷ phú đầu cơ Bill Ackman khen ngợi các động thái trấn an của chính phủ Mỹ trong vụ SVB sụp đổ là "điều đúng đắn". Song, một số chuyên gia không đồng tình bởi rủi ro đạo đức xoay quanh vụ việc.

Bên ngoài một chi nhánh của Silicon Valley Bank. (Ảnh: AP).

Các cơ quan quản lý của Mỹ có thể đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng bằng cách đảm bảo người dân sẽ tiếp cận được tiền gửi của họ tại Silicon Valley Bank (SVB).

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng các động thái của chính phủ Mỹ có thể khuyến khích hành vi xấu của nhà đầu tư.

Người gửi tiền an tâm

Theo Reuters, sau một loạt các cuộc thảo luận hồi cuối tuần qua về tương lai của SVB, các nhà quản lý đã công bố một số kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho ngân hàng vừa mới sụp đổ này.

Trong một tuyên bố chung, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết những người gửi tiền tại SVB có thể tiếp cận “toàn bộ số tiền gửi của mình” bắt đầu từ ngày 13/3.

Ban đầu, theo quy định của FDIC, hạn mức tiền gửi được bảo hiểm của mỗi khách hàng tại SVB là 250.000 USD, theo mỗi loại sở hữu tài khoản. Quy định đó đã dấy lên lo ngại rằng các khách hàng doanh nghiệp nhỏ, vốn có số tiền gửi vượt 250.000 USD, sẽ không thể chi trả lương cho nhân viên.

Theo FDIC, khoảng 89% trong số khoảng 175 tỷ USD tiền gửi do SVB nắm giữ đến cuối năm 2022 không được bảo hiểm. Thông qua các biện pháp khẩn cấp, các cơ quan quản lý đã loại bỏ lo ngại đó.

Mặt khác, ba cơ quan trên nói sẽ không có chuyện giải cứu chủ sở hữu của SVB. Tuyên bố chung nhấn mạnh các kế hoạch hỗ trợ mới sẽ không tiêu tốn tiền thuế của người dân.

Ngay sau SVB, một ngân hàng khu vực khác là Signature Bank cũng sụp đổ. Các quan chức cho biết tiền gửi tại ngân hàng này cũng sẽ được hoàn trả mà không gây thiệt hại nào cho người nộp thuế.

Ngoài ra, Fed còn thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) nhằm bảo vệ các tổ chức tài chính khỏi bất ổn mà vụ việc tại SVB gây ra. Các ngân hàng sẽ được vay với kỳ hạn cao nhất một năm để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Trên Twitter, tỷ phú đầu cơ Bill Ackman nhận xét chính phủ Mỹ đã “làm điều đúng đắn” khi bảo trợ những người gửi tiền tại SVB.

Ông viết: “Dù dưới bất kỳ hình thức nào, đây đều không phải là một gói cứu trợ. Ai làm sai sẽ phải gánh hậu quả. Điều quan trọng là chính phủ của chúng ta đã phát đi thông điệp rằng người gửi tiền có thể tin tưởng vào hệ thống ngân hàng”.

“Nhiều ngân hàng khác có thể sẽ sụp đổ bất chấp sự can thiệp của cơ quan quản lý, nhưng giờ chúng ta đã có một lộ trình rõ ràng về cách chính phủ xử lý vụ việc”, ông Ackman bày tỏ thêm.

Rủi ro đạo đức

Song, theo một số nhà phân tích, thông qua việc đảm bảo rằng người gửi tiền sẽ không bị mất tiền, các nhà chức trách lại đang đặt ra câu hỏi về rủi ro đạo đức (moral hazard), khiến người dân mất đi sự phòng bị trước rủi ro tài chính.

Ông Nicolas Veron, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho hay: “Đây là một gói cứu trợ, đồng thời là một thay đổi lớn trong cách thức xây dựng hệ thống tài chính của nước Mỹ cũng như động lực tài chính của người dân”.

“Thiệt hại sẽ được sang tay cho tất cả những người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nếu tất cả tiền gửi đều được bảo hiểm, thì người dân còn cần ngân hàng làm gì nữa?”, ông Veron nói.

Trong một ghi chú gửi khách hàng, hai chiến lược gia Michael Every và Ben Picton của Rabobank bày tỏ: “Nếu Fed hỗ trợ cho bất kỳ ai đang chịu tổn thất về tài sản..., thì trên thực tế, họ đang cho phép các điều kiện tài chính nới lỏng ở quy mô lớn và làm gia tăng rủi ro đạo đức”.

Tương tự, ông Peter Schiff, kinh tế trưởng tại Euro Pacific Capital, cho rằng động thái giải cứu của Fed và chính phủ Mỹ là “một sai lầm khác”, theo CNBC.

“Cứu trợ người gửi tiền của những ngân hàng mới sụp đổ là một sai lầm khác của Fed và chính phủ Mỹ. Rủi ro đạo đức sẽ gây bất ổn thậm chí còn lớn hơn cho hệ thống ngân và dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng hơn cho tương lai...”, ông Schiff viết.

Trong một dòng tweet khác, vị chuyên gia giải thích thêm: “Động thái giải cứu của chính phủ sẽ khuyến khích người dân gửi tiền vào những ngân hàng rủi ro nhất để được trả lãi suất cao, vì họ không phải đối mặt với mối nguy hiểm nào.

Kết quả là gì? Tất cả các ngân hàng sẽ chấp nhận rủi ro lớn hơn để trả lãi suất cao hơn. Vì vậy, về lâu dài, nhiều ngân hàng sẽ sụp đổ và tổn thất dài hạn cũng lớn hơn bây giờ rất nhiều”.

Một số nhà phân tích khác lại cho rằng các động thái của Washington không phải là cứu trợ, bởi chính phủ không bảo đảm điều tương tự cho các cổ đông và chủ nợ của SVB.

Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, cho hay: “Đây chắc chắn chỉ là một biện pháp giảm căng thẳng trong ngắn hạn, chúng ta có thể lo ngại về rủi ro đạo đức và quy định lỏng lẻo sau này”.

“Những người nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của SVB và Signature Bank có khả năng nằm ngoài danh sách giúp đỡ của chính phủ. Rất nhiều tiền đã bốc hơi, ai đó sẽ phải chịu tổn hại”, ông Sosnick nói tiếp.

Rủi ro đạo đức xuất hiện khi một bên giao kết hợp đồng một cách không thiện chí hoặc cố tình cung cấp thông tin sai lệch (hoặc che đậy thông tin) về tài sản, nợ phải trả hoặc năng lực tín dụng của mình, theo Investopedia. Ngoài ra, rủi ro đạo đức cũng xuất hiện khi một bên cố tình chấp nhận rủi ro bất thường hòng tìm kiếm lợi nhuận hoặc đạt được lợi ích riêng.

Như đã đề cập ở trên, trong vụ việc tại SVB, khi người gửi tiền được chính phủ bảo trợ, họ có thể trở nên liều lĩnh hơn, thay vì thận trọng với tiền gửi của mình, bởi trong trường hợp sự cố xảy ra, các cơ quan quản lý đã đứng sau hỗ trợ họ.