Ông Biden sẽ truy cứu trách nhiệm 'những người gây ra mớ hỗn độn' tại SVB
Hôm 12/3, Tổng thống Joe Biden cho biết theo chỉ đạo của ông, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng là bà Lael Brainard đã làm việc với các cơ quan quản lý để đảm bảo người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có thể tiếp cận tiền gửi của họ.
“Tôi thấy an tâm khi các quan chức chính phủ đã tìm được một giải pháp kịp thời để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, đồng thời giữ an toàn cho hệ thống tài chính của chúng ta”, ông Biden nhấn mạnh.
“Giải pháp này cũng đảm bảo rằng tiền gửi của người dân sẽ không gặp rủi ro. Các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần”, vị tổng thống nói thêm.
Ông Biden còn tuyên bố: “Tôi cam kết rằng những người gây ra mớ hỗn độn này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình huống này một lần nữa”.
Trong một tuyên bố chung, các cơ quan tài chính của Mỹ cho biết những người gửi tiền tại SVB sẽ có thể tiếp cận “toàn bộ tiền gửi của mình” bắt đầu từ sáng ngày 13/3.
“Mục tiêu cốt lõi” của các động thái trên là trấn an khách hàng của SVB rằng “doanh nghiệp sẽ có tiền để trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động kinh doanh...”, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho hay vào tối 12/3.
“....cùng lúc, các hộ gia đình sẽ có thể thanh toán tiền thuê nhà, tiền vay thế chấp mua nhà hoặc bất kỳ hoá đơn nào khác”, các quan chức tiếp tục nhấn mạnh với các phóng viên.
Các nguồn tin thân cận của CNN cho biết chính quyền ông Biden đã cập nhật thông tin đến tất cả thành viên Quốc hội vào tối 12/3. Vị tổng thống dự kiến sẽ phát biểu về nỗ lực duy trì một “hệ thống ngân hàng ổn định” trong ngày 13/3.
Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã phê duyệt các kế hoạch giải thể SVB “theo một cách có thể bảo vệ tất cả người gửi tiền”. Fed cho biết họ đã thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) với mục tiêu bảo vệ các định chế tài chính khỏi những bất ổn thị trường mà vụ sụp đổ của SVB gây ra.
Một thông cáo chung của Fed, Bộ Tài chính và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết sẽ không có chuyện giải cứu chủ sở hữu của các ngân hàng.
Tuyên bố chung này nhấn mạnh các kế hoạch hỗ trợ mới nhất sẽ không tiêu tốn tiền thuế của người dân. Cổ đông của các ngân hàng này và một số chủ nợ không có tài sản thế chấp sẽ phải chịu thiệt hại.
SVB sụp đổ vào sáng ngày 10/3 sau 48 giờ khủng hoảng. Việc khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng đã dẫn đến các vấn đề thanh khoản, khiến SVB sụp đổ. Trong lịch sử nước Mỹ, SVB là ngân hàng lớn thứ hai từng sụp đổ, chỉ sau Washington Mutual năm 2008.
Trước SVB, một ngân hàng khác chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo là Silvergate đã tuyên bố tự đóng cửa. Và sau SVB, một ngân hàng nhỏ hơn là Signature Bank cũng bị đóng cửa.
SVB là ngân hàng cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khoẻ và công nghệ được hậu thuẫn bởi các tổ chức đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Vào cuối năm 2022, SVB cho biết họ có khoảng 151,5 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm, trong đó 137,6 tỷ USD được nắm giữ bởi khách hàng Mỹ.
Mặc dù tương đối kém tiếng bên ngoài Thung lũng Silicon, SVB vẫn nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào thời điểm cuối năm ngoái, theo FDIC.
Bất chấp tâm lý hoảng loạn trên Phố Wall, các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino cho ngành ngân hàng như việc Lehman Brothers sụp đổ năm 2008.