|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

SVB Financial là công ty nào, liên quan gì đến việc cổ phiếu ngân hàng Phố Wall đồng loạt cắm đầu?

12:26 | 10/03/2023
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu của SVB Financial và ngân hàng Phố Wall đã đồng loạt lao dốc.

Chuyện gì đã xảy ra với SVB Financial?

Trong phiên giao dịch 9/3, cổ phiếu của SVB Financial, công ty mẹ của Silicon Valley Bank, đã lao dốc hơn 60% sau khi ngân hàng này thông báo bán trái phiếu để bù lỗ và huy động vốn. SVB chủ yếu hỗ trợ các start-up và công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon.

Khi thanh khoản chảy vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu của đại dịch, cùng với việc định giá của các công ty tăng trưởng và công nghệ nhảy vọt, tiền gửi tại SVB đã tăng mạnh.

Bảng cân đối kế toán của ngân hàng phình to gần gấp đôi trong năm 2021 và ban lãnh đạo quyết định đầu tư lượng tiền gửi dư thừa vào trái phiếu Kho bạc và các chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành để tăng khả năng sinh lời.

Song, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất và bắt đầu hút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế để khống chế lạm phát, định giá của các công ty công nghệ sụt giảm và hoạt động đầu tư mạo hiểm (VC) cũng chững lại.

Trong khi đó, các start-up mà SVB hợp tác đang phải đốt tiền ở mức độ cao, dẫn đến dòng tiền gửi ào ạt chảy ra khỏi ngân hàng này. Từ cuối quý II/2022 đến hết năm, SVB nhận thấy các khoản tiền gửi không trả lãi đã giảm gần 34 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư mạo hiểm cũng khuyên các công ty khởi nghiệp nên rút tiền ra khỏi SVB, do lo ngại về tính thanh khoản của ngân hàng, Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho hay.

Ông Garry Tan, Chủ tịch vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, từng đăng một thông báo nội bộ đến các start-up như sau: “Chúng tôi không biết cụ thể chuyện gì đang xảy ra tại SVB.

Song, bất cứ khi nào bạn nghe thấy những vấn đề về khả năng thanh toán của một ngân hàng bất kỳ, và nếu thông tin có vẻ đáng tin cậy, thì bạn nên xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Hãy ưu tiên lợi ích start-up của mình, đừng gửi quá 250.000 USD ở các ngân hàng đó. Start-up của bạn sẽ chết khi bạn cạn tiền, dù vì bất kỳ lý do gì ”.

Xu hướng rút tiền tiếp tục trong quý I/2023. Để trang trải cho các khoản chi này, SVB đã bán toàn bộ danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (available-for-sale bond), dẫn đến khoản lỗ gần 1.8 tỷ USD. Giá trái phiếu sẽ đi xuống khi lợi suất đi lên.

Các khoản lỗ đối với trái phiếu chỉ là lỗ trên giấy nếu ngân hàng vẫn nắm giữ chúng. Tuy nhiên, một khi trái phiếu đã được bán đi, ngân hàng sẽ thực sự lỗ. Hơn nữa, gần đây Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm của SVB do các vấn đề về thanh khoản và huy động vốn.

Tóm lại, vì tất cả những lý do trên, SVB đang muốn huy động 2,25 tỷ USD vốn mới, bao gồm 1,25 tỷ USD thông qua cổ phiếu phổ thông, 500 triệu USD phát hành riêng lẻ từ công ty cổ phần tư nhân General Atlantic và 500 triệu USD từ cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi bắt buộc.

ÔngGreg Becker, CEO của SVB Financial. (Ảnh: Bloomberg).

Các ngân hàng lớn bị vạ lây

Trong phiên 9/3, nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Vốn hoá của 4 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ đã bốc hơi 52 tỷ USD. Chỉ số Ngân hàng Nasdaq KBW ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch làm chao đảo thị trường gần ba năm trước.

Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn nhỏ cùng đi xuống. PacWest giảm 25%, First Republic Bank sụt 17%, Charles Schwab mất 13% và U.S. Bancorp tụt 7%. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase giảm 5,4%.

Bên cạnh vụ việc của SVB, sự sụp đổ của Silvergate Capital - một trong những ngân hàng lớn chuyên phục vụ thị trường tiền điện tử - là một ví dụ khác về hiện tượng rút tiền gửi ồ ạt.

Ngân hàng có trụ sở tại California cho biết hồi giữa tuần rằng họ sẽ đóng cửa sau khi cú lao dốc của thị trường tiền ảo kích hoạt một đợt rút tiền gửi quy mô lớn, buộc họ phải bán tháo hàng tỷ USD tài sản với mức thua lỗ nặng nề.

Ông Bill Smead, Chủ tịch kiêm CIO của quỹ đầu tư Smead Capital Management, nhận định: “Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có thể có một vết nứt nào đó trong hệ thống tài chính”.

Đôi khi, những khoản lỗ trong danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng sẽ khiến nhà đầu tư bất ngờ, dù vấn đề được hình thành một cách từ từ và được tiết lộ đầy đủ trong báo cáo tài chính trong thời gian dài.

 

Theo Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), tính đến ngày 31/12/2022, lỗ chưa thực nhận của các ngân hàng Mỹ đối với trái phiếu sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity) có tổng giá trị là 620 tỷ USD.

Một năm trước, tức là trước khi Fed tăng lãi suất, con số này chỉ vào khoảng 8 tỷ USD, FDIC lưu ý.

Một phần, các ngân hàng Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả sau khi tiền gửi bùng nổ thời đại dịch. Dữ liệu của FDIC cho thấy, tiền gửi trong nước tại các ngân hàng được chính phủ liên bang bảo đảm đã tăng 38% từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021.

Trong cùng giai đoạn, tổng các khoản vay tăng 7%, khiến nhiều tổ chức có lượng tiền mặt lớn phải chuyển sang đầu tư vào chứng khoán nợ, trong bối cảnh lãi suất xuống gần mức thấp kỷ lục.

Theo dữ liệu của Fed, giá trị trái phiếu Kho bạc mà các ngân hàng thương mại của Mỹ nắm giữ đã tăng 53% trong cùng giai đoạn kể trên, lên 4.580 tỷ USD.

Hầu hết các khoản lỗ chưa thực nhận trong hệ thống ngân hàng là ở những tổ chức cho vay lớn nhất, chẳng hạn như Bank of America. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn nắm giữ nhiều loại tài sản khác nhau và phục vụ đa dạng doanh nghiệp trong nền kinh tế, do đó rủi ro của họ cũng thấp hơn.

Rủi ro đối với các tổ chức cho vay nhỏ thường nghiêm trọng hơn, bởi họ phải trả lãi suất tiền gửi cao hơn để thu hút khách hàng. Bank of America trả lãi suất tiền gửi trung bình là 0,96% trong quý IV/2022, trong khi tỷ lệ này của toàn ngành là 1,17% và của SVB là 2,33%.

Khả Nhân