|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà quản lý quỹ đầu cơ thành công nhất Phố Wall muốn Chủ tịch Fed nói ít lại

11:56 | 09/03/2023
Chia sẻ
Ông Ken Griffin, CEO quỹ đầu cơ có quy mô hơn 62 tỷ USD, nói rằng các thông điệp thiếu nhất quán của Fed trong thời gian qua đã gây hại cho nỗ lực kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương này và khiến các nhà đầu tư rối bời.

Ông Ken Griffin, nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu cơ Citadel. (Ảnh: Bloomberg). 

"Phản tác dụng"

Tỷ phú Ken Griffin, nhà sáng lập quỹ đầu cơ thành công nhất trên Phố Wall năm ngoái là Citadel, mới đây đã gửi một thông điệp đến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell: hãy nói ít lại. Sau mỗi lần ông Powell thảo luận về những tiến bộ mà Fed đã đạt được trong việc khống chế lạm phát, có lẽ các nhà đầu tư lại càng thấy bối rối hơn.

Cụ thể, ông Grifffin kêu gọi Chủ tịch Fed tập trung vào một ý chính duy nhất trong các bài phát biểu để đạt hiệu quả cao nhất trong việc thiết lập kỳ vọng của công chúng về lạm phát và giảm bớt nỗi đau mà ông gây ra cho nền kinh tế.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 7/3, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Citadel bày tỏ: “Nếu tôi có thể nói một điều với Chủ tịch Fed thì tôi sẽ khuyên ông ấy nói ít lại. Sự khác biệt trong các thông điệp trong vài tuần qua đã phản tác dụng một cách khủng khiếp”.

Chỉ số S&P 500 tạo đáy ở ngưỡng 3.583 điểm hồi tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 10% dựa trên niềm tin Fed sẽ chiến thắng lạm phát và quay sang nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho định giá cổ phiếu.

Nhưng tờ Fortune cho biết nhiều tên tuổi lớn trên Phố Wall như CEO Jamie Dimon của JP Morgan lại lo ngại rằng các nhà đầu tư đã ăn mừng quá sớm và cảnh báo lạm phát có thể sẽ kéo dài.

Theo ông Griffin, vấn đề ông Powell gặp phải là lãi suất “giống như một con dao quá cùn” để loại bỏ lạm phát trong một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ. Một số lĩnh vực rất nhạy cảm với sự gia tăng của lãi suất, ví dụ như thị trường bất động sản – chiếm khoảng 1/6 GDP Mỹ. Tuy nhiên, phần còn lại của nền kinh tế hầu như không chịu ảnh hưởng gì.

Ông Griffin nói rằng Fed phải thiết lập được mức trần vững chắc cho kỳ vọng lạm phát. Nếu không, Fed có thể sẽ bị mắc kẹt trong trò chơi bám đuổi tai hại, buộc họ phải ra các quyết định ngày càng cứng rắn và khiến một số bộ phận của nền kinh tế chịu tổn thất đặc biệt nặng nề.  

Thông điệp phải nhất quán

Vì lý do trên, Fed phải làm rõ với những người tham gia thị trường rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không chuyển hướng cho đến khi đạt được mục tiêu. Bất cứ lời nói nào khác sẽ chỉ khiến tình hình thêm hỗn độn.

Ông Griffin kêu gọi Fed: “Hãy viết thông điệp như sau: Chúng tôi sẽ đưa lạm phát về lại mức mục tiêu, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để điều đó xảy ra và sẽ tăng lãi suất một cách nhất quán cho đến khi thấy bằng chứng rõ ràng rằng bão lạm phát đã qua.

Bởi mỗi lần Fed ngừng kìm hãm nền kinh tế - hoặc thị trường tưởng vậy – mà cuộc chiến với lạm phát vẫn chưa ngã ngũ thì Fed lại càng khiến công việc của mình trở nên khó khăn hơn”.

Kể từ khi nhà đầu tư nghe ông Powell thốt ra cụm từ “thiểu phát hàng hóa”, cơn sốt trên thị trường lại quay trở lại. Nhà đầu tư đua nhau vơ vét tài sản rủi ro, từ cổ phiếu meme của các công ty sắp phá sản cho đến tiền mã hóa.

Nhưng có vẻ các nhà đầu tư đang phớt lờ một nửa những gì ông Powell nói, đó là giá cả trong ngành dịch vụ không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, dịch vụ lại chiếm tới hơn một nửa nền kinh tế Mỹ.  

Tâm lý lạc quan trên thị trường đã trở nên táo bạo đến mức những nhà kinh tế như cựu Bộ trưởng Tài chính Lary Summers dự đoán rằng nhà đầu tư sẽ không nhận ra suy thoái cho đến khi quá trễ.

Các nhà đầu tư nên chú ý đến lời cảnh báo của ông Griffin. Thị trường chứng khoán Mỹ năm ngoái lao dốc thê thảm nhưng quỹ Citadel của ông vẫn đánh bại mọi quỹ đầu cơ khác và lãi 16 tỷ USD. Đây là mức lợi nhuận hàng năm lớn nhất trong lịch sử mà một quỹ đầu cơ đạt được.

Ông Griffin nói với Bloomberg: “Mọi người có kỳ vọng rất cao rằng Fed có thể hô biến cho lạm phát biến mất, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Đó là lý do tôi tin rằng sự nhất quán trong các thông điệp là điều rất quan trọng”.

Giang