|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Chặng đường khó khăn' cho chứng khoán toàn cầu sau vụ sụp đổ của SVB

08:28 | 13/03/2023
Chia sẻ
Trong tuần này, vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và một loạt dữ liệu kinh tế cũng như cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng có thể khiến giao dịch trên thị trường chứng khoán, trái phiếu toàn cầu biến động dữ dội.

Bên ngoài một chi nhánh của Silicon Valley Bank tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Chặng đường khó khăn

Thị trường tài chính toàn cầu được dự báo sẽ rất biến động trong tuần này, khi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) - cũng là vụ sụp đổ lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - diễn ra cùng thời điểm với các cuộc họp chính sách và dữ liệu kinh tế quan trọng.

Hợp đồng tương lai S&P 500 đã tăng 1,4% sau khi chính phủ Mỹ đảm bảo rằng các khách hàng của SVB sẽ có thể tiếp cận tiền gửi của mình bắt đầu từ ngày 13/3. Các hợp đồng này sau đó đã sụt nhẹ, chỉ tăng 0,7%.

“Người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến vụ việc Silicon Valley Bank”, một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) nhấn mạnh.

Tại Australia, thị trường lớn đầu tiên bắt đầu giao dịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số S&P/ASX200 đã giảm 0,3% ngay đầu phiên, theo đưa tin của Reuters.

Ông Michael Purves, CEO tại hãng nghiên cứu vĩ mô Tallbacken Capital Advisors, cho hay: “Điều mà các nhà đầu tư tin chắc sẽ xảy ra trong nay mai là chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro”.

“Nhà đầu tư cũng đang đặt câu hỏi về những ngân hàng khu vực khác. Trong một kịch bản như vậy, thật khó để tưởng tượng rằng thị trường sẽ không biến động cực mạnh”, ông Purves nói tiếp.

Số liệu lạm phát tháng 2 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 14/3, sau đó là kế hoạch ngân sách của Anh vào ngày 15/3 và cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 16/3. Các sự kiện này sẽ làm gia tăng thêm rủi ro cho thị trường.

Bà Pooja Kumra, chiến lược gia cấp cao về lãi suất của Anh và châu Âu tại TD Securities, cho biết: “Chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn”.

Sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ được đo bằng “chỉ số sợ hãi” VIX. VIX đã nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái vào ngày 10/3.

Trong khi đó, chỉ số Move Index của ICE và BofA, một thước độ mức độ biến động trên thị trường thu nhập cố định của Mỹ, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12.

Thị trường chứng khoán khu vực Trung Đông đều kết phiên 12/3 ở mức thấp hơn, trong đó thị trường Ai Cập dẫn đầu đà sụt giảm. Tại Qatar, hầu hết tất cả cổ phiếu đều giảm điểm, bao gồm cổ phiếu các ngân hàng lớn.

Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ kéo dài. Họ sẽ bước vào phiên giao dịch ngày 13/3 với rất ít thời gian để tìm hiểu những diễn biến mới nhất, theo Reuters.

Vụ việc của SVB có thể sẽ gây hiệu ứng domino đến các ngân hàng khu vực khác của Mỹ hoặc hơn thế nữa. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề vào phiên 10/3.

Chỉ số ngân hàng khu vực của S&P 500 đã mất 4,3% trong phiên 10/3, nâng mức giảm trong tuần lên 18% và đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2009.

Hệ luỵ tiềm tàng

Hôm 12/3, chính phủ Anh đã phải vật lộn để giảm thiểu thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ của nước này. Thủ tướng Rishi Sunak cho biết chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp để hạn chế tác động tiềm tàng đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ vụ sụp đổ công ty con của SVB tại Anh.

Công ty tư vấn Rothschild & Co đang nghiên cứu các phương án tiềm năng bởi công ty con của SVB có thể sắp mất khả năng thanh toán, hai nguồn tin của Reuters cho hay.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết họ đang xin lệnh của toà án để đưa công ty con của SVB vào diện phá sản.

Ở châu Á, vụ sụp đổ của SVB đã khiến nhiều quỹ và start-up công nghệ Trung Quốc rơi vào tình trạng chao đảo, vì ngân hàng này là cầu nối tài trợ chính cho các doanh nghiệp hoạt động giữa Trung Quốc và Mỹ, theo Financial Times.

Liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hôm 11/3 rằng họ có một cơ cấu doanh nghiệp hợp lý và bảng cân đối kế toán hoạt động độc lập.

Sau khi gia tăng kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo ở Mỹ và châu Âu, nhà đầu tư đang cân nhắc xem tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng có thể buộc các ngân hàng trung ương phải suy nghĩ lại hay không.

Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào ECB, bởi ngân hàng trung ương này được cho là sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất quy mô lớn khác vào ngày 16/3. Lạm phát cơ bản cao vượt dự kiến trong tháng 2 đã khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng áp lực giá cả có thể kéo dài.

Ông Marchel Alexandrovich, nhà kinh tế kiêm đối tác của hãng phân tích Saltmarsh Economics, cho biết ECB sẽ cảnh giác với rủi ro lây lan từ vụ SVB và sẽ đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống.

Và nếu thị trường phải đối mặt với một tuần khó khăn, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ “phát đi một thông điệp thận trọng hơn”, ông Alexandrovich nói.

Trong khi đó, ngân sách chi tiêu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt sắp công bố có thể sẽ bị lu mờ bởi sự sụp đổ của SVB ở Anh. Ông Hunt được cho là sẽ ưu tiên ổn định tài chính công, tránh chi tiêu lãng phí có thể gây bất ổn cho đồng bảng, chứng khoán hoặc trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chính phủ Anh sẽ cần phải đi vay thêm, điều này khiến triển vọng trái phiếu chính phủ trở nên khó đoán.

Khả Nhân