Cái giá quá đắt phải trả khi ngân hàng đánh giá sai người gửi tiền
Năm 2021 khi tiền đang rẻ với lãi suất thấp kỷ lục, nhiều ngân hàng khu vực (regional bank) tại Mỹ có cùng một mô hình kinh doanh: Nhận tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất gần 0%, cam kết trả lại bất cứ khi nào khách hàng cần, sau đó đầu tư số tiền này vào trái phiếu Kho bạc Mỹ và hưởng lãi suất khoảng 2%/năm.
Chiến lược làm ăn này thoạt nhìn có vẻ khá đơn giản và an toàn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed và khối trái phiếu 117 tỷ USD đẩy Silicon Valley Bank vào cảnh sụp đổ 12/03/2023 - 20:58
Đơn giản là vì ngân hàng chỉ thực hiện những hoạt động truyền thống như nhận tiền gửi và mua trái phiếu chính phủ, không sa đà vào những công cụ phái sinh (derivative) hay chứng khoán hóa (securitization) phức tạp như thời kỳ trước khủng hoảng 2008.
An toàn là bởi trái phiếu Kho bạc Mỹ được xếp hạng AAA, là loại chứng khoán chất lượng cao nhất trên thế giới. Lợi suất trái phiếu, tín phiếu Kho bạc Mỹ được coi là lãi suất phi rủi ro trong các mô hình định giá.
Trong thực tế, Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ không phải vì cho vay dưới chuẩn hay nợ xấu chồng chất, tỷ lệ nợ xấu của SVB thời điểm cuối năm 2022 chỉ là 0,18%.
Tai ương ập đến với SVB khi những tài sản được coi là cực kỳ an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ lại hóa ra rất rủi ro trong môi trường lãi suất tăng, làm người gửi tiền hoảng sợ và tháo chạy.
Fed nâng lãi suất khiến cho giá trái phiếu tụt dốc, ngân hàng phải ghi nhận lỗ với danh mục trái phiếu của mình. Nếu giữ trái phiếu đến khi đáo hạn, ngân hàng sẽ nhận về 100% tiền gốc và lãi, và số lỗ tính theo giá thị trường hoàn toàn không có ý nghĩa.
Nhưng nếu khách hàng rút tiền ồ ạt, ngân hàng sẽ phải bán bớt các tài sản như trái phiếu để có tiền mặt, và khoản lỗ trên sổ sách sẽ biến thành lỗ thật. Trong trường hợp của SVB, người gửi tiền đã tìm cách rút 142 tỷ USD (tương đương 80% tổng tiền gửi) chỉ trong hai ngày, buộc ngân hàng này phải vội bán toàn bộ danh mục chứng khoán ngắn hạn, chịu lỗ 1,8 tỷ USD và cuối cùng sụp đổ.
Trong hệ thống ngân hàng dự trữ một phần (fractional reserve banking) hiện nay, các nhà băng chỉ giữ lại một phần nhỏ tiền gửi. Hầu hết số tiền còn lại được dùng để cho vay hoặc mua trái phiếu Kho bạc (như SVB đã làm) để hưởng chênh lệch lãi suất. Khi quá nhiều khách hàng đến đòi tiền cùng lúc, không một ngân hàng nào có đủ tiền để đáp ứng nghĩa vụ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Uẩn khúc việc SVB không kịp vay nóng 20 tỷ USD rồi sụp đổ vì Fed nhất quyết đóng cửa lúc 4h chiều 24/03/2023 - 09:06
Các ngân hàng chỉ nắm một lượng nhỏ tiền mặt nhờ tin tưởng vào hai giả định: Thứ nhất, các khách hàng không rút tiền ồ ạt; Thứ hai, giả sử tình huống khẩn cấp xảy ra, ngân hàng thương mại có thể vay nóng từ ngân hàng trung ương để đáp ứng thanh khoản.
SVB sụp đổ vì cả hai giả định đều bị phá vỡ: Người gửi tiền hoảng loạn tháo chạy, và nỗ lực vay tiền từ ngân hàng trung ương bất thành.
Đau đầu với tiền gửi
Giả sử một ngân hàng khác, tạm gọi là BVS, có danh mục tài sản giống hệt như SVB, nhưng người gửi tiền của ngân hàng BVS này lại rất dễ tính và bình thản, không “nhấp nhổm” rút tiền ra mỗi khi có tin đồn tiêu cực.
Rõ ràng, ngân hàng BVS sẽ an toàn hơn, được định giá cao hơn và nhiều khả năng sẽ tồn tại lâu hơn so với SVB.
Chỉ đảm bảo chất lượng tài sản thôi là chưa đủ, các ngân hàng còn phải quản trị tài sản sao cho phù hợp với đặc tính kỳ hạn và lãi suất của nợ phải trả, đa số là tiền gửi.
Các ngân hàng và cơ quan quản lý vẫn thường tìm cách đánh giá xem người gửi tiền của mình thuộc nhóm nào, có khả năng cao sẽ rút tiền khi xuất hiện tin đồn hay không?
Chẳng hạn, những người gửi tiền dưới hạn mức bảo hiểm thường sẽ “bình chân như vại”, trong khi người gửi tiền trên mức được bảo hiểm rất dễ lo lắng và hoảng loạn.
Tại SVB, đa số khách hàng là các doanh nghiệp và cá nhân giàu có, tỷ lệ tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm (250.000 USD) lên tới 90%. Vì vậy khi xuất hiện thông tin SVB thua lỗ và âm vốn, dòng tiền tháo chạy rất nhanh, ai cũng sợ sẽ mất hết số tiền gửi không được bảo hiểm của mình.
- TIN LIÊN QUAN
-
Credit Suisse và SVB cùng bị rút tiền hàng loạt, nhưng vì các lý do khác nhau 17/03/2023 - 11:06
Ngân hàng còn phải tìm hiểu xem khách hàng của mình làm việc trong ngành nào, phân tán ở nhiều khu vực xã hội và địa lý khác nhau hay tập trung ở một nơi, là những người trẻ tuổi thành thạo về công nghệ hay chủ yếu là người già không biết dùng mạng internet, ….
Khách hàng của SVB tập trung nhiều trong lĩnh vực công nghệ, có văn phòng ở Thung lũng Silicon, nhiều doanh nghiệp có chung nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn, …. Những khách hàng này quen biết nhau và thường xuyên liên lạc với nhau. Đầu tháng 3/2023, khi SVB có biểu hiện đáng ngại, nhiều gửi tiền đã rủ nhau rút hết tiền khỏi SVB để chuyển sang nơi khác.
Tin đồn ngày nay không còn được rỉ tai nhau trên phố như 100 năm trước mà được lan truyền với tốc độ chóng mặt thông qua các mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện. Người gửi tiền cũng không phải xếp hàng tại phòng giao dịch để rút tiền mà có thể chuyển khoản hàng triệu USD thông qua ứng dụng (app) điện thoại.
Một ngân hàng có tập khách hàng chủ yếu là người già đã về hưu với số dư tài khoản dưới 250.000 USD, sống phân tán ở nhiều vùng miền khác nhau, không quen biết nhau, không có hội nhóm chung để liên lạc với nhau, … sẽ ít có khả năng bị rút tiền ồ ạt hơn so với SVB, kể cả khi chất lượng tài sản của hai ngân hàng giống hệt nhau.
Nhìn chung, việc đánh giá đặc điểm của người gửi tiền thường mang tính định tính và xã hội, khó đưa ra được một kết luận cụ thể cụ thể và rõ ràng như khi đánh giá chất lượng tài sản theo kiểu trái phiếu này được xếp hạng AA, hay tỷ lệ nợ xấu là 2%, …
Khe hở kỳ hạn
Người làm ngân hàng phải tính toán và điều chỉnh kỳ hạn (duration) của tài sản và của nợ phải trả sao cho hợp lý, đây chính là nghiệp vụ quản lý tài sản nợ - tài sản có (ALM). Kỳ hạn là thước đo mức độ rủi ro lãi suất, kỳ hạn càng dài thì mức độ nhạy cảm càng lớn và ngược lại.
Kỳ hạn của tài sản có thể được xác định một cách tương đối chính xác dựa vào kỳ hạn còn lại của khoản vay hay trái phiếu đầu tư.
Một số khoản nợ phải trả, ví dụ như trái phiếu do ngân hàng phát hành, cũng có kỳ hạn cụ thể. Vấn đề là không ai biết chắc kỳ hạn của tiền gửi là bao nhiêu mà thường phải ước lượng.
Ban đầu, khách hàng có thể gửi tiền với kỳ hạn 6, 9 hay 12 tháng. Nhưng khi có tin đồn ngân hàng sắp phá sản, khách hàng sẽ đòi rút tiền trước hạn, sẵn sàng chấp nhận mất tiền lãi hay chịu phí phạt. Lúc này, kỳ hạn gửi tiền ban đầu không còn nhiều ý nghĩa.
Một khoản tiền gửi không kỳ hạn đương nhiên có duration bằng 0 vì khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nhưng nếu khách hàng cứ để tiền trong tài khoản không kỳ hạn hết năm này qua năm khác thì đây không phải là một nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà lại trở thành một nguồn vốn dài hạn giá rẻ rất có lợi cho ngân hàng.
Nói cách khác, kỳ hạn của tiền gửi (nợ phải trả của ngân hàng) phụ thuộc vào hành vi của người gửi tiền.
Cái giá phải trả khi đánh giá sai rủi ro từ tiền gửi
Việc SVB đầu tư vào trái phiếu Kho bạc kỳ hạn dài kéo theo rủi ro rất lớn về lãi suất: Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu kỳ hạn dài giảm nhanh hơn so với giá trái phiếu kỳ hạn ngắn. Đồng thời, SVB còn vứt bỏ nhiều công cụ rào chắn rủi ro lãi suất (hedging) và không có giám đốc quản trị rủi ro trong 8 tháng khi Fed đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất 4 thập kỷ.
Tỷ phú Andre Esteves, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch ngân hàng đầu tư BTG Pactual của Brazil, đã nhận xét rằng “bất kỳ một chuyên viên phân tích thực tập nào” ở khu vực Mỹ Latin cũng biết cách quản trị rủi ro lãi suất cho SVB để tránh sụp đổ.
Nói vậy không có nghĩa là chuyên viên phân tích ở Nam Mỹ thông minh xuất chúng hơn các chuyên gia tài chính ở Bắc Mỹ, vấn đề là “SVB vừa trải qua 15 năm lãi suất ổn định gần 0” trong khi khu vực Mỹ Latin liên tục đối mặt với lãi suất cao đầy biến động. SVB không gặp rủi ro lãi suất trong thời gian quá dài, nên dường như đã quên mất cách quản trị.
Một khả năng nữa là các lãnh đạo của SVB đã ước tính rằng nợ phải trả (đa số là tiền gửi) của mình có kỳ hạn dài nên việc đầu tư vào tài sản kỳ hạn dài là hợp lý.
SVB chăm chút cho mối quan hệ với khách hàng là các startup công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. SVB tổ chức các sự kiện hoành tráng cho khách hàng, hỗ trợ họ trong bối cảnh khó khăn, cấp cho họ những khoản vay mà không ngân hàng nào khác muốn cấp, tiền cho vay ra thường được gửi luôn tại SVB, ….
SVB có lý do để nghĩ rằng người gửi tiền của mình rất trung thành, không dễ dàng bỏ đi. SVB không quản trị rủi ro lãi suất theo cách thông thường mà bằng cách đầu tư tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với người gửi tiền. Cách làm này không hoàn toàn vô lý, chỉ đơn giản là SVB đã sai lầm trong đánh giá của mình. Người gửi tiền của SVB không trung thành như nhà băng này nghĩ.