Ngân hàng Mỹ đang lao đao vì những tài sản an toàn như trái phiếu Kho bạc, không phải vì nợ dưới chuẩn như thời 2008
Rủi ro từ lãi suất lên cao
Theo Bloomberg, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ gần đây sẽ khiến nhiều người giật mình. Không phải những khoản vay dưới chuẩn, Trái phiếu Kho bạc Mỹ - loại chứng khoán nợ được cho là an toàn nhất thế giới - mới là nguyên nhân khiến Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ.
Trái phiếu Kho bạc Mỹ luôn được cho là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, thời gian đáo hạn của đa số trái phiếu do SVB nắm giữ lên đến nhiều năm. Được mua trong thời kỳ lãi suất thấp, những trái phiếu với thời gian đáo hạn dài có thể mất giá nếu lãi suất đi lên.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed và khối trái phiếu 117 tỷ USD đẩy Silicon Valley Bank vào cảnh sụp đổ 12/03/2023 - 20:58
Khi Fed nâng lãi suất với tốc độ cao nhất trong 4 thập kỷ để kìm hãm lạm phát, giá những lô trái phiếu do SVB nắm giữ đã cắm đầu. Tất nhiên, nếu đợi đến khi đáo hạn, SVB có thể thu lại hoàn toàn mệnh giá của trái phiếu.
Không may là khi khách hàng rút tiền hàng loạt, SVB buộc phải bán trái phiếu ở thị giá thấp hơn giá lúc mua, chấp nhận lỗ, dẫn đến vụ sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Ông Paul McCulley, cựu kinh tế trưởng của Pacific Investment Management (PIMCO) nói: “Chúng ta luôn gọi Trái phiếu Kho bạc Mỹ là tài sản an toàn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhận định này dựa trên quan điểm chất lượng tín dụng chứ không phải từ sự ổn định của giá tài sản”.
Để đo lường rủi ro từ sự bất ổn của giá trái phiếu, người ta sử dụng thời hạn đáo hạn bình quân (duration). Thời hạn đáo hạn bình quân càng cao, trái phiếu sẽ càng dễ bị mất giá khi lãi suất đi lên. Bà Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners, cho biết thật khó tin khi SVB thất bại trong việc nhận ra rủi ro từ thời hạn đáo hạn bình quân.
- TIN LIÊN QUAN
-
Các ngân hàng Mỹ có 620 tỷ USD thua lỗ tiềm ẩn, 20 nhà băng có nguy cơ sụp đổ tương tự SVB 14/03/2023 - 08:43
Tổng cộng, các tổ chức cho vay tại Mỹ đang nắm giữ hơn 4.000 tỷ USD chứng khoán được chính phủ bảo lãnh. Trái phiếu trong năm ngoái đã ghi nhận mức lỗ cao nhất kể từ đầu những năm 1970. Những lô trái phiếu có thời gian đáo hạn cao nhất đã mất giá gần 30%.
Mối lo thanh khoản
Lãi suất tăng cao không phải là vấn đề duy nhất với thị trường trái phiếu trị giá 24.000 tỷ USD. Một mối lo ngại khác là thanh khoản thị trường. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp dựa vào thị trường trái phiếu đề vận hành trơn tru.
Vào tháng 3/2023, các chiến lược gia của JPMorgan Chase đã nhận định rằng thanh khoản bị “tổn hại đáng kể” khi hoạt động giao dịch Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên mức kỷ lục 1.500 tỷ USD/ngày.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về vấn đề thanh khoản. Quy mô thị trường trái phiếu Kho bạc đã tăng thêm hơn 7.000 tỷ USD kể từ cuối năm 2019. Nhiều người tin rằng quy mô thị trường này đã vượt xa khả năng quản lý của các ngân hàng. Một số cho rằng những quy định áp đặt lên ngân hàng sau khủng hoảng năm 2008 đã hạn chế khả năng nắm giữ trái phiếu của các đại lý để đảm bảo hoạt động mua bán được thuận lợi.
Mỹ có thể xảy ra bế tắc về trần nợ. Các chính trị gia có thể không đạt được thỏa hiệp trong việc nâng giới hạn vay nợ của chính phủ Mỹ, dẫn đến khả năng vỡ nợ. Những tranh cãi về trần nợ vào năm 2011 từng khiến S&P hạ bậc tín nhiệm của trái phiếu Mỹ xuống khỏi mức AAA.
Những cuộc đấu tranh ở Washington về trần nợ có thể là một lý do khiến nhà đầu tư trên toàn thế giới quan tâm đến các lựa chọn thay thế tiềm năng cho Trái phiếu Kho bạc Mỹ để cất giữ tài sản.
Một nguyên nhân khác là việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, bao gồm cả đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, khiến một số quốc gia lo sợ mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.
Những lựa chọn thay thế trái phiếu Mỹ có thể là vàng, tiền tệ mới dựa trên giỏ hàng hóa hay đồng tiền của các nền kinh tế lớn, chẳng hạn như nhân dân tệ. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định những loại tài sản này tốt hơn Trái phiếu Kho bạc Mỹ.