|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Tiến sỹ Tận thế': Trái phiếu mất giá có nguy cơ đẩy thêm nhiều ngân hàng sụp đổ như SVB

12:37 | 19/03/2023
Chia sẻ
Ông Nouriel Roubini, người từng dự báo đúng khủng hoảng năm 2008, cảnh báo rằng những khoản lỗ chưa thực hiện từ trái phiếu có thể khiến thêm nhiều ngân hàng sụp đổ.

Ông Nouriel Roubini, Giáo sư tại Đại học New York. (Ảnh: John Lamparski/Getty Images).

Theo Politico, ông Nouriel Roubini, giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, đã dự báo rằng trái phiếu có thể gây ra sự bất ổn trong nền kinh tế. Ông Roubini nổi tiếng toàn thế giới từ năm 2008 nhờ dự đoán đúng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông được gọi là “Tiến sỹ Tận thế” (Dr. Doom) vì thường đưa ra các dự báo hết sức tiêu cực và khá chính xác.

Sau sự sụp đổ chóng vánh của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và khủng hoảng tại Credit Suisse, “Tiến sỹ Tận thế” cảnh báo rằng rắc rối có thể lây tới các quỹ hưu trí, quỹ quản lý tài sản và nhà đầu tư lớn khác.

Ông Roubini nhấn mạnh vấn đề khiến trái phiếu trở thành nhân tố bất ổn. SVB đã xây dựng một danh mục trái phiếu lớn trong thời kỳ lãi suất bằng 0. Sau đó, giá trị của lô trái phiếu này đã giảm xuống khi lãi suất tăng, và trái phiếu mới phát hành trở nên hấp dẫn hơn.

Những tài sản trên bắt đầu trở thành “khoản lỗ chưa thực hiện”, không được thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Khi người gửi rút tiền hàng loạt từ SVB, ngân hàng buộc phải bán trái phiếu và nhận lỗ. Các khoản “lỗ chưa thực hiện” đã thành lỗ thực sự, khiến SVB mất 1,8 tỷ USD, và khiến ngân hàng sụp đổ.

Ông Roubini cảnh báo những cú sốc khác có thể tạo ra hiệu ứng domino tương tự. “Dữ liệu chính thức từ Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) cho biết các ngân hàng ở Mỹ có 620 tỷ USD lỗ chưa thực hiện. Trong khi vốn cấp 1 của các ngân hàng ở Mỹ là 2.200 tỷ USD”.

“Như vậy, trung bình, một ngân hàng ở Mỹ có khoảng 1/3 vốn cấp 1 chịu rủi ro”, ông nói.

Tỷ lệ vốn chịu rủi ro của các ngân hàng Mỹ đang là khoảng 30%.

Tại châu Âu, lỗ chưa thực hiện với danh mục đầu tư trái phiếu có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều, ông Roubini nhận định. Châu Âu, đặc biệt là Thụy Sỹ, là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng lãi suất âm. Kết quả là, mức độ nhạy cảm của của danh mục đầu tư trái phiếu tại châu Âu với lãi suất cao có thể còn lớn hơn nhiều.

Đồng thời, khả năng sinh lời của ngân hàng trên lục địa già cũng kém hơn, gây thêm căng thẳng cho việc dự phòng vốn, và tác động tới giá trị cổ phiếu.

Ông Roubini cho biết hệ thống được thiết lập sau năm 2008 đã không nhận thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Các ngân hàng, khác với những tổ chức tài chính khác, không bao giờ được yêu cầu ghi nhận các tài sản theo giá trị hiện tại hay còn gọi là “hạch toán theo giá thị trường”.

Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã phản bác lại những lời cảnh báo của ông Roubini. Cơ quan này cho rằng những rủi ro từ các khoản lỗ chưa thực hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Credit Suisse, ngân hàng châu Âu đang chịu nhiều áp lực nhất hiện nay, cũng vừa phủ nhận rằng họ có bất cứ rủi ro nào liên quan đến việc nắm giữ trái phiếu bị mất giá.

Minh Quang