|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành ngân hàng Mỹ gặp khó, nhưng khủng hoảng thì chưa

15:49 | 17/03/2023
Chia sẻ
Hiện tại, hệ thống ngân hàng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một loạt chỉ số cho thấy tình hình chung vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Theo Bloomberg, thị trường đang phản ứng như thể hệ thống ngân hàng đã rơi vào khủng hoảng. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã giảm 120 điểm cơ bản so với tuần trước. Lợi suất trái phiếu xuống thấp cho thấy kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương giảm tốc độ nâng lãi suất do khủng hoảng từ hệ thống ngân hàng.

Trong kinh tế học, khái niệm “lời tiên tri tự ứng nghiệm” (self-fulfilling prophecy) được hiểu là những dự đoán trở thành sự thật bởi mọi người tin vào chúng. Chỉ trong vài ngày, thị trường đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) can thiệp để giải cứu các ngân hàng.

Tuy nhiên, một loạt số liệu chỉ ra rằng dù hệ thống ngân hàng toàn cầu đang gặp áp lực lớn, một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 vẫn còn khá xa. Sau khi cắm đầu vào ngày 13/3, chỉ số ngân hàng khu vực S&P 1500 đã không thể duy trì một đợt phục hồi mạnh mẽ, nhưng cũng không tụt lại xuống mức thấp nhất.  

Chưa xuống sâu như 2008

Các nhà đầu tư thường định giá cổ phiếu ngân hàng theo bội số của vốn chủ sở hữu - hay tài sản trừ đi nợ phải trả. Hiện nay, vốn hóa các ngân hàng lớn trong chỉ số KBW đã đi xuống dưới vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Tương tự, các ngân hàng châu Âu hiện vẫn có mức vốn hóa/vốn chủ sở hữu cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2010. Tình hình đối với các ngân hàng chắc chắn vẫn căng thẳng, những chưa đến mức có thể được gọi là “một cuộc khủng hoảng”.

Định giá ngân hàng đã đi xuống, nhưng vẫn cao hơn những kỳ khủng hoảng trước đây.

Một thước đo khác về sức mạnh ngân hàng cũng cho thấy có ít lý do để lo ngại, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. “Chênh lệch Ted” - chênh lệch giữa lãi suất mà các ngân hàng tại London cho vay lẫn nhau (LIBOR) và lãi suất tín phiếu Kho bạc kỳ hạn tương ứng cho thấy hiện vẫn chưa có quá nhiều điều đáng ngại.

Mức chênh lệch càng cao thì sự mất lòng tin giữa các ngân hàng càng lớn. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy lòng tin đã bị phá vỡ, ít nhất là so với khủng hoảng năm 2008.

Chênh lệch Ted hiện còn thấp hơn cả thời điểm đầu năm 2020, khi dịch COVID bắt đầu bùng phát.

Thị trường trái phiếu cũng cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng cũng chưa đến độ khủng hoảng. Theo đo lường của Bloomberg, lợi suất trái phiếu lãi suất cao (hay còn gọi là trái phiếu "rác") của châu Âu và Mỹ đều đã đi lên. Tuy nhiên, mức lợi suất hiện nay vẫn không thể so sánh so với thời điểm 2008.

Xâu chuỗi lại, tình trạng hiện nay có thể chỉ là khủng hoảng niềm tin do vấn đề thanh khoản (việc các ngân hàng có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng hay không), chứ không phải khả năng thanh toán (khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính và trả nợ dài hạn).

Năm 2008, các ngân hàng mất khả năng trả nợ một số loại trái phiếu, tạo ra vấn đề về thanh toán. Bloomberg cho rằng rắc rối hiện nay của Credit Suisse vẫn chưa thể được coi là khủng hoảng thanh toán.

Lợi suất trái phiếu "rác" đang ngang bằng so với khủng hoảng COVID.

Ông Ajay Rajadhyaksha, Chủ tịch Nghiên cứu Toàn cầu của Barclays cho biết để giải quyết khủng hoảng thanh khoản, “ngân hàng trung ương cần can thiệp một cách dứt khoát để hoàn thành vai trò như người cho vay cuối cùng”. 

Trong trường hợp của Credit Suisse, tổ chức phải đứng ra can thiệp là Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB). Và ngày 15/3, SNB đã tuyên bố sẽ bơm thanh khoản trong trường hợp Credits Suisse cần. Ngay sau đó, Credit Suisse thông báo ý định vay khẩn cấp 50 tỷ CHF (tương đương 54 tỷ USD).

“Năm 2008, khủng hoảng còn tồi tệ hơn nhiều theo những cách khác. Các ngân hàng thiếu vốn và không được quản lý chặt chẽ. Quan trọng nhất, chất lượng tài sản của ngân hàng bị nghi ngờ”, ông Rajadhyaksha nói.

“Ngành ngân hàng đã gặp khủng hoảng thanh toán vào năm 2008, dẫn đến sự một loạt rủi ro khác”, ông cho biết. “[Nhưng hiện nay], chúng tôi không nhận thấy vấn đề về khả năng thanh toán, mà chỉ là một cuộc khủng hoảng niềm tin” của một ngân hàng lớn “mà cuối cùng có thể ảnh hưởng tới hệ thống tài chính”.

Minh Quang