|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khoản đầu tư hoàn hảo: An toàn hơn trái phiếu chính phủ Mỹ nhưng lợi nhuận lớn hơn

14:29 | 08/02/2023
Chia sẻ
Trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành được xếp hạng tín nhiệm AAA và thường được nhà đầu tư coi là tài sản đầu tư an toàn nhất thế giới. Tuy nhiên, còn một khoản đầu tư khác an toàn hơn trái phiếu Kho bạc Mỹ, đồng thời mang lại lợi nhuận lớn hơn, đó là cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vay tiền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) đang phải đau đầu vì Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ gây khó dễ về vấn đề ngân sách và trần nợ công. Trái lại, Chủ tịch Fed Jerome Powell (bên phải) và các đồng nghiệp của ông có thể tùy ý quyết định lãi suất và cung tiền, không cần thông qua các nghị sỹ. (Ảnh minh họa: Getty Images, Insider).

Các công thức phục vụ việc định giá trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán như mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) hay chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) đều cần có một thông số quan trọng là lãi suất phi rủi ro (risk-free rate, hay viết tắt là Rf).

Thông thường, lãi suất phi rủi ro được chọn là lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương ứng với thời gian đầu tư. Nếu nhà đầu tư dự định “lướt sóng”, Rf thường được chọn là lợi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn ba tháng. Nếu thời hạn đầu tư dài hơn, Rf sẽ là lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, 15 năm, …

Tinh thần chung của các mô hình định giá luôn là lợi nhuận kỳ vọng phải đi kèm với rủi ro. Nếu nhà đầu tư sợ mạo hiểm và rót tiền vào các công cụ nợ do chính phủ phát hành, lợi nhuận thu về sẽ rất thấp, chỉ ngang bằng với lãi suất phi rủi ro Rf.

Nếu mua các chứng khoán với rủi ro lớn hơn như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu rác, … tiềm năng lợi nhuận sẽ lớn hơn so với khi mua trái phiếu chính phủ.

Nhưng liệu có khoản đầu tư nào an toàn hơn cho chính phủ vay nhưng lại mang đến lợi nhuận lớn hơn hay không? Câu trả lời là có, cụ thể là cho ngân hàng trung ương Mỹ vay.

Rủi ro khi đầu tư trái phiếu Kho bạc Mỹ

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính phủ Mỹ quyền lực nhất hành tinh, chứng khoán nợ do Washington phát hành được các tổ chức uy tín như Moody’s, S&P 500 và Fitch Ratings xếp hạng cao nhất trong thang đo là AAA hoặc tương đương.

Nói cách khác, trái phiếu của chính quyền liên bang Mỹ được coi là loại tài sản an toàn nhất, có rủi ro không đáng kể, Washington được cho là có thể dễ dàng thực hiện các nghĩa vụ nợ đến hạn.

Tuy nhiên, việc mua trái phiếu Kho bạc vẫn tiềm ẩn những rủi ro, như thể hiện qua những cuộc tranh chấp giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới trần nợ công trong những năm gần đây.

Chính phủ Mỹ không được tự do quyết định ngân sách của mình. Kế hoạch thu thuế hàng năm phải được Quốc hội thông qua, kế hoạch chi tiêu cũng cần được các nghị sỹ phê duyệt. Khi cần đi vay, Tổng thống Mỹ cũng không được phép vượt trần nợ mà Quốc hội áp đặt.

Chính phủ Mỹ phải đi vay hàng nghìn tỷ USD mỗi năm để chi tiêu vào các chương trình công cộng cũng như trả nợ đến hạn.

Khi Mỹ đã chạm trần nợ công mà Quốc hội không đồng ý nâng trần nợ như hiện nay và từng xảy ra hàng chục lần trước đây, khả năng Mỹ vỡ nợ lại được đem ra bàn luận trên nghị trường cũng như thị trường tài chính.

Ngày 5/8/2011, Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng trái phiếu Kho bạc Mỹ từ AAA xuống còn AA+ giữa những lo ngại liên quan tới trần nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị đánh giá ở dưới mức cao nhất AAA.

Mỹ không thiếu tiền, nhưng chính phủ Mỹ vẫn có thể vỡ nợ nếu như các đảng phái chính trị nhất quyết làm khó đối phương và không chịu nhượng bộ để đạt được thỏa thuận về ngân sách, trần nợ. Chính phủ Mỹ thực tế đã từng vỡ nợ ít nhất ba lần vào các năm 1934, 1971 và 1979.

Khoản đầu tư hoàn hảo

Nếu trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn chưa thể coi là khoản đầu tư phi rủi ro, vậy thì loại lãi suất nào mới có thể được coi là lãi suất phi rủi ro? Câu trả lời là lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo (reverse repurchase agreement) giữa các ngân hàng thương mại và Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Hợp đồng repo (repurchase agreement) là công cụ tài chính mà các ngân hàng dùng để vay tiền đáp ứng nhu cầu thanh khoản với kỳ hạn tương đối ngắn, thường từ qua đêm tới vài tuần.

Ví dụ với hợp đồng repo kỳ hạn một tuần: Ngân hàng S đang cần tiền gấp có thể đem tài sản bảo đảm là trái phiếu Kho bạc đến bán cho Fed và lấy tiền mặt. Đồng thời, S cam kết mua lại số chứng khoán nói trên sau một tuần. Đúng một tuần sau, S sẽ mua lại chứng khoán và trả tiền cho Fed.

Fed thường xuyên thực hiện giao dịch repo để điều tiết cung tiền. Khi thấy hệ thống thiếu thanh khoản, Fed sẽ mở rộng cửa sổ repo, sẵn sàng nhận chứng khoán từ các ngân hàng làm tài sản bảo đảm để cho vay và bơm tiền vào hệ thống.

Ngược lại, khi thấy các ngân hàng dư thừa thanh khoản, Fed sẽ sử dụng tới hợp đồng repo nghịch đảo để hút bớt tiền ra.

Trong hợp đồng repo nghịch đảo, Fed sẽ đóng vai trò là bên đi vay, đưa chứng khoán cho các ngân hàng để lấy tiền về. Việc Fed vay tiền của các ngân hàng khiến cho cung tiền trong hệ thống tài chính giảm đi.

Fed sử dụng hợp đồng repo thông thường hay repo nghịch đảo với mục đích duy nhất là điều hành chính sách tiền tệ. Fed cho vay không phải để kiếm lợi nhuận từ lãi suất, Fed đi vay không phải vì trong túi đang thiếu tiền.

Trong mỗi cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các quan chức Fed quyết định ba loại lãi suất, bao gồm: Lãi suất quỹ liên bang (đây là thông tin mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất, được báo giới nhắc tới nhiều nhất), lãi suất repo, và cuối cùng là lãi suất repo nghịch đảo.

Từ giữa tháng 3/2020 đến giữa tháng 6/2021, Fed ấn định lãi suất quỹ liên bang trong khoảng thấp kỷ lục 0 – 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, Fed duy trì lãi suất repo nghịch đảo ở mức 0%, tức là Fed chỉ sẵn lòng vay của các ngân hàng với lãi suất 0%. Biểu đồ bên dưới cho thấy hầu như không có ai cho Fed vay trong giai đoạn này.

Fed đang vay kỳ hạn qua đêm hơn 2.000 tỷ USD từ các ngân hàng với lãi suất 4,55% mỗi năm, lớn hơn lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 - 30 năm.

Từ 18/6/2021, Fed nâng lãi suất repo nghịch đảo lên 0,05% trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở khoảng 0 – 0,25%. Lúc này, việc cho Fed vay đã có vẻ hấp dẫn hơn vì lãi suất cao hơn 5 điểm cơ bản (bps) so với lãi suất tối thiểu khi cho các ngân hàng khác vay. Tiền bắt đầu chảy mạnh về Fed từ tháng 6/2021.

Vào tháng 3/2022, Fed nâng lãi suất quỹ liên bang lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 khởi phát, từ khoảng 0 – 0,25% lên 0,25 – 0,5%. Lãi suất repo nghịch đảo cũng đi từ 0,05% lên 0,3%.

Tương tự trong các cuộc họp sau đó, lãi suất quỹ liên bang tăng bao nhiêu thì lãi suất repo nghịch đảo cũng tăng đúng bấy nhiêu để luôn cao hơn 5 bps so với giới hạn dưới của khoảng mục tiêu lãi suất quỹ liên bang.

Đến cuộc họp gần đây nhất hôm 31/1 – 1/2, các quan chức Fed nâng lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 4,5 – 4,75% và lãi suất repo nghịch đảo cũng lên mức 4,55%.

Từ giữa 2021 đến nay, lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo luôn được Fed ấn định ở mức cao hơn 0,05 điểm % so với giới hạn dưới trong khoảng mục tiêu lãi suất quỹ liên bang.

Các ngân hàng nhận thấy việc cho Fed vay đôi khi mang lại lợi ích lớn hơn so với khi làm ăn với các ngân hàng khác, nên dòng tiền đã chảy dần về Fed.

Tính đến ngày 7/2 vừa qua, Fed đang vay 2.058 tỷ USD từ các ngân hàng. Đây là số tiền mà Fed giữ trong tài khoản, không được dùng trong nền kinh tế, qua đó giúp hạ bớt áp lực lạm phát.

Các ngân hàng hiện được hưởng lãi suất 4,55%/năm khi cho Fed vay qua đêm hơn 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm hiện nay chỉ khoảng 4,4%, lợi suất kỳ hạn 30 năm còn thấp hơn là 3,7%, kỳ hạn 10 năm là 3,64%, …

Cho Fed vay an toàn hơn cho Chính phủ Mỹ vay vì Fed không bị ràng buộc bởi Quốc hội, không cần đợi các nghị sỹ hai đảng tranh cãi về chính sách thuế má, chi tiêu, trần nợ công, … Các quan chức Fed có thể họp với nhau và quyết định tăng, giảm lãi suất tức thì, in thêm bao nhiêu tiền tùy thích.

Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ nhưng Fed với cỗ máy in tiền trong tay không thể vỡ nợ. Đã vậy, lãi suất khi cho Fed vay còn lớn hơn khi cho chính phủ Mỹ vay.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hiện nay ở dưới mốc 4,5%, trong khi lãi suất repo nghịch đảo của Fed là 4,55%.

Đức Quyền

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.