|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mất ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ có tiềm năng trở thành siêu cường

17:02 | 17/04/2023
Chia sẻ
Không chỉ có quy mô dân số lớn nhất thế giới, Ấn Độ còn có một cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, giúp nước này có cơ hội trở thành một cường quốc kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với nhiều thách thức để khai thác tối đa sức mạnh từ nguồn lao động khổng lồ của mình.

Trở thành cường quốc

Theo MarketWatch, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào hôm 14/4. Dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc (UN), dân số Ấn Độ đã đạt 1.424.782.975 người vào ngày 14/4. 

Nếu dựa theo số liệu được Bloomberg tổng hợp từ UN và Tổng cục Thống kê Trung Quốc, vào cuối năm 2022, Ấn Độ đã có dân số đông hơn Trung Quốc khoảng 5 triệu người.

Liên Hợp Quốc cho rằng quy mô dân số của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào khoảng giữa năm 2023.

Theo The Diplomat, với việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đang nắm trong tay cơ hội lớn để phát triển. Bất chấp những vấn đề như tình trạng nghèo đói, căng thẳng giữa các cộng đồng, cơ hội giáo dục không đồng đều, Ấn Độ là một quốc gia bùng nổ với sự năng động, đa dạng và khả năng thay đổi.

Khoảng hơn 2/3 dân số Ấn Độ đang nằm trong độ tuổi lao động. Tuy tỷ lệ thất nghiệp và việc làm phi chính thức tại quốc gia Nam Á này vẫn còn cao, các doanh nghiệp sản xuất đang đổ xô đến Ấn Độ. New Delhi đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc) vào cuối thập kỷ này. Ấn Độ cũng đang nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng của mìn.

Văn hóa Ấn Độ đang ngày càng thâm nhập vào nhiều nơi trên thế giới. Một bộ phim có tên là “RRR” của Ấn Độ vừa nhận được giải thưởng Quả cầu vàng đầu tiên trong lịch sử điện ảnh nước này.

New Delhi đang trở thành một người chơi lớn trên lĩnh vực kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Ấn Độ đang tìm cách bắt chước mô hình Đông Á, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay vì phụ thuộc vào mô hình thương mại tự do của phương Tây.

Về địa chính trị, Ấn Độ đã thể hiện sự tự chủ, không ủng hộ phương Tây hay Nga trong cuộc xung đột Ukraine. New Delhi ngày càng tin tưởng rằng mình là một cường quốc và hành động tuân theo lợi ích quốc gia. Theo một khảo sát gần đây của Morning Consult, người Ấn Độ coi Mỹ là mối đe dọa quân sự lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước Pakistan. 

Một thước đo khác quan trọng không kém quy mô dân số

Ấn Độ có tiềm năng kinh tế khổng lồ, không chỉ đến từ quy mô dân số mà còn bởi cơ cấu nhân khẩu học. Lợi thế khổng lồ này có thể được nhìn thấy trong tỷ lệ người phụ thuộc của Ấn Độ.

Tỷ lệ người phụ thuộc là thước đo so sánh số lượng trẻ em (dưới 15 tuổi) và người cao tuổi (trên 64 tuổi) của một quốc gia so với dân số đang trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi). Tỷ lệ trên càng thấp, người lao động càng ít phải chịu gánh nặng nuôi sống người già và trẻ em.

Vào cuối thế kỷ này, một người lao động Trung Quốc sẽ phải nuôi sống nhiều hơn một người phụ thuộc. Tỷ lệ trên tại Ấn Độ vẫn sẽ thấp hơn 1.

Tỷ lệ người phụ thuộc có thể cao khi tháp dân số của một quốc gia ở trạng thái mở rộng (nhiều trẻ em, ít người già) hoặc thu hẹp (nhiều người già, ít trẻ em). Khi ở hai hình thái trên, các quốc gia sẽ phải dành một phần lớn tài nguyên, tiền bạc vào hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ, nuôi sống người già và trẻ em.

Ngược lại, tháp dân số ở trạng thái ổn định (số người lao động cao, người già và trẻ em ít), hay tỷ lệ phụ thuộc thấp, xã hội sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất nhất, trong khi chi phí tiêu tốn cho mạng lưới an sinh không cao. Bởi vậy, thời kỳ tỷ lệ phụ thuộc đi xuống là giai đoạn thuận lợi để tăng tốc độ phát triển kinh tế.

Các dự báo của Liên Hợp Quốc được công bố vào năm 2022 cho thấy tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ là 47 người phụ thuộc trên 100 lao động vào năm 2023 (47%). Vào 25 năm trước, tỷ lệ trên lên tới 68%. Tỷ lệ người phụ thuộc của Ấn Độ được dự đoán sẽ giảm xuống mức 45%, và phải đến năm 2033 mới bắt đầu tăng trở lại.

Ngày nay, tỷ lệ người phụ thuộc của Trung Quốc thấp hơn một chút so với Ấn Độ (45%). Tuy nhiên, trong những năm tới, tỷ lệ này sẽ tăng nhanh chóng do hậu quả của chính sách một con. Tỷ lệ phụ thuộc của Trung Quốc sẽ bắt đầu đi lên vào năm 2028 và đạt 68% sau 25 năm tới (2048).

Ấn Độ đang có ít người già và nhiều người trẻ hơn so với Trung Quốc.

Chưa thể khai thác hết tiềm năng

Dù số liệu nhân khẩu học cho thấy Ấn Độ nhận được nhiều lợi ích từ vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, nước này sẽ khó khai thác toàn bộ tiềm năng kinh tế nếu vẫn tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế mới nổi khác về năng suất lao động và tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Ấn Độ hiện đang trong giai đoạn lợi tức dân số, tức là tỷ lệ sinh giảm, và nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động hơn, dẫn đến tỷ lệ phụ thuộc thấp hơn. Tuy nhiên, Ấn Độ có thể sẽ không tận dụng được toàn bộ tiềm năng từ lợi tức dân số.

Người dân Ấn Độ nhảy xuống từ một toa tàu. Các phương tiện công cộng của Ấn Độ thường trong cảnh quá tải. (Ảnh: Anindito Mukherjee/Reuters).

Một báo cáo từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNPFA) phác thảo 8 chính sách và sáng kiến cụ thể, xoay quanh hai trụ cột nhằm giúp Ấn Độ tận dụng giai đoạn then chốt này. Đầu tiên, New Delhi cần cải thiện sức khỏe cá nhân, đặc biệt là chăm sóc y tế, sức khỏe sinh sản và giáo dục. Trụ cột thứ hai là chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo.

Tuy nhiên, báo cáo của UNPFA cho thấy Ấn Độ đang tụt lại phía sau trong lĩnh vực sức khỏe. Chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe không theo kịp với tổng lợi nhuận quốc nội và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng đầy đủ.  Báo cáo cũng cho biết phụ nữ Ấn Độ có ít cơ hội học tập những kỹ năng giúp tăng cường sự tham gia vào lực lượng lao động.

"Nếu không có chính sách phù hợp, sự gia tăng dân số có thể dẫn tới tỷ lệ thấp nghiệp cao, gây rủi ro cho nền kinh tế và xã hội", báo cáo cho hay.

Minh Quang